Bước tới nội dung

Phúc Yên

Phúc Yên
Thành phố thuộc tỉnh
Thành phố Phúc Yên
Biểu trưng
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhVĩnh Phúc
Trụ sở UBNDĐường Trần Hưng Đạo, phường Hai Bà Trưng
Phân chia hành chính7 phường, 2 xã
Thành lập
  • 9/12/2003: thành lập thị xã Phúc Yên[1]
  • 7/2/2018: thành lập thành phố Phúc Yên[2]
Loại đô thịLoại III
Năm công nhận2013[3]
Địa lý
Tọa độ: 21°14′20″B 105°42′18″Đ / 21,23889°B 105,705°Đ / 21.23889; 105.70500
MapBản đồ thành phố Phúc Yên
Phúc Yên trên bản đồ Việt Nam
Phúc Yên
Phúc Yên
Vị trí thành phố Phúc Yên trên bản đồ Việt Nam
Diện tích120,13 km²
Dân số (2024)
Tổng cộng180.000 người
Mật độ1.498 người/km²
Dân tộcChủ yếu là người Kinh, một phần là người Sán Dìu
Khác
Mã hành chính244[4]
Biển số xe88-H1
Websitephucyen.vinhphuc.gov.vn

Phúc Yên là một thành phố trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam.

Thành phố Phúc Yên là đô thị cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong những đô thị vệ tinh của Vùng thủ đô Hà Nội; là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và đào tạo, là trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ, giữ vị trí chiến lược quan trọng về phát triển công nghiệp và thương mại - du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần kết nối giao lưu phát triển kinh tế với vùng thủ đô Hà Nội.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên nằm ở phía đông nam tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 30 km, cách thành phố Vĩnh Yên 15 km và cách sân bay quốc tế Nội Bài 5 km. Phúc Yên có chiều dài theo trục Bắc - Nam là 24 km, từ phường Hùng Vương đến đèo Nhe, xã Ngọc Thanh giáp với tỉnh Thái Nguyên.

Thành phố Phúc Yên có vị trí địa lý:

Thành phố Phúc Yên có hệ thống giao thông đa dạng: đường bộ có các tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 23, đường xuyên Á Hà Nội - Lào Cai đi qua; có đường sắt Hà Nội - Lào Cai, giáp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tạo điều kiện cho Phúc Yên tiềm lực, lợi thế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hoá. Thành phố Phúc Yên nằm ở phía Đông Nam tỉnh Vĩnh Phúc, phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 30 Km. Thành phố Phúc Yên có chiều dài theo trục Bắc - Nam 24 km, từ phường Hùng Vương đến đèo Nhe, xã Ngọc Thanh giáp với tỉnh Thái Nguyên.

Thành phố Phúc Yên là một đô thị lớn của tỉnh Vĩnh Phúc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2013 và cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025, là trung tâm công nghiệp, thương nghiệp, du lịch và dịch vụ tổng hợp của tỉnh, đồng thời còn là một trong những trung tâm của vùng.

Thành phố Phúc Yên còn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp dịch vụ tương đối hoàn chỉnh.

Điều kiện tự nhiên

[sửa | sửa mã nguồn]
Bãi tắm hồ Đại Lải

Địa hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên có địa hình đa dạng, tổng diện tích là 12.029,55 ha, chia thành 2 vùng chính là vùng đồi núi bán sơn địa (Ngọc Thanh, Cao Minh, Xuân Hoà, Đồng Xuân), diện tích 9700 ha; vùng đồng bằng gồm các phường: Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng, Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị, diện tích 2300 ha, có Hồ Đại Lải, Sông Cà Lồ và nhiều đầm hồ khác có thể phát triển các loại hình du lịch.

Địa chất

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhìn chung, đất đai của thành phố Phúc Yên không nhiều, không giàu chất dinh dưỡng nhưng lại nằm gần kề thủ đô Hà Nội cho nên tài nguyên đất của thành phố đã trở thành tài nguyên có giá trị kinh tế cao.

Tài nguyên khoáng sản quý hiếm của thành phố hầu như không có gì ngoài  đá granit, nước mặt và nước ngầm phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Khí hậu, thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân năm là 23 °C, có nét đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè, hanh khô và lạnh kéo dài về mùa đông. Khí hậu tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng.

Nhiệt độ không khí có các đặc  trưng sau:

Cực đại trung bình năm là 20,5 °C

Cực đại tuyệt đối 41,6 °C

Cực tiểu tuyệt đối 3,1 °C

Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm là 83%, độ ẩm cực tiểu tuyệt đối là 16%.

Hướng gió chủ đạo về mùa đông là Đông – Bắc, về mùa hè là Đông – Nam, vận tốc gió trung bình năm là 2,4 m/s. Vận tốc gió cực đại có thể xảy ra theo chu kỳ thời gian 5 năm là 25 m/s; 10 năm là 32 m/s, 20 năm là 32 m/s.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 phường: Đồng Xuân, Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu, Xuân Hòa và 2 xã: Cao Minh, Ngọc Thanh.

Thành phố Phúc Yên có 82.730 người (1/1/2004), mật độ dân số trung bình là 700 người/km².

Năm 2008 là 104.092 người, mật độ dân số là 870 ng/km².

Năm 2018 là 155.500 người (bao gồm cả quy đổi), mật độ dân số là 1260 ng/km².

Tốc độ tăng dân số tự nhiên của thành phố so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 1,93%. Dân số của thành phố trong những năm qua có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị và tăng không nhiều ở nông thôn. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên so với cùng kỳ năm trước đạt khoảng 1,9%.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Phúc Yên được thành lập ngày 31 tháng 10 năm 1905, là tỉnh lỵ tỉnh Phúc Yên. Trong kháng chiến chống Pháp, chuyển thành thị trấn rồi được tái lập thành thị xã ngày 1 tháng 2 năm 1955.

Ngày 26 tháng 6 năm 1976, một lần nữa Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú.[5] Khi huyện Yên Lãng hợp nhất với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh thì thị trấn Phúc Yên trở thành huyện lỵ của huyện Mê Linh.[6]

Từ năm 1978 đến năm 1991 thị trấn Phúc Yên cùng với huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội[7]. Sau đó thị trấn Phúc Yên lại trở về tỉnh Vĩnh Phú, rồi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ năm 1996).[8]

153/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 2003 , Chính phủ ban hành nghị quyết số 153/NĐ-CP[1]. Theo đó:

Tái lập thị xã Phúc Yên trên cơ sở tách 2 thị trấn Phúc Yên, Xuân Hòa và 5 xã: Ngọc Thanh, Cao Minh, Nam Viêm, Phúc Thắng, Tiền Châu thuộc huyện Mê Linh

Thành lập 4 phường: Hùng Vương, Phúc Thắng, Trưng Trắc, Trưng Nhị trên cơ sở giải thể thị trấn Phúc Yên và xã Phúc Thắng

Chuyển thị trấn Xuân Hòa thành phường Xuân Hòa.

Sau khi tái lập, thị xã Phúc Yên gồm 5 phường: Hùng Vương, Phúc Thắng, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 4 xã: Cao Minh, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Tiền Châu.

Ngày 4 tháng 4 năm 2008, chia phường Xuân Hòa thành 2 phường: Xuân Hòa và Đồng Xuân.[9]

Ngày 21 tháng 1 năm 2013, Bộ Xây dựng ra Quyết định số 93/QĐ-BXD công nhận thị xã Phúc Yên là đô thị loại III thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.[3]

Cuối năm 2017, thị xã Phúc Yên bao gồm 6 phường: Đồng Xuân, Hùng Vương, Phúc Thắng, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa và 4 xã: Cao Minh, Nam Viêm, Ngọc Thanh, Tiền Châu.

Ngày 7 tháng 2 năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14[2]. Theo đó:

  • Chuyển 2 xã Nam Viêm, Tiền Châu thành 2 phường có tên tương ứng
  • Thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Phúc Yên.

Sau khi thành lập, thành phố Phúc Yên có 8 phường và 2 xã.

Ngày 1 tháng 1 năm 2025, sáp nhập phường Trung Trắc và phường Trưng Nhị thành phường Hai Bà Trưng.[10]

Thành phố Phúc Yên có 7 phường và 2 xã như hiện nay.

Điều kiện xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên có nguồn lao động dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm trên 60% tổng dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm trong tổng cơ cấu không cao.

Thành phố Phúc Yên còn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cung cấp dịch vụ tương đối hoàn chỉnh. Trên địa bàn thành phố có trên 500 cơ quan, doanh nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề của trung ương, của tỉnh, của Hà Nội, là điều kiện thuận lợi để Phúc Yên khai thác các thế mạnh, phát triển kinh tế xã hội.

Cơ cấu kinh tế của thành phố Phúc Yên được xác định là: công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nông - lâm nghiệp.

Thành phố Phúc Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội.Kinh tế trên địa bàn luôn đạt mức tăng trưởng cao, 5 năm gần đây bình quân tăng 23,05%/năm, trong đó, công nghiệp tăng 21,78%; dịch vụ tăng 25,57%; nông nghiệp tăng 5,37%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của thành phố trong những năm vừa qua chuyển biến theo hướng tích cực, có sự chuyển dịch phù hợp với xu thế chung của toàn tỉnh, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2013, Thương mại- Dịch vụ: 7,44%; Công nghiệp - xây dựng: 92,23%; Nông, lâm nghiệp: 0,51%; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế là 99,51%. Tổng thu ngân sách các thành phần kinh tế trên địa bàn chiếm trên 2/3 tổng thu Ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Thành phố Phúc Yên luôn xứng đáng là vùng trọng điểm kinh tế, là đầu tàu kinh tế của Vĩnh Phúc.

Trên toàn địa bàn thành phố Phúc Yên, đến nay đã có 18 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia gồm: Đền Ngô Miễn (phường Phúc Thắng), Chùa Bảo Sơn (phường Nam Viêm), Đình Khả Do (phường Nam Viêm), Đình Cao Quang (xã Cao Minh), Chiến khu cách mạng Ngọc Thanh (xã Ngọc Thanh), Đình Đạm Xuyên (phường Tiền Châu). 12 di tích cấp tỉnh gồm: Chùa Cấm (chùa Báo Ân) thuộc phường Trưng Nhị, Đình chùa Nam Viêm (phường Nam Viêm),  Đình Thanh Lộc (xã Ngọc Thanh), Đền Đồng Chằm (xã Ngọc Thanh),  Đền Ngọc Mỗ (xã Ngọc Thanh),  Đình Xuân Hoà (xã Cao Minh), Khu lăng mộ Đỗ Nhân Tăng - Trần Công Tước (phường Phúc Thắng), Đền Thiện (phường Phúc Thắng), Đình - chùa Hiển Lễ (xã Cao Minh), Đình Đức Cung (xã Cao Minh), Đình Yên Điềm (xã Cao Minh), Đền Đạm Nội (phường Tiền Châu).

Thành phố Phúc Yên từ lâu đã có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, tiêu biểu là tướng công Ngô Miễn (1371-1407). Ông là tiến sĩ xuất thân khoa bảng cuối đời Trần, là người tham gia tích cực trong cuộc sống cách tân dưới triều Hồ Quý Ly, được thăng tới chức Đặc tiến quân sử, vinh tộc đại phu, kiêm xương phủ tổng quản Chi Lăng, thượng thư lệnh, Đồng Bình Chuông quốc trọng sự, ông đã có công to lớn giúp nhân dân địa phương ổn định kinh tế, phát triển sản xuất, tổ chức cho dân di cư, lập ấp, khai khẩn đất hoang vùng bờ biển Sơn Nam (Phủ Thiên Trường) lập nên các xã Xuân Hùng, Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, Ngô Miễn cùng Vua tôi nhà Hồ, trực tiếp kháng chiến chống giặc Minh. Cuộc kháng chiến thất bại, ông không chịu khuất phục quy hàng đã cùng vợ tuẫn tiễn tại cửa biển Kỳ La (Nghệ An) năm ông 36 tuổi.

