Bước tới nội dung

Joan Fontaine

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bản để in ra không còn được hỗ trợ và có thể có lỗi kết xuất. Xin hãy cập nhật các dấu trang của bạn và sử dụng chức năng in bình thường của trình duyệt thay thế.
Joan Fontaine
Joan Fontaine năm 1943
SinhJoan de Beauvoir de Havilland
(1917-10-22)22 tháng 10, 1917
Tokyo, Nhật Bản
Mất15 tháng 12, 2013(2013-12-15) (96 tuổi)
Carmel-by-the-Sea, Quận Monterey, California, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtChết già
Tên khácJoan Burfield
Joan St. John
Tư cách công dânAnh
Mỹ [1]
Học vịLos Gatos High School
American School in Japan
Nghề nghiệpNữ diễn viên
Năm hoạt động1935–1994
Phối ngẫuBrian Aherne (kết hôn 1939, ly dị 1945)
William Dozier (kết hôn 1946, ly dị 1951)
Collier Young (kết hôn 1952, ly dị 1961)
Alfred Wright, Jr. (kết hôn 1964, ly dị 1969)
Con cáihai con gái
Người thânOlivia de Havilland (chị)

Joan de Beauvoir de Havilland (22 tháng 10 năm 1917 – 15 tháng 12 năm 2013), nghệ danh Joan Fontaine, là nữ diễn viên người Mỹ gốc Anh. Fontaine bắt đầu sự nghiệp trên sân khấu từ năm 1935 khi ký hợp đồng với RKO Pictures trong cùng năm.

Năm 1941, bà được đề cử Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất về vai diễn trong phim Rebecca, do Alfred Hitchcock đạo diễn. Năm sau, bà đoạt Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong phim Suspicion (1941) của Hitchcock, khiến cho Fontaine trở thành diễn viên duy nhất từ xưa tới nay đoạt giải Oscar này trong một phim do Hitchcock đạo diễn[2]. Fontaine và người chị Olivia de Havilland là cặp chị em duy nhất cùng đoạt Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Trong thập niên 1940 và thập niên 1990, Fontaine tiếp tục sự nghiệp diễn xuất trên sân khấu, trên truyền thanh, truyền hình và điện ảnh. Năm 1978 bà phát hành quyển tự truyện No Bed of Roses. Fontaine đã xuất hiện trên phim lần chót vào năm 1994, sau một sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm.

Sinh tại Nhật Bản, hai chị em di chuyển sang California năm 1919. Fontaine sống tại ngôi biệt thự riêng Villa Fontana ở thành phố Carmel-by-the-Sea, Quận Monterey, California. Tại đây, bà đã qua đời năm 2013, thọ 96 tuổi.

Thời niên thiếu

Joan de Havilland sinh tại Tokyo, Nhật Bản, trong một gia đình người Anh. Cha bà – ông Walter Augustus de Havilland (31tháng 8 năm 1872 – 23 tháng 5 năm 1968), tốt nghiệp ở Đại học Cambridge và đã làm giáo sư môn tiếng AnhĐại học Tokyo trước khi làm luật sư hành nghề ở Nhật Bản.[3] Mẹ của Joan – bà Lilian Augusta (nhũ danh Ruse; 11 tháng 6 năm 1886 – 20 tháng 2 năm 1975),[4][5] học ở Royal Academy of Dramatic Art tại London, đã từng làm nữ diễn viên kịch nghệ, rồi bỏ nghề để theo chồng sang Tokyo.[3] Bà đã trở lại sân khấu với nghệ danh "Lillian Fontaine" sau khi 2 cô con gái thành đạt trong thập niên 1940. Người chú/bác bên nội của Joan là Sir Geoffrey de Havilland (1882 – 1965), một nhà thiết kế máy bay nổi tiếng về loại máy bay De Havilland Mosquito,[6] và là người sáng lập công ty máy bay mang tên ông. Ông nội của Fontaine – mục sư Charles Richard de Havilland xuất thân từ một gia đình ở Guernsey, Quần đảo Eo Biển.[7][8]

