Các thành viên của Maius Philharmonic chơi đầy ngẫu hứng với DJ Slim V trong Monsoon 2015 - Ảnh: BTC |
Trong đêm khai mạc lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Festival 2015 tối 8-10 tại Hà Nội, rất đông khán giả nghe nhạc chú ý đến một cái tên khá lạ tai: Maius Philharmonic.
Trong đêm 8-10, Maius Philharmonic được giao một trọng trách khá “nặng”: là những người đầu tiên mở màn đêm khai mạc bằng 30 phút độc diễn của riêng dàn nhạc.
Và Maius - Chapter One của họ đã thật sự gây ngạc nhiên cho tất cả khán giả trẻ của Monsoon khi kết hợp nhuần nhuyễn những chất liệu âm nhạc dân gian là dân ca, đàn tranh, sáo, kèn môi vào dàn nhạc giao hưởng.
Để từ đó, một Hoa thơm bướm lượn nghe rất lạ mà cũng rất quen ra đời, những tổ khúc mới sáng tác, giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, giữa dân tộc và giao hưởng hấp dẫn người nghe theo một cách riêng biệt.
Câu chuyện về Maius Philharmonic vừa tò mò vừa thích thú từ từ mở ra khi trò chuyện cùng nhạc trưởng Lưu Quang Minh - đầu tàu và cũng là linh hồn của dàn nhạc.
Vị nhạc trưởng đã viết ra những khuông nhạc bay bổng và là người chuyển soạn tất cả ca khúc cho dàn nhạc ấy vẫn luôn bị trêu đùa là “già nhất hội”. Anh sinh năm 1985!
Chuyện từ phòng ăn ký túc xá
Maius theo tiếng Latin có nghĩa là Tháng Năm, Philharmonic có nghĩa là Hội những người yêu nhạc. Ra mắt trong một diện mạo mới, một cái tên mới nhưng dàn nhạc Tháng Năm này chính là bước chuyển quan trọng từ một cái tên cũ hơn, quen thuộc hơn đôi chút là Rhapsody Philharmonic, ra đời cách đây tròn năm năm tại Hà Nội.
Lưu Quang Minh - một trong hai người đầu tiên sáng lập Rhapsody Philharmonic - nhớ lại: “Đó là những ngày khi còn là sinh viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi và anh Nguyễn Hùng Cường - một tay trống trẻ chơi rất hay - được giao nhiệm vụ làm một chương trình ra mắt sinh viên mới trong trường. Thật ra làm tàm tạm cho có cũng được, nhưng chúng tôi nghĩ tại sao lại không làm một chương trình hoành tráng luôn?”.
Và thế là một chương trình biểu diễn đặc biệt được lên khung dựa trên ý tưởng: sinh viên của tất cả khoa kèn, trống, dây... sẽ liên kết lại với nhau để “chơi chung” một cái gì đó. Một buổi chiều tháng 9-2010 nóng như thiêu đốt, gần 40 sinh viên của Học viện Âm nhạc mang theo kèn, trống, violon đến... phòng ăn của ký túc xá bắt đèn, làm sân khấu rồi cứ thế sôi nổi chơi nhạc cho nhau nghe.
“Không thể tưởng tượng nổi trong căn phòng chưa đến 60m2 đó, chúng tôi và khán giả đã chơi hết mình từ các bản giao thoa với rock cho đến chơi cùng với ban nhạc điện tử, cover lại các sáng tác nổi tiếng”. Đó cũng chính là những bước đệm đầu tiên để Rhapsody Philharmonic cất tiếng chào đời.
Trong năm năm với cái tên Rhapsody Philharmonic, dàn nhạc giao hưởng trẻ này đã làm được một việc tưởng rất mơ hồ: mang giao hưởng đến gần hơn với khán giả bằng chín concert riêng, tiếp cận công chúng trẻ bằng mọi hình thức: diễn ở quảng trường, diễn ở rạp hát, tham gia live show của các ca sĩ trẻ.
Thay đổi diện mạo và cái tên mới, Maius Philharmonic là một sự kế thừa chọn lọc khi tiếp tục “làm khó” mình hơn nữa với mục tiêu mang bản sắc dân tộc Việt vào trong giao hưởng và khao khát được nói nhiều hơn về âm nhạc của chính mình với những tổ hợp tự viết, thay vì cover lại những sáng tác nổi tiếng như trước đây.
Từ khoảng 20 người chơi trong dàn nhạc những ngày đầu tiên, đến nay Maius đã có khoảng 35 thành viên gắn bó thường xuyên với các nhạc cụ như violin, viola, cello, contrabass, flute, oboe, clarinet, trombone, trompete, tuba...
Đầu vào của dàn nhạc chính là những sinh viên đã và đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Dĩ nhiên trong quá trình “lớn lên” của dàn nhạc, số lượng thành viên “rơi rụng” cũng không ít, phần lớn bởi gánh nặng kinh tế sau khi ra trường, có gia đình riêng hoặc loay hoay đi tìm con đường âm nhạc của chính mình...
Với vô vàn khó khăn, một thủ lĩnh trẻ như Lưu Quang Minh chỉ có thể nhìn lại và nói về sự gắn bó vô điều kiện giữa các thành viên của dàn nhạc rằng:
“Việc muốn được cống hiến, được chơi nhạc đã hấp dẫn những người trẻ hơn là việc họ sẽ được trả bao nhiêu tiền”.
Dàn nhạc trẻ đa năng
Trước ngày chính thức diễn ra Monsoon Festival 2015, được tận mắt chứng kiến không khí tập luyện của Maius mới thấy trọn vẹn được sự vui tươi và trong trẻo giữa những người trẻ. Không hề có sự căng thẳng dù mệt mỏi vì lâu lâu lại có tiếng ai đó hỏi to “Chị ơi em đói bụng quá, cho em đi ăn một đĩa cơm sườn rồi em vào tập tiếp nhé?”, “Chị ơi mua nước cho các bạn nha, mua rồi gọi em ra khiêng vào cho”.
Rất sành điệu, hợp thời (nhiều thành viên của Maius tự tin khoe... tóc nhuộm hồng, nhuộm xanh cá tính trên sân khấu) và không cứng nhắc như cách người ta vẫn tưởng tượng về một dàn nhạc giao hưởng, Maius thật sự đã tạo ra một “định nghĩa” khác về nhạc giao hưởