Cổng thông tin:Đức/Bài viết tiêu biểu
Barbarossa (tiếng Đức: Unternehmen Barbarossa) là mật danh của chiến dịch xâm lược Liên Xô do Quân đội Đức Quốc Xã tiến hành trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến dịch có mục tiêu nhanh chóng chiếm đóng phần lãnh thổ phía Tây đường ranh giới nối liền giữa hai thành phố Arkhangelsk và Astrakhan (thường gọi là tuyến A-A) của Liên Xô, được mở màn vào sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 trên toàn bộ tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô và thực tế kết thúc vào đầu tháng 2 năm 1942 trước cửa ngõ Moskva. Trong toàn chiến dịch, mặc dù Quân đội Đức Quốc Xã đã giành được một số chiến thắng vang dội ở cấp độ chiến thuật, chiếm được phân nửa lãnh thổ thuộc châu Âu của Liên Xô trong đó có một số vùng kinh tế quan trọng, nhưng không hoàn thành mục tiêu mà kế hoạch đề ra. Kể từ sau khi đợt tấn công Moskva bị bẻ gãy vào cuối tháng 1 năm 1942, Quân đội Đức Quốc Xã không còn đủ sức tổ chức một đợt tổng tấn công nào khác trên toàn bộ mặt trận, khiến chiến lược đánh nhanh thắng nhanh trước mùa đông 1941–1942 của Hitler hoàn toàn thất bại. [ Đọc tiếp ]
Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Đức (Deutsche Fußballnationalmannschaft der Frauen) bao gồm các cầu thủ bóng đá nữ do huấn luyện viên quốc gia lựa chọn. Đội đại diện cho Hiệp hội bóng đá Đức trên bình diện quốc tế trong các trận thi đấu giao hữu quốc tế cũng như trong Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu của UEFA, Giải vô địch bóng đá nữ thế giới của FIFA và Thế vận hội Mùa hè.
Đội bóng đá nữ quốc gia Đức là một trong các đội tuyển bóng đá nữ quốc gia có nhiều thành tích nhất trên thế giới. Đội đã hai lần vô địch bóng đá nữ thế giới và 8 lần đoạt vô địch châu Âu, cũng như liên tục đoạt giải vô địch bóng đá nữ châu Âu trong 6 lần tổ chức gần đây nhất, giúp Đức trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng vô địch bóng đá thế giới, thế vận hội và châu lục ở cả nam lẫn nữ. Đức cũng giành huy chương vàng bóng đá nữ Thế vận hội Mùa hè vào năm 2016. Birgit Prinz là nữ cầu thủ giữ kỷ lục thi đấu trong đội tuyển quốc gia đồng thời là người có số bàn thắng nhiều nhất trong lịch sử đội tuyển. [ Đọc tiếp ]
Chiến tranh Pháp–Phổ (19 tháng 7 năm 1870 - 10 tháng 5 năm 1871) là một cuộc chiến giữa Pháp và Phổ. Phổ được hỗ trợ bởi Liên bang Bắc Đức và các bang miền Nam Đức như Baden, Württemberg và Bayern. Sức mạnh vượt trội của Phổ và Đức hiển hiện nhanh chóng, một phần bằng việc sử dụng hiệu quả vận chuyển bằng đường sắt và pháo binh tân tiến hiệu Krupp. Liên quân Đức-Phổ nhanh chóng giành được một loạt thắng lợi tại miền đông nước Pháp, mà đỉnh điểm là Trận Sedan, trận chiến mà Napoléon III và toàn bộ đạo quân dưới quyền bị bắt vào ngày 2 tháng 9. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa chấm dứt: Đệ tam cộng hòa được tuyên bố thành lập ngày 4 tháng 9 tại Paris, và người Pháp tiếp tục kháng cự dưới sự chỉ huy của Chính phủ Vệ Quốc và sau đó là Adolphe Thiers. Trong vòng 5 tháng, quân đội Đức – Phổ đánh bại những đạo quân mới được tuyển mộ của Pháp trong một loạt trận chiến dọc miền Bắc nước Pháp. Thủ đô Paris của Pháp thất thủ ngày 28 tháng 1 năm 1871 sau một cuộc vây hãm kéo dài. Mười ngày trước đó, các tiểu quốc Đức đã tuyên bố hợp nhất dưới sự trị vì của Vua Phổ, thống nhất nước Đức thành Đế chế Đức. Hiệp ước Frankfurt được ký ngày 10 tháng 5 1871 chấm dứt chiến tranh, trong giai đoạn máu lửa của Công xã Paris năm 1871. [ Đọc tiếp ]
FC Bayern München là một câu lạc bộ thể thao có trụ sở tại München, Đức và là câu lạc bộ thành công nhất trong lịch sử bóng đá Đức, với 30 chức vô địch quốc gia và 20 cúp quốc gia, cùng với vô số danh hiệu châu Âu. Câu lạc bộ được thành lập năm 1900 bởi 11 cầu thủ bóng đá, được dẫn dắt bởi Franz John. Mặc dù Bayern giành chức vô địch quốc gia đầu tiên vào năm 1932, đội bóng không được lựa chọn để chơi ở Bundesliga (hạng đấu cao nhất của hệ thống giải đấu bóng đá Đức) khi giải được thành lập vào năm 1963. Câu lạc bộ trải qua quãng thời gian thành công nhất vào khoảng giữa những năm 1970, dưới sự chỉ huy của Franz Beckenbauer, đội bóng đã vô địch Cúp C1 châu Âu 3 lần liên tiếp (1974-1976). Tổng thể, Bayern đã 11 lần tiến vào các trận chung kết Cúp C1 châu Âu/UEFA Champions League, gần đây nhất là vô địch lần thứ 6 vào năm 2020 và là một phần của cú ăn ba lục địa, qua đó trở thành câu lạc bộ châu Âu thứ hai đạt được cú ăn ba hai lần. Bayern cũng đã giành được 1 Cúp C2 châu Âu, 1 Cúp UEFA, 2 Siêu cúp bóng đá châu Âu, 2 FIFA Club World Cup và 2 Cúp bóng đá liên lục địa, trở thành một trong những câu lạc bộ châu Âu thành công nhất trên bình diện quốc tế và là câu lạc bộ Đức duy nhất vô địch cả hai giải đấu quốc tế. [ Đọc tiếp ]
Rhinocerus (Tê giác) là tên tác phẩm khắc gỗ của họa sĩ, nghệ nhân khắc bản in người Đức Albrecht Dürer sáng tác năm 1515. Tác phẩm này là hình ảnh một con tê giác dựa trên các mô tả từ sách vở và bức phác họa của một họa sĩ vô danh về con tê giác Ấn Độ Rhinoceros unicornis được đưa tới Lisboa vào đầu năm 1515. Đây là con tê giác đầu tiên được đưa tới châu Âu kể từ thời Đế chế La Mã vì vậy bản thân Dürer chưa bao giờ được nhìn thấy một con tê giác ngoài đời. Mặc dù có nhiều chi tiết theo cơ thể học không chính xác về loài tê giác, bức tranh Rhinocerus vẫn nổi danh ở châu Âu với nhiều đợt sao chép qua ba thế kỷ sau đó vì tranh minh họa chính xác và hiện thực về con thú. Mãi đến cuối thế kỷ 18 khi con tê giác Clara được đưa đi trưng bày khắp châu Âu, Rhinocerus mới dần bị thay thế bởi các bức minh họa chân thực hơn. Người ta đã nhận xét về tác phẩm của Dürer như sau: "có lẽ không bức tranh động vật nào có được ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật như vậy". [ Đọc tiếp ]
Cải cách Kháng nghị là cuộc cải cách tôn giáo khởi xướng bởi Martin Luther và được tiếp nối bởi Jean Calvin, Huldrych Zwingli, Jacobus Arminius và những người khác tại châu Âu thế kỷ 16. Với ý định ban đầu là nhằm cải cách Giáo hội Công giáo Rôma, phong trào thường được coi là bắt đầu với 95 luận đề của Martin Luther và kết thúc với Hòa ước Westfalen năm 1648. Khi ấy, nhiều người ở châu Âu bất bình về những điều họ cho là các giáo lý giả mạo và những lạm dụng phổ biến trong giáo hội, nhất là việc mua bán phép ân xá. Một hiện tượng khác gây bất mãn không kém là việc buôn bán chức thánh, cũng như tình trạng thối nát trong giới tăng lữ. Đối với nhiều người, sự băng hoại này là cố tật của cả hệ thống, ngay cả ở vị trí các Giáo hoàng.