Cha mẹ của Fontaine kết hôn năm 1914 và ly thân năm 1919, khi Lilian quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân sau khi phát hiện việc chồng mình làm tình với các cô gái geisha; tuy nhiên, mãi tới tháng 2 năm 1925, thủ tục ly dị mới hoàn tất.[9]

Theo lời khuyên của một thầy thuốc, Lilian de Havilland đưa Joan – lúc đó là một đứa trẻ ốm yếu, bị chứng thiếu máu sau khi bị bệnh sởi và bị nhiễm streptococcal (khuẩn liên cầu) cùng người chị, Olivia, sang Hoa Kỳ.[10] Gia đình định cư ở Saratoga, California, và sức khỏe của Fontaine được cải thiện đáng kể. Fontaine học tại Los Gatos High School. Khi lên 16 tuổi, Fontaine trở về Nhật Bản sống với người cha. Tại đây Fontaine theo học trường American School in Japan và tốt nghiệp năm 1935.[11]

Sự nghiệp

The Women (1939)
Suspicion (1941), với Cary Grant
Jane Eyre (1943)

Fontaine bắt đầu sự nghiệp sân khấu trong vở "Call It a Day" của tác giả Dodie Smith năm 1935 và sớm ký hợp đồng với Công ty điện ảnh RKO Pictures (Radio-Keith-Orpheum Pictures). Bà xuất hiện lần đầu trên phim No More Ladies (cũng năm 1935) trong vai Caroline, một vai nhỏ, ghi nghệ danh là "Joan Burfield".[12]

Sau đó, bà đóng thêm mấy vai nhỏ trong các phim A Million to OneQuality Street (vai Charlotte Parrat, không ghi tên) do Katharine Hepburn đóng vai chính. Cả hai phim đều sản xuất trong năm 1937. Công ty "RKO Pictures" coi Fontaine như một ngôi sao đang lên, cho bà đóng vai chính trong phim The Man Who Found Himself (cùng năm 1937), và quảng cáo bà như "một nhân vật mới của RKO Pictures" sau phần gìới thiệu các người tham gia phim này trên màn ảnh.[13] Sau đó Fontaine đóng vai chính cùng với Fred Astaire trong phim A Damsel in Distress (1937) – phim đầu tiên của Fred Astaire với Công ty RKO Pictures mà không có Ginger Rogers, tuy nhiên khán giả đã bị thất vọng và phim này thất bại. Fontaine tiếp tục đóng các vai nhỏ trên nhiều phim, trong đó có phim The Women (1939), nhưng không gây được ấn tượng lớn, nên bà bị sa thải khi hợp đồng hết hạn trong năm 1939.[12]

Vận may của Fontaine đã đến trong dịp bà tham dự một bữa tiệc buổi tối, khi bà thấy mình ngồi bên cạnh nhà sản xuất phim David O. Selznick. Fontaine và Selznick bắt đầu thảo luận về cuốn tiểu thuyết Rebecca của Daphne du Maurier, và Selznick yêu cầu bà tham gia buổi diễn thử vai một nữ anh hùng vô danh. Fontaine đã phải chịu đựng một loạt 6 tháng mệt mỏi về các buổi diễn thử bộ phim, cùng với hàng trăm diễn viên khác, trước khi đoạt được vai diễn, trước sinh nhật thứ 22 của mình.

Phim Rebecca, do Laurence Olivier và Fontaine đóng vai chính, đánh dấu sự khởi đầu của đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock trên đất Mỹ. Năm 1940, khi phim được phát hành đã có nhiều bài bình luận khen ngợi, và Fontaine được đề cử cho Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất,[12] (nhưng Fontaine không đoạt giải này trong năm đó, mà là Ginger Rogers đoạt giải về vai diễn trong phim Kitty Foyle). Tuy nhiên, năm sau Fontaine đã đoạt Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất về vai Lina McLaidlaw Aysgarth trong phim Suspicion, đóng cặp với Cary Grant, cũng do Hitchcock đạo diễn.[12] Đây là giải Oscar về diễn xuất duy nhất trong một phim do Hitchcock đạo diễn.[2]

Trong thập niên 1940, Fontaine rất xuất sắc trong các phim lãng mạn đầy kịch tính. Trong số các bộ phim đáng nhớ của bà trong thời gian này là phim The Constant Nymph (1943) (mà bà đã được đề cử lần thứ 3 cho Giải Oscar),[12]Jane Eyre (1943), Ivy (1947) và Letter from an Unknown Woman (1948).

