Công nghệ Trung Quốc đã tiến xa đến đâu?

TRƯỜNG SƠN 23/12/2018 03:12 GMT+7

TTCT - Sự phát triển vượt bậc về công nghệ gần đây của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ gen và thiết bị bay không người lái (drone) cho thấy một Trung Quốc rất khác. Tương quan cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung ngày nay không phải là cuộc đấu giữa một bên là cái nôi của các công ty công nghệ và bên còn lại là “công xưởng thế giới”.

trituenhantaoTQ
 

 

Tháng 10-2017, tác giả Christina Larson của tạp chí WIRED có chuyến công tác đến khu phức hợp Trung Quan Thôn (Zhongguancun), nơi vẫn được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, và mang theo hai chiếc điện thoại: “một chiếc cài các app của Mỹ (Uber, Facebook, Amazon, Google), và chiếc còn lại cài app Trung Quốc (Didi, Weixin, Taobao, Baidu)”.

Đây là hình ảnh thú vị cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty công nghệ Trung Quốc. Nếu Mỹ đã nổi danh toàn cầu với những cái tên như Google, Amazon và Facebook, Trung Quốc cũng có bộ ba tương ứng với thành công không kém: Baidu, Alibaba và Tencent, thường được gọi là nhóm “BAT”.

Với người dùng phương Tây, ba cái tên này có thể không thật nổi tiếng. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là BAT đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất hiện nay, vốn trước đó là cuộc chơi của Thung lũng Silicon - từ tìm kiếm, thanh toán, nhắn tin đến video, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến.

Những gã khổng lồ

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đã chiếm lĩnh thị trường và đang vươn vòi ra thế giới, không kém gì nhóm đại gia công nghệ Mỹ. Alibaba của tỉ phú Jack Ma có giá trị vốn hóa thị trường 477 tỉ USD, trong khi Tencent trị giá 385 tỉ USD và Baidu 61 tỉ USD.

“Các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc rồi sẽ phát triển đến mức lớn hơn các đối thủ Hoa Kỳ của họ, đặc biệt là Tencent và Alibaba, hai công ty đang làm vua trong lĩnh vực của mình” - James Crabtree, phó giáo sư Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nói với The Telegraph.

Không phủ nhận BAT đã khởi đầu bằng cách sao chép những gì người Mỹ đã làm, nhưng dần dà các công ty này đều tìm được lối đi riêng cho mình. Siêu ứng dụng WeChat của Tencent có đủ mọi chức năng, giống như Facebook, WhatsApp, Tinder, và PayPal gộp lại.

Gần 80% trong số 731 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc dùng WeChat, mỗi người dùng app này ít nhất 66 phút mỗi ngày để làm mọi thứ, từ đặt xe, hẹn bác sĩ đến mua sắm, trả tiền điện... Ngoài ra còn có Huawei - nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất hành tinh và là nhà sản xuất smartphone thứ lớn thứ hai thế giới và được cho là dẫn đầu trong công nghệ 5G - tương lai của kết nối di động.

Larson cũng cho rằng có thể người dùng phương Tây không nghe đến cái tên BAT, nhưng họ vẫn đang sử dụng rất nhiều sản phẩm công nghệ Trung Quốc mà không biết. Chẳng hạn có thể ít người biết DJI, công ty được gọi là “Apple của thiết bị bay không người lái”, là một công ty Trung Quốc có trụ ở sở Thâm Quyến.

minh họa

Từ “bắt chước” sang “sáng tạo”

Hạ tuần tháng 11, CNN Business đăng tải phóng sự đặc biệt về Hoa Cường Bắc, chợ thiết bị công nghệ lớn nhất hành tinh ở Thâm Quyến, nơi người ta có thể mua đủ thiết bị cần thiết để tự ráp một chiếc smartphone chỉ trong vài giờ.

Phóng sự của CNN nhằm chứng minh Thâm Quyến đã chuyển mình từ bắt chước (imitation) sang sáng tạo (innovation), và rằng việc xem Trung Quốc là công xưởng chỉ gia công các sản phẩm do nước ngoài thiết kế giờ đã là “quan niệm lạc hậu và sai lầm”.

“Có rất nhiều phát minh, sáng tạo đang diễn ra với quy mô lớn và tốc độ rất nhanh ở Trung Quốc mà chúng ta không hề hay biết” - Christian Grewell, giáo sư kinh doanh Đại học New York Thượng Hải, nhận định.

Thâm Quyến là cái nôi của nhiều công ty Trung Quốc trong top 20 hãng công nghệ hàng đầu thế giới kể trên như Tencent, Huawei, ZTE, DJI và Makeblock, công ty sản xuất các bộ kit để lắp ráp robot. Một cái tên khác từ Thâm Quyến: Anker, một trong những nhà sản xuất sạc dự phòng hàng đầu thế giới hiện nay với doanh thu năm 2017 lên đến 500 triệu USD và sản phẩm được bán rộng rãi trên Amazon và Walmart, các nền tảng của Mỹ.

Hình ảnh Thâm Quyến ngày nay thật sự là cú “đại nhảy vọt” so với hình ảnh làng chài của chính nó cách đây 35 năm. Thâm Quyến cũng không bằng lòng với vai trò là “thủ đô phần cứng của thế giới” mà muốn trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu với các phát minh, công nghệ mới nhất.