Giáo hội Công giáo thời đó đã phản ứng bằng cách tiến hành chiến dịch chấn hưng Công giáo và phản đối Kháng Cách, do Công đồng Trent khởi xướng và được Dòng Tên thực thi triệt để. Nhìn chung, Bắc Âu, ngoại trừ Ireland và một vài nơi thuộc Anh Quốc, tiếp nhận đức tin Kháng Cách, Nam Âu duy trì truyền thống Công giáo Rôma, trong khi tranh chấp quyết liệt dẫn đến những cuộc chiến diễn ra ở Trung Âu. [ Đọc tiếp ]
Tây Đức (tiếng Đức: Westdeutschland) là tên thường dùng để chỉ Cộng hòa Liên bang Đức trong thời kỳ từ khi nhà nước này được thành lập vào ngày 23 tháng 5 năm 1949 đến khi được tái thống nhất 2 miền Tây – Đông vào ngày 3 tháng 10 năm 1990. Trong thời kỳ này, Đức cùng với thủ đô Berlin bị phân chia cho đến khi nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức sụp đổ và 5 bang của nó sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức. Cộng hòa Liên bang Đức (thường gọi là Đức) được mở rộng thành 16 bang cùng với việc thành lập 5 bang tại Đông Đức trước đây và như vậy trở thành nhà nước kế tục của Cộng hòa Liên bang Đức từ trước năm 1990.
Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập từ 11 bang từ ba khu vực chiếm đóng của Đồng minh do Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp kiểm soát. Thành phố Bonn là thủ đô lâm thời của đất nước. Khu vực thứ tư do Liên Xô chiếm đóng. Nhiều vùng của khu vực này nằm ở phía đông của sông Oder–Neisse, những nơi này sau đó đã bị Liên Xô và Ba Lan cộng sản sáp nhập; phần trung tâm còn lại quanh Berlin trở thành Cộng hòa Dân chủ Đức với thủ đô trên thực tế là Đông Berlin. Theo sau sự phân chia, Tây Đức có một lãnh thổ chỉ bằng khoảng một nửa kích thước của Cộng hòa Weimar, là quốc gia tồn tại giữa hai Thế chiến tại Đức. [ Đọc tiếp ]
Trận đấu giữa Brasil và Đức là trận đấu bán kết đầu tiên của Giải vô địch bóng đá thế giới 2014 (World Cup 2014), diễn ra vào ngày 8 tháng 7 tại sân vận động Mineirão tại Belo Horizonte, Brasil. Chiến thắng 7–1 của Đức trước Brasil trong trận này là trận thắng có hiệu số thắng thua cao nhất trong một trận bán kết qua các kỳ FIFA World Cup. Cầu thủ Miroslav Klose của Đức với pha ghi bàn nâng tỉ số trận đấu lên 2–0 đã đạt cột mốc 16 bàn thắng, chính thức trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất qua các kỳ World Cup, hơn kỷ lục cũ 15 bàn thắng của chính anh và tiền đạo Brasil Ronaldo. Trận đấu này cũng là thất bại đậm nhất của đội tuyển Brasil trong lịch sử (cùng với trận thua 0–6 trước Uruguay vào năm 1920). Nó cũng đã phá vỡ 62 trận liên tiếp bất bại trên sân nhà của Brasil từ năm 1975, khi họ thua Peru 1–3.