Trong thập niên 1950 sự thành công về điện ảnh của Fontaine hơi bị giảm sút, và bà cũng bắt đầu xuất hiện trên truyền hình và trên sân khấu. Bà nhận được các bài bình luận tốt cho vai Laura trên sân khấu Broadway vào năm 1954 trong vở Tea and Sympathy đóng cặp với Anthony Perkins. Bà cũng xuất hiện trong rất nhiều show phát thanh trong thập niên 1940 cho Lux Radio Theater.

Trong thập niên 1960, Fontaine xuất hiện trong nhiều vở kịch, trong đó có Private Lives, Cactus Flower và vở The Lion in Winter của Áo. Phim kịch chót của Fontaine là phim The Witches (1966), trong đó bà cũng là người đồng sản xuất. Fontaine cũng tiếp tục diễn xuất trên phim và truyền hình trong các thập niên 1970 và 1980, và được đề cử cho Giải Emmy về vai diễn trong loạt phim truyền hình tình cảm ướt át Ryan's Hope năm 1980.

Vai diễn cuối cùng của Fontaine trên truyền hình là trong phim truyền hình Good King Wenceslas năm 1994, sau đó bà lui về nghỉ hưu tại ngôi biệt thự riêng Villa Fontana, ở Carmel-by-the-Sea, California, dành thời giờ chăm sóc các con chó và ngôi vườn của mình.[14]

Đời tư

Fontaine giữ 2 quốc tịch Anh và Mỹ; bà là công dân Anh từ khi mới sinh (cha mẹ đều là người Anh) và nhập quốc tịch Mỹ trong tháng 4 năm 1943.[15][16]

Hôn nhân và các con

Fontaine đã kết hôn và ly dị 4 lần. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà là với nam diễn viên Brian Aherne, năm 1939 ở Del Monte, California; họ ly dị trong tháng 4 năm 1945.[17]

Tháng 5 năm 1946, bà tái hôn với nam diễn viên kiêm nhà sản xuất điện ảnh William Dozier ở thành phố Mexico. Họ có một con gái, Deborah Leslie, sinh năm 1948; họ ly thân năm 1949.[18] Năm sau, Fontaine nộp đơn xin ly dị với lý do là Dozier đã bỏ bê vợ con. Thủ tục ly dị đã hoàn tất trong tháng 1 năm 1951.[19][20]

Cuộc hôn nhân thứ ba của Fontaine là với nhà sản xuất phim kiêm nhà văn Collier Young ngày 12.11.1952. Họ ly thân trong tháng 5 năm 1960, và Fontaine nộp đơn xin ly dị tháng 11 năm 1960.[21] Thủ tục ly dị hoàn tất trong tháng 1 năm 1961.[22]

Cuộc hôn nhân thứ 4 và cuối cùng của Fontaine là với Alfred Wright, Jr. - biên tập viên môn golf của tạp chí thể thao Sports Illustrated - ngày 23.1.1964 ở Elkton, Maryland; họ ly dị năm 1969.[23]

Năm 1951, khi sang Nam Mỹ dự một liên hoan phim, Fontaine đã gặp một bé gái Peru 4 tuổi tên là Martita, và đã nhận bé gái này làm con nuôi không chính thức.[24] Fontaine đã gặp Martita khi đến thăm di tích Đế quốc Inca, nơi cha Martita đã làm việc như một người làm thuê chăm sóc nhà cửa. Cha mẹ của Martita đồng ý cho Fontaine làm người giám hộ hợp pháp của Martita để cung cấp cho con mình một cuộc sống tốt hơn.[24] Fontaine đã hứa với bố mẹ Martita rằng sẽ cho Martita trở về Peru thăm cha mẹ khi Martita lên 16 tuổi. Khi Martita 16 tuổi, Fontaine mua cho cô một vé khứ hồi về Peru thăm cha mẹ, nhưng Martita từ chối đi Peru và bỏ nhà ra đi. Sau vụ việc này Fontaine đã cắt đứt liên hệ với Martita. Khi quảng cáo quyển tự truyện của mình vào năm 1978, Fontaine đã đề cập tới vụ này và nói: "Tôi sẽ không nhìn nhận con gái nuôi, nếu nó không trở về thăm bố mẹ đẻ của nó. Tôi đã hứa với bố mẹ nó. Tôi không tha thứ cho ai làm cho tôi trở thành thất hứa".[25]

Sự kình địch giữa 2 chị em

Chị của Fontaine, Olivia de Havilland, thập niên 1940

Fontaine và người chị, Olivia de Havilland, là cặp chị em duy nhất đã cùng đoạt Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. De Havilland trở thành nữ diễn viên trước; khi Fontaine tìm cách làm theo người chị thì bà mẹ - được cho là thiên vị cô chị hơn – đã không cho Fontaine sử dụng tên họ. Sau đó, Fontaine đã nghĩ ra một cái tên khác, lúc đầu là Joan Burfield, và sau đó là Joan Fontaine. Nhà viết tiểu sử Charles Higham ghi nhận là hai chị em đã có một mối quan hệ khó chịu từ thời thơ ấu, khi cô chị xé quần áo mà Fontaine phải mặc thừa (của chị), sau đó buộc Fontaine phải may lại quần áo bị xé rách. Phần lớn sự va chạm giữa hai chị em được cho là bắt nguồn từ việc Fontaine cho rằng bà mẹ đã yêu thích người chị hơn.[26]

Fontaine và Gary Cooper cầm tượng Oscar trong buổi lễ trao giải Oscar năm 1942

Cả hai chị em De Havilland và Fontaine đều được đề cử cho Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 1942. Fontaine đã đoạt giải này trong vai Lina McLaidlaw Aysgarth ở phim Suspicion của đạo diễn Alfred Hitchcock (còn De Havilland trong vai diễn ở phim Hold Back the Dawn thì không đoạt giải). Higham đã mô tả các sự kiện của lễ trao giải, nói rằng khi Fontaine bước lên sân khấu để nhận giải thưởng, đã dứt khoát từ chối ý định chúc mừng của De Havilland và rằng De Havilland vừa bị xúc phạm lẫn xấu hổ bởi sự việc trên. Vài năm sau, de Havilland còn nhớ thái độ khinh thường đó và đã đòi trả thù bằng cách lướt qua Fontaine, đang chìa tay chờ, mà không bắt tay Fontaine, vì De Havilland được cho là bực bội về một lời nhận xét của Fontaine về ông chồng của De Havilland. Mối quan hệ của họ tiếp tục xấu đi sau hai sự việc trên. Higham nói rằng điều này hầu như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khiến họ hận nhau suốt đời, tuy nhiên 2 chị em không hoàn toàn chấm dứt nói chuyện với nhau cho đến năm 1975.

Cả hai chị em hầu như đều từ chối bình luận công khai về mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn năm 1978, Fontaine đã nói về sự cạnh tranh giữa 2 chị em: "Tôi kết hôn trước, đoạt giải Oscar trước Olivia, và nếu tôi chết trước, thì chắc chắn chị ấy sẽ giận tái người vì tôi cũng lại thắng chị ấy!"[27] Năm sau, trong một cuộc phỏng vấn năm 1979, Fontaine nói rằng nguyên nhân bà và chị bà ngừng nói chuyện với nhau là vì De Havilland muốn bà mẹ của họ (bị ung thư) được điều trị bằng phẫu thuật, trong khi Fontaine không đồng ý vì bà cụ đã 88 tuổi, quá già rồi. Fontaine nói rằng sau khi bà mẹ qua đời, De Haviland đã không chịu bỏ công tìm ra nơi Fontaine đang hiện diện (Fontaine trên đường đi lưu diễn một vở kịch), mà chỉ gửi một bức điện tín cho Fontaine; bức điện tín này mãi 2 tuần lễ sau mới tới trạm lưu diễn tiếp theo của Fontaine. Theo Fontaine, De Havilland đã không mời Fontaine tới dự lễ tưởng niệm bà mẹ của họ. Còn De Havilland thì nói rằng mình đã thông báo cho Fontaine, nhưng Fontaine đã phớt lờ, nói rằng mình quá bận, không thể đến dự được[28]. Higham ghi rằng Fontaine cũng đã có một mối quan hệ lạnh nhạt với các con gái của mình, có thể bởi vì bà phát hiện ra rằng chúng đã bí mật duy trì một mối quan hệ với De Havilland.[26]

