Người H'rê

Dân tộc thiểu số ở miền Trung của Việt Nam
(Đổi hướng từ Người Hrê)

Người H'rê, còn có tên gọi khác là Chăm Rê, Chom Krẹ, Lùy, là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam.[1][2][3]

Hrê (H're)
Khu vực có số dân đáng kể
Việt Nam: Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai
Ngôn ngữ
Hrê, Việt, khác
Tôn giáo
Thuyết linh vật

Tên gọi

sửa

Tên gọi của người Hrê trước đây thường gắn với tên sông, tên núi, chưa có một tên gọi thống nhất chung cho cả dân tộc. Ví dụ: Người Hrê ở sông Krêq của huyện Sơn Hà, gọi là wì Krêq (người Krêq). Người Hrê ở sông Hrê huyện Ba Tơ, gọi là Hrê. Người Hrê ở vùng sông Đinh huyện An Lão, gọi là Hrê wì Đinh... Ngoài ra, cư dân người Hrê trước đây còn có tên gọi hiện đã lạc hậu như Chàm Quảng Ngãi, Chăm Hrê, Chom, Rê, Man Thạch Bích, Mọi Đá Vách, Lùy (Lũy)...Qua quá trình cố kết phát triển, ý thức dân tộc xuất hiện và được củng cố, tộc danh thống nhất được gọi là Hrê theo người Hrê Ba Tơ.

Tôn giáo

sửa

Dân tộc H'rê hầu hết không theo một tôn giáo nào cả. Tuy nhiên, tín ngưỡng của người H'rê rất gần với thuyết linh vật. Người H'rê cho rằng mọi vật, hòn đá, cây cỏ, dòng suối, núi rừng... đều có linh hồn như con người, nên người H'rê đối xử với mọi tạo vật một cách hiền hòa và tôn trọng như thể tôn trọng chính bản thân mình. Người H'rê còn theo một số đạo khác, chủ yếu thuộc Thiên chúa giáo như Đạo Báp-tít Liên Hiệp, Ngũ Tuần, Tin Lành, Trưởng Lão,..

Nhóm ngôn ngữ

sửa

Tiếng Hrê là một ngôn ngữ trong ngữ tộc Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Tiếng H'rê thuộc hệ Bahnar Bắc, gần với tiếng Xơ Đăng, Ka Dong, Giẻ...

Dân số và địa bàn cư trú

sửa

Người Hrê sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, có dân số 149.460 người năm 2019 [4].

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Hrê ở Việt Nam có dân số 127.420 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Hrê cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng Ngãi (115.268 người, chiếm 90,5% tổng số người Hrê tại Việt Nam), Bình Định (9.201 người), Kon Tum (1.547 người), Đắk Lắk (341 người), Gia Lai (128 người)[5].

Theo thống kê đến ngày 31/12/2015, tổng dân số dân tộc Hrê của tỉnh Quảng Ngãi là: 132,745 người, trong đó:

  • Huyện Ba Tơ: 48,852 người
  • Huyện Sơn Hà: 65,823 người
  • Huyện Minh Long: 13,478 người
  • Các huyện khác và thành phố Quảng Ngãi: 4,592 người.

Đặc điểm kinh tế

sửa

Người Hrê làm lúa nước từ lâu đời, kỹ thuật canh tác lúa nước của người Hrê tương tự như vùng đồng bằng Nam Trung bộ. Người Hrê chăn nuôi nhằm phục vụ các lễ cúng bái và buôn bán trao đổi, riêng trâu còn được dùng để kéo cày, bừa. Nghề đan lát, dệt khá phát triển, nhưng nghề dệt đã bị mai một qua mấy chục năm gần đây.

Tổ chức cộng đồng

sửa

Trong làng người H'rê, "già làng" có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng. Dưới thời phong kiến người H'rê nhất loạt đặt họ Đinh, gần đây một số người lấy họ Nguyễn, Hà, Phạm... Hình thức gia đình nhỏ rất phổ biến ở dân tộc Hrê.

Người H'rê vô cùng coi trọng cộng đồng mình đang sống và mối liên kết với từng thành viên trong cộng đồng. Trong những lễ hội như đâm trâu hoặc cúng bái ở làng, tất cả các gia đình đều phải cử người tham gia, đóng góp công sức.