Kết quả thua sốc này, cùng với áp lực buộc đội tuyển Brasil giành chức vô địch World Cup trên sân nhà, đã khiến các phương tiện truyền thông gọi nó là Mineirazo, lấy cảm hứng từ Maracanazo, trận thua của Brasil trước Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950 trên sân nhà. [ Đọc tiếp ]
Westfalenstadion là một sân vận động bóng đá ở Dortmund, Nordrhein-Westfalen, Đức, là sân nhà của đội bóng Borussia Dortmund. Được gọi chính thức là "Signal Iduna Park" vì lý do tài trợ, tên này bắt nguồn từ tỉnh Westfalen trước đây của Phổ. Westfalenstadion là một trong những sân vận động bóng đá nổi tiếng nhất châu Âu và nổi tiếng về bầu không khí của nó. Sân có sức chứa giải đấu là 81.365 người (đứng và ngồi) và sức chứa quốc tế là 65.829 người (chỉ ngồi). Đây là sân vận động lớn nhất Đức, lớn thứ bảy châu Âu và là sân nhà lớn thứ ba của một câu lạc bộ hàng đầu châu Âu sau Camp Nou và Sân vận động Santiago Bernabéu. Sân giữ kỷ lục châu Âu về lượng người hâm mộ dự khán trung bình, được thiết lập vào mùa giải 2011-2012 với gần 1,37 triệu khán giả qua 17 trận đấu với trung bình 80.588 người mỗi trận. Doanh số bán vé mùa hàng năm lên tới 55.000 vào năm 2015. Südtribüne (Khán đài phía Nam) có sức chứa 24.454 người là khán đài đứng lớn nhất dành cho khán giả đứng trong bóng đá châu Âu. Nổi tiếng với bầu không khí mãnh liệt, sân thượng phía nam được đặt biệt danh là Die Gelbe Wand, có nghĩa là "Bức tường vàng". [ Đọc tiếp ]
Trận Königgrätz là trận đánh then chốt của cuộc Chiến tranh Áo-Phổ, diễn ra vào ngày 3 tháng 7 năm 1866 và chấm dứt bằng việc quân đội Phổ do Vua Wilhelm I và Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke chỉ huy đánh bại hoàn toàn liên quân Áo–Sachsen do tướng Ludwig von Benedeck chỉ huy. Với quy mô vượt mức trận Leipzig năm 1813, đây được xem là cuộc đọ sức lớn nhất của các lực lượng quân sự trong thế giới phương Tây trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Kết quả trận này đã xác định hoàn toàn phần thắng của Phổ trong cuộc chiến, dù đây là diều trái ngược với dự đoán của đa số dư luận trước chiến tranh. Trận Königgrätz còn được giới sử học đánh giá là một kiệt tác chiến trận khẳng định ưu thế vượt trội về tổ chức và trang bị của quân đội Phổ so với các nước khắc ở Bắc Đức. Thắng lợi mau lẹ của quân đội Phổ trước Áo khiến cả châu Âu choáng ngợp. Chiến thắng đã xác lập vai trò của nước Phổ như một trong những cường quốc hàng châu Âu và kết liễu sự bá quyền của Áo tại Đức. [ Đọc tiếp ]
Schutzstaffel (viết tắt SS) là một tổ chức bán quân sự dưới trướng Adolf Hitler và Đảng Quốc xã (NSDAP), hoạt động tại Đức dưới thời Cộng hòa Weimar và Đệ Tam Đế chế cũng như trên khắp các vùng lãnh thổ châu Âu bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Kể từ ngày đầu Đảng Quốc Xã lên nắm quyền cho đến khi sụp đổ vào năm 1945, SS là cơ quan quan trọng nhất về an ninh, giám sát và khủng bố ở Đức cũng như tại các vùng đất ở châu Âu bị nước này chiếm đóng. Schutzstaffel được cấu thành từ hai nhóm chính là Allgemeine SS và Waffen-SS (Vũ trang SS). Allgemeine SS đảm nhiệm thực thi chính sách chủng tộc của Đức Quốc Xã và giữ gìn trật tự chung, còn Waffen-SS bao hàm những đơn vị chiến đấu trong quân đội Đức Quốc Xã. SS là tổ chức chịu trách nhiệm lớn nhất cho vụ diệt chủng 5,5 đến 6 triệu người Do Thái cùng hàng triệu nạn nhân khác trong suốt thời kỳ Holocaust. Các thành viên ở mọi phân nhánh của tổ chức đều phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 45). [ Đọc tiếp ]