Từ trần

Ngày 15.12.2013, Fontaine qua đời bởi cái chết tự nhiên, tại ngôi biệt thự riêng của bà ở Carmel-by-the-Sea, California, thọ 96 tuổi[29].

Sau khi Fontaine qua đời, Olivia de Havilland đưa ra lời tuyên bố rằng bà "bị sốc và đau buồn" khi nhận tin này.[30]

Danh mục phim tham gia

Phim
Năm Tên phim Vai diễn Ghi chú
1935 No More Ladies Caroline 'Carrie' Rumsey ghi nghệ danh là Joan Burfield
1937 A Million to One Joan Stevens
Quality Street Charlotte Parratt Không ghi tên
The Man Who Found Himself Y tá Doris King
You Can't Beat Love Trudy Olson
Music for Madame Jean Clemens
A Damsel in Distress Lady Alyce Marshmorton
1938 Maid's Night Out Sheila Harrison
Blond Cheat Juliette 'Julie' Evans
Sky Giant Meg Lawrence
The Duke of West Point Ann Porter
1939 Gunga Din Emmy
Man of Conquest Eliza Allen
The Women Mrs. John Day (Peggy)
1940 Rebecca The second Mrs. de Winter Đề cử — Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Đề cử — Giải của Hội phê bình phim New York cho nữ diễn viên xuất sắc nhất
1941 Suspicion Lina Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Giải của Hội phê bình phim New York cho nữ diễn viên xuất sắc nhất
1942 This Above All Prudence Cathaway
1943 The Constant Nymph Tessa Sanger Đề cử — Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Jane Eyre Jane Eyre (lúc trưởng thành)
1944 Frenchman's Creek Dona St. Columb
1945 The Affairs of Susan Susan Darell
1946 From This Day Forward Susan Cummings
1947 Ivy Ivy
1948 Letter from an Unknown Woman Lisa Berndle
The Emperor Waltz Nữ bá tước Johanna Augusta Franziska
You Gotta Stay Happy Dee Dee Dillwood
Kiss the Blood Off My Hands Jane Wharton
1950 September Affair Marianne 'Manina' Stuart
Born to Be Bad Christabel Caine Carey
1951 Darling, How Could You! Alice Grey
1952 Something to Live For Jenny Carey
Othello Page Không ghi tên
Ivanhoe Rowena
1953 Decameron Nights Fiametta/Bartolomea/Ginevra/Isabella
Flight to Tangier Susan Lane
The Bigamist Eve Graham
1954 Casanova's Big Night Francesca Bruni Tên khác: Mr. Casanova
1956 Serenade Kendall Hale
Beyond a Reasonable Doubt Susan Spencer
1957 Island in the Sun Mavis Norman
Until They Sail Annelise
1958 A Certain Smile Françoise Ferrand
1961 Voyage to the Bottom of the Sea Dr. Susan Hiller
1962 Tender Is the Night Baby Warren
1966 The Witches Gwen Mayfield Tên khác: The Devil's Own
Truyền hình
Năm Tên Vai diễn Ghi chú
1953–1954 Four Star Playhouse Trudy tập: Trudy
tập: The Girl on the Park Bench
1956 The Ford Television Theatre Julie tập: Your Other Love
1956 The 20th Century Fox Hour Lynne Abbott tập: Stranger In the Night
1956–1957 The Joseph Cotten Show Adrienne tập: Fatal Charm
tập: The De Santre Story
1956–1960 General Electric Theater Linda Stacey
Judith
Laurel Chapman
Melanie Langdon
Countess Irene Forelli
tập: A Possibility of Oil
tập: The Story of Judith
tập: At Miss Minner's
tập: The Victorian Chaise Lounge
tập: In Summer Promise
1959 Westinghouse Desilu Playhouse Margaret Lewis tập: Perilous
1960 Startime Julie Forbes tập: Closed Set
1960 Alcoa Presents: One Step Beyond Ellen Grayson tập: The Visitor
1961 The Light That Failed Hostess (phim truyền hình)
1961 Checkmate Karen Lawson tập: Voyage Into Fear
1962 The Dick Powell Show Valerie Baumer tập: The Clocks
1963 Wagon Train Naomi Kaylor tập: The Naomi Kaylor Story
1963 The Alfred Hitchcock Hour Alice Pemberton tập: The Paragon
1965 The Bing Crosby Show Mrs. Taylor tập: Operation Man Save
1975 Cannon Thelma Cain tập: The Star
1978 The Users Grace St. George
1980 Ryan's Hope Paige Williams 5 tập
Đề cử — Daytime Emmy Award Outstanding Guest/Cameo Appearance in a Daytime Drama Series
1981 The Love Boat Jennifer Langley tập: Chef's Special/Beginning Anew/Kleinschmidt
1983 Bare Essence Laura tập: Hour Four
tập: Hour Five
1986 Crossings Alexandra Markham
1986 Hotel Ruth Easton tập: Harassed
1986 Dark Mansions Margaret Drake (TV movie)
1994 Good King Wenceslas Queen Ludmilla (TV movie)