Trên lưng mỗi chiếc iPhone ngày nay đều có dòng chữ “Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc”. Bắc Kinh đang định hướng chuyển từ “sản xuất tại Trung Quốc” sang “thiết kế tại Trung Quốc”. Giới phân tích đánh giá đây hoàn toàn không phải là một kế hoạch bất khả thi, với những gì đang diễn ra ở Thâm Quyến.

Đầu tháng 11, Tân Hoa xã ra mắt “phát thanh viên dùng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới” - phiên bản ảo được xây dựng từ một phát thanh viên thật, có thể đọc tin tức không ngừng nghỉ 24/24 giờ. Dù còn nhiều hoài nghi nhưng việc Trung Quốc giới thiệu “phát thanh viên AI” là cái cớ để người ta nhìn lại những gì Trung Quốc muốn làm với AI, và những gì Bắc Kinh đã làm được.

Tạp chí Entrepreneur số tháng 11-2018 điểm lại một vài con số đáng chú ý: Trung Quốc muốn thành quốc gia đi đầu về AI vào năm 2030, và hiện đã dẫn đầu về số lượng bài nghiên cứu và lượt trích dẫn trong lĩnh vực này, theo báo cáo China AI Development 2018 của Đại học Thanh Hoa.

Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc hút 60% tổng đầu tư cho AI toàn cầu, và đã vượt qua Mỹ và Nhật để trở thành quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế về AI nhất thế giới.

Trong quyển AI Superpower (tạm dịch: Siêu cường trí tuệ nhân tạo) phát hành hồi tháng 9, tác giả Lý Khai Phục (Kai-Fu Lee), nhà khoa học máy tính Đài Loan từng làm việc cho Microsoft, Apple và Google, nhận định có 4 “làn sóng”, tức lĩnh vực phát triển chính, trong AI, và tương quan giữa Mỹ - Trung trong mỗi lĩnh vực là không giống nhau.

Các làn sóng đó là AI trên Internet (thu thập và xử lý dữ liệu trực tuyến), AI trong kinh doanh (ứng dụng vào từng ngành nghề cụ thể như y tế, tư pháp, ngân hàng), AI biết nhận thức (thiết bị thông minh biết nhận diện gương mặt, nghe lệnh bằng giọng nói) và AI tự hành (xe tự lái, drone).

Tác giả Lý cho rằng ở làn sóng đầu tiên, Mỹ và Trung Quốc đang ngang sức nhau, nhưng trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ dẫn 60-40 nhờ lượng dữ liệu khổng lồ từ thị trường nội địa. Ví dụ chính của dạng AI này là các nền tảng tổng hợp tin tức như Buzzfeed của Mỹ và đối thủ Toutiao từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đang bỏ xa Trung Quốc với “tỉ số” 90-10 ở lĩnh vực ứng dụng AI vào các ngành nghề do lẽ hạ tầng và dữ liệu công nghiệp ở Trung Quốc kém xa Hoa Kỳ. Song, riêng với lĩnh vực tài chính Trung Quốc lại đi trước, với sự phổ biến rộng khắp của ví di động.

Với làn sóng tạo ra AI biết nghe, nhìn, tác giả nhận định Trung Quốc, với lợi thế phần cứng, đang dẫn 60-40 trước các đối thủ Mỹ. Nếu Amazon đã có các cửa hàng cho phép người dùng chọn đồ thoải mái, hệ thống sẽ theo dõi và tự lập hóa đơn và tính tiền, thì Trung Quốc cũng có hệ thống “cười để trả tiền” thông qua công nghệ nhận diện gương mặt.

Cuối cùng, Mỹ lại đang bỏ xa Trung Quốc 90-10 trong lĩnh vực AI tự hành, đặc biệt là xe tự lái. Tuy nhiên, Lý Khai Phục cho rằng chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách.

Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Chiết Giang dự định sẽ xây siêu xa lộ thông minh đầu tiên của Trung Quốc với mặt đường gắn các tấm pin mặt trời để xe tự lái vừa chạy vừa sạc. Xa lộ cũng được gắn một loạt cảm biến cho phép xe thông minh, tài xế “giao tiếp” với chính con đường thông qua kết nối không dây.

Tương tự, Trung Quốc cũng dự định biến Hùng An Tân Khu (Xiong’an New Area), một thành phố mới ở tỉnh Hà Bắc, thành thành phố thân thiện với xe tự hành với kế hoạch kéo dài 20 năm và trị giá 580 tỉ USD do Baidu hỗ trợ công nghệ, theo trang Singularity Hub.■

Theo WIRED, Trung Quốc hiện có 22 công ty kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỉ USD trở lên), và 3 trong số 5 công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thế giới là của Trung Quốc: ứng dụng đi chung xe Didi Chungxing, hãng điện thoại Xiaomi và công ty thương mại điện tử Meituan-Dianping.

Báo cáo của Hãng Kleiner Perkins hồi tháng 5 cũng cho thấy trong số 20 công ty Internet hàng đầu thế giới hiện nay, Mỹ có 11 đại diện và Trung Quốc bám sát gót với 9 cái tên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận