Thủy Xá - Hỏa Xá (chữ Hán: 水舍 - 火舍) là tên gọi trong sử ký của triều Nguyễn để chỉ tiểu quốc Jrai của người Jrai - Eđê trên cao nguyên Pleiku từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19. Thủy Xá và Hỏa Xá được cai trị bởi hai tiểu vương vua nước Thủy Vương và vua lửa Hỏa Vương (Tiếng Khơme là Sdet Tik - Sdet Phlong, Tiếng Lào là Sadet Fai - Sadet nam, Tiếng Êđê là Mtao Êa - Mtao Pui, Tiếng Jrai là Ptao Ia - Ptao Apui) cai trị Ngoài ra, còn 1 vị Pơtao ít được biết đến nữa là Pơtao Angin (Gió) (Tiếng J'rai).

Lãnh thổ Thủy Xá (水舍) và Hỏa Xá (火舍).

Lịch sử

sửa

Theo kí thuật của tác gia Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục:

Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương.
Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người.
Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo, đến làng nào thì đánh ba hồi chuông, dân làng đều ra, họ làm một cái lều tranh cho vua ở (vì kiêng không vào nhà dân). Họ dâng lên vua những thứ như: nồi đồng, tấm vải trắng, hoặc một cây mía, một nải chuối chẳng hạn. Vua cứ việc nhận lấy các lễ vật ấy không nề hà gì. Thu nhận lễ vật cũng không ghi chép gì, xong thì nhà vua đi.
Hải Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ.

Thủy Xá và Hỏa Xá ở hai địa điểm khác nhau[1]: xã Chư A Thai, huyện Ayun Pa (phía Nam tỉnh Gia Lai) và xã Ia Lốp[2], huyện Ea Súp (phía tây bắc tỉnh Đắk Lắk). Mỗi ông có tầm ảnh hưởng trong một vùng và không được gặp nhau, nếu không sẽ phải một mất một còn[1]. Nếu đúng như ghi chép của Lê Quý Đôn thì Thủy Xá ở xã Chư A Thai (phía đông) còn Hỏa Xá ở Ia Lốp (phía Tây). Tuy nhiên chưa có sự phân định rõ ràng, các tiểu vương này khi thì tự nhận là vua Nước, khi thì tự nhận là vua Lửa[1].

Thủy Xá và Hỏa Xá đều thuộc dòng họ Siu và chỉ được phép lấy vợ thuộc dòng họ R'com H'Bia (R'com là họ, chứ không phải cô nàng. R'com là một loại cây có lá giống lá cây dâm bụt. Xưa kia, người Jrai không có họ. Mẹ sinh ra dưới gốc cây R'com thì đứa bé ấy mang họ R'com). Họ có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Jrai và khu vực lân cận nhưng không trực tiếp nắm quyền hành thế tục và phải tuân thủ một số tục lệ kiêng cữ. Đây được coi là một dạng tù trưởng của một hình thức nhà nước sơ khai, cách đây không lâu còn thấy ở một số liên minh bộ lạc châu Phi và nam Ấn Độ[1].

Ngoài ra tại xã Chư A Thai còn có vua Gió (pơtao Angin), ra đời muộn hơn hai vua trên[1].

Quan hệ với Chân Lạp

sửa

Để cầu sự an lành cho xứ sở và sự chở che từ phía Tây Nguyên, cứ 3 năm một lần các vương triều Khmer (Chân Lạp) lại dâng lễ vật lên Thủy Xá và Hỏa Xá[1].

Quan hệ với chúa Nguyễn

sửa

Trong thời kỳ các chúa Nguyễn cai trị ở Đàng Trong, bắt đầu từ thế kỷ 17 đã gây ảnh hưởng lên các tiểu vương này, theo ghi chép của Lê Quý Đôn, cứ 5 năm một lần các chúa Nguyễn thường sai các cai đội ở phủ Phú Yên làm Chánh sứ và Phó sứ theo lưu vực sông Ba lên gặp các vị tiểu vương cho áo gấm, mão, nồi đồng, khóa sắt, đồ sứ, bát, đĩa và đồng thời đòi phải nộp lễ cống và thuế[3].

Mối quan hệ này được giữ vững từ thời các chúa Nguyễn sang thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ 19, vào năm 1898 sau khi chiếm được Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp bắt đầu tổ chức cai trị trực tiếp ở đây. Các vị tiểu vương đã tổ chức chống lại và viên thanh tra Prosper Odend đã bị vua Hỏa Xá Po At giết vào năm 1904. Tuy nhiên trước sự tấn công của viên sĩ quan Vincillionni kế tiếp, vua Po At đã phải chạy trốn và vai trò tiểu vương Hỏa Xá Thủy Xá chính thức chấm dứt tồn tại[4].

Tham khảo

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ a b c d e f Đặng Nghiêm Vạn (2003). “Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam”. Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh: 316–317.
  2. ^ Theo Đặng Nghiêm Vạn là xã Ia Lốp, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) nhưng thực tế huỵện Chư Prong không có xã này. Xã Ia Lốp, huyện Ea Súp nằm ở phía nam huyện Chư Prong.
  3. ^ Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn
  4. ^ Cộng đồng người Thượng trên Cao nguyên miền Trung, TS.Nguyễn Văn Huy, ĐH Paris7, Pháp

Xem thêm

sửa