Văn hóa

sửa

Người Hrê cũng có lễ đâm trâu như phong tục chung ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Người Hrê thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ. Ka-choi và Ka-lêu là làn điệu dân ca quen thuộc của người Hrê. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài trí giữa thiện và ác, giàu và nghèo, rất hấp dẫn các thế hệ từ bao đời nay. Nhạc cụ của người Hrê gồm nhiều loại: đàn Brook, Ching Ka-la, sáo ling la, ống tiêu ta-lía, đàn ống bút của nữ giới, khèn ra-vai, ra-ngói, pơ-pen, trống... Những nhạc cụ được người Hrê quý nhất là chiêng, cồng, thường dùng bộ 3 chiếc, hoặc 5 chiếc, với các nhịp điệu tấu khác nhau.

Nhà cửa

sửa

Hrê xưa ở nhà sàn dài. Nay hầu như nhà dài không còn nữa. Nóc nhà có hai mái chính lợp cỏ tranh, hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt sâu vào trong hai mái chính. Mái này có lớp ngoài còn thêm một lớp nạp giống như ở vách nhà. Chỏm đầu đốc có "bộ sừng" trang trí với các kiểu khác nhau. Vách, lớp trong bằng cỏ tranh, bên ngoài có một lớp nẹp rất chắc chắn. Hai gian đầu hồi để trống.

Bộ khung nhà kết cấu đơn giản giống như nhà của nhiều cư dân khác ở Tây Nguyên.

Trong nhà (trừ hai gian đầu hồi) không có vách ngăn. Với nhà người Hrê còn có đặc điểm ít thấy ở nhà các dân tộc khác: thường thì nhà ở cửa mặt trước hoặc hai đầu hồi. Mặt trước nhà nhìn xuống phía đất thấp, lưng nhà dựa vào thế đất cao. Người nằm trong nhà đầu quay về phía đất cao. Nhưng với người Hrê thì hoàn toàn ngược lại.

Gian hồi bên phải (nhìn vào mặt nhà) (A) dành cho sinh hoạt của nam và khách. Gian hồi bên trái (C) dành cho sinh hoạt của nữ. Giáp vách gian hồi bên phải đặt bếp chính. Gian chính giữa đặt bếp phụ. Gian giáp vách với gian hồi bên trái đặt cối giã gạo.

Trang phục

sửa

Giống người Kinh. Có cá tính tộc người song không rõ nét. Trước kia đàn ông Hrê đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng, quấn khăn; đàn bà mặc váy hai tầng, áo 5 thân, trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim. Ngày nay, người Hrê mặc quần áo như người Kinh. Người Hrê thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, vàng, đồng hồ, nữ có thêm hoa tai. Tục cà răng đã được xóa bỏ.

Người H'rê có danh tiếng

sửa
Những người H'rê có danh tiếng
Tên Sinh thời Hoạt động
Đinh Thị Hồng Minh 1970-... Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021). Quê xã Long Hiệp, huyện Minh Long, Quảng Ngãi.
Đinh Văn Thành Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam
Đinh Văn K'Rể 2008-2020 Bé trai tí hon mắc hội chứng Seckel, cao 62 cm - nặng 4 kg, đã được vinh danh trong WeChoice Awards 2018 (cùng cha nuôi tên Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán Trú Tiểu Học Sơn Ba (Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi) - Vừa qua đờiđột quỵ vào ngày 09-11-2020
Đinh Ta Bi 2001-... Á vương 2 Nam vương Thế giới Việt Nam 2024

Tham khảo

sửa
  1. ^ Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam Lưu trữ 2018-10-03 tại Wayback Machine. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, 2016. Truy cập 12/12/2020.
  2. ^ Dân tộc H'rê. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, 2016. Truy cập 12/12/2020.
  3. ^ Joshua Project, Ethnic People Group: Hre in Vietnam, 2019. Truy cập 12/12/2020.
  4. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Dso2019
  5. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội, 6-2010. Biểu 5, tr.134-225. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2011.

Xem thêm

sửa

Liên kết ngoài

sửa