Cùng thời với tướng công Ngô Miễn còn có tiến sĩ Nguyễn Tôn Miệt người Phúc Thắng thành phố Phúc Yên. Ông đỗ tiến sĩ năm 1481 và là thành viên của hội tao đàn, tác phẩm của ông để lại đời sau còn có 8 bài thơ chữ Hán trong cuốn sách: "Toàn việt thi lục". Đất Phúc Thắng còn lưu giữ lại nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, điển hình là tấm bia thời Lý Cao Tông niên hiệu Trị Bình Long ứng thứ 5 (1209).

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Thành phố Phúc Yên là một trong những trung tâm giáo dục lớn của Vĩnh Phúc với một số trường đại học, cao đẳng,....

  • Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
  • Cao đẳng Vĩnh Phúc
  • Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên
  • Cao đẳng Nghề Việt - Xô
  • Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Hà Nội (cơ sở 2)
  • Trung cấp Nghề kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ
  • Đại học Kiến trúc Hà Nội (cơ sở 2 tại Xuân Hòa)
  • Trung cấp Kỹ thuật cơ điện
  • Trung tâm Dạy nghề

Trên địa bàn thành phố có 4 trường Trung học phổ thông. Trong đó Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng luôn lọt Top 100 trường Trung học phổ thông có kết quả thi đại học tốt nhất cả nước trong suốt nhiều năm, là cơ sở giáo dục có chất lượng đi đầu thành phố.

Các cơ sở y tế trên địa bàn có bệnh viện 74 TƯ (1.000 giường), BV đa khoa khu vực Phúc Yên (400 giường), Bệnh viện Giao thông vận tải, BV đa khoa TP (70 giường), Trung tâm Y tế thành phố, phòng khám Phúc Thắng, phòng khám đa khoa Hà Thành... các trạm y tế. Bình quân 11,4 giường/1.000 người.

Trung tâm thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn thành phố Phúc Yên có nhiều chợ, trung tâm thương mại lớn, các showroom ô tô xe máy phục vụ nhu cầu của người dân thành phố và các địa bàn lân cận như: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Bình Xuyên, Yên Lạc, Phổ Yên.

Siêu thị Lan Chi Mart, Phúc Yên Mart, Phúc Yên Plaza, Thành Nghĩa, chợ Phúc Yên, chợ Đồng Xuân, TTTM Đồng Sơn, TT nội thất Tùng Chi, Siêu thị điện máy Pico, Thế giới di động, Viettel Store, FPT Shop, Điện máy xanh, Siêu thị điện máy Mediamart, Sakuko Family.....

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Nghị định 153/2003/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”.
  2. ^ a b “Nghị quyết 484/NQ-UBTVQH14 năm 2018 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành”.
  3. ^ a b “Quyết định 93/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công nhận thị xã Phúc Yên là đô thị loại III thuộc tỉnh Vĩnh Phúc”.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ Quyết định số 97-CP năm 1976
  6. ^ Quyết định 178-CP năm 1977 về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phú
  7. ^ Nghị quyết về việc phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Cao Lạng, Bắc Thái, Quảng Ninh và Đồng Nai do Quốc hội ban hành
  8. ^ Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành ngày 6 tháng 11 năm 1996
  9. ^ “Nghị định 39/2008/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập thị trấn, phường thuộc các huyện: Mê Linh, Lập Thạch và thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”.
  10. ^ “Nghị quyết số 1287/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2025”.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]