Kịch

Ngày tháng Vở kịch Vai diễn
Từ 30.9.1953 – 18.6.1955 Tea and Sympathy Laura Reynolds
Từ 26.12.1968 –7.11.1970 Forty Carats Ann Stanley

Tác phẩm

  • Quyển tự truyện của Fontaine, mang tên "No Bed of Roses", phát hành năm 1978.

Giải thưởng, Đề cử

Năm Giải thưởng Loại Tên tác phẩm Kết quả
1940 Giải Oscar Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Rebecca Đề cử
1941 Giải Oscar Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Suspicion đoạt giải
1941 Giải của Hội phê bình phim New York Giải của Hội phê bình phim New York cho nữ diễn viên xuất sắc nhất Suspicion đoạt giải
1943 Giải Oscar Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất The Constant Nymph đề cử
1947 Giải Trái táo vàng (Golden Apple Award) Most Cooperative Actress đoạt giải
1980 Daytime Emmy Award Outstanding Guest/Cameo Appearance in a Daytime Drama Series Ryan's Hope đề cử

Vinh dự khác

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ Weatherford 2010, p. 302.
  2. ^ a b Booker 2011, p. 134
  3. ^ a b Thomas 1983, p. 20.
  4. ^ "Olivia Mary de Havilland at ThePeerage.com; retrieved ngày 15 tháng 2 năm 2013.
  5. ^ Olivia de Havilland profile at FilmReference.com; retrieved ngày 15 tháng 2 năm 2013.
  6. ^ French, Philip. "Screen Legends No.73". The Observer, Review Section, 2009.
  7. ^ Beeman 1994, p. 24.
  8. ^ Thomson 2010, p. 339.
  9. ^ Bubbeo, Daniel (2002). The Women of Warner Brothers: The Lives and Careers of 15 Leading Ladies, with Filmographies for Each. McFarland & Company. tr. 55. ISBN 978-0-7864-1137-5. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2014.
  10. ^ Fontaine 1978, p. 19.
  11. ^ "Prominent Alumni." Lưu trữ 2012-03-03 tại Wayback Machine asij.ac.jp. Retrieved: ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  12. ^ a b c d e Quinlan 1996, pp. 172–173.
  13. ^ Fristoe, Roger. "Articles: The Man Who Found Himself." Turner Classic Movies. Truy cập: ngày 11 tháng 10 năm 2012.
  14. ^ Rush, George, Joanna Molloy and Barid Jones. "A Catalogue Of Complaints For Fontaine." New York Daily News, ngày 23 tháng 6 năm 1996. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.[liên kết hỏng]
  15. ^ "Joan Fontaine To Seek Divorce." The Evening Independent, ngày 28 tháng 3 năm 1944. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  16. ^ "Joan Fontaine Now a Citizen." Lưu trữ 2013-01-24 tại Archive.today The Milwaukee Journal, ngày 23 tháng 4 năm 1943, p. 1. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  17. ^ "Joan Fontaine, A Guest No More, Wins Freedom." St. Petersburg Times, ngày 3 tháng 6 năm 1944, p. 5. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  18. ^ "Joan Fontaine And Husband Separate." Daytona Beach Morning Journal, ngày 4 tháng 8 năm 1949, p. 14. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  19. ^ "Joan Fontaine Sues Producer for Divorce." The Los Angeles Times, ngày 9 tháng 11 năm 1950, p. 2. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  20. ^ "Husband Just Walked Out, Joan Fontaine Asserts." Pittsburgh Post-Gazette, ngày 26 tháng 1 năm 1951, p. 2. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  21. ^ "Joan Fontaine Sues 3rd Mate For Divorce." Ocala Star-Banner, ngày 6 tháng 11 năm 1960, p. 3. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  22. ^ "Joan Fontaine Gets Divorce." The New York Times, ngày 4 tháng 1 năm 1961. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  23. ^ "Names In The News." Lưu trữ 2013-01-24 tại Archive.today Tri City Herald, ngày 24 tháng 1 năm 1964, p. 7. Truy cập: ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  24. ^ a b Wilson, Earl (ngày 11 tháng 7 năm 1954). “Joan Fontaine Describes How She Adopted Inca Girl”. New York Post via Milwaukee Sentinel. tr. 9. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2015. Truy cập tháng 12 năm 2012. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |access-date= (trợ giúp)
  25. ^ Flander, Judy (ngày 30 tháng 9 năm 1978). “Former Movie Queen Joan Fontaine Turns Author at 60”. The Times-Union. tr. 7. Truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2012.
  26. ^ a b Higham 1984, p. 257.
  27. ^ Interview in The Hollywood Reporter (1978), quoted in “Joan Fontaine profile in”. The Washington Post. ngày 16 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2013.
  28. ^ "RetroBites: Joan Fontaine – Sisters (1979)" trên YouTube, ngày 2 tháng 12 năm 2010.
  29. ^ Barnes, Mike (ngày 15 tháng 12 năm 2013). “Legendary Actress Joan Fontaine Dies at 96”. The Hollywood Reporter. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2013. Đã định rõ hơn một tham số trong |archiveurl=|archive-url= (trợ giúp)
  30. ^ “Olivia de Havilland "shocked and saddened" by sister Joan Fontaine's death”. cbsnews.com. ngày 16 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2013.
  31. ^ phòng chiếu phim trên Đại lộ Danh vọng Hollywood ở số 6925 Đại lộ Hollywood, Hollywood, California

Sách tham khảo

  • Beeman, Marsha Lynn. Joan Fontaine: A Bio-Bibliography. Westport, Connecticut: Greenwood, 1994. ISBN 978-0-31328-409-0.
  • Booker, M. Keith. Historical Dictionary of American Cinema. Lanham, Maryland: Scarecrow Press, 2011. ISBN 0-8108-7192-0.
  • Current Biography 1944. New York: H.W. Wilson Company, 1945.
  • Fontaine, Joan. No Bed of Roses: An Autobiography. New York: William Morrow and Company, 1978. ISBN 978-0-68803-344-6.
  • Higham, Charles. Sisters: The Story of Olivia De Havilland and Joan Fontaine. New York: Coward McCann, 1984. ISBN 978-0-69811-268-1.
  • Laufenberg, Norbert B. Entertainment Celebrities. London: Trafford Publishing, 2005. ISBN 1-4120-5335-8.
  • Quinlan, David. Quinlan's Film Stars. London: B.T. Batsford Ltd, 1996. ISBN 0-7134-7751-2.
  • Weatherford, Doris. American Women During World War II: An Encyclopedia. London: Taylor & Francis, 2010. ISBN 978-0-41599-475-0.

Liên kết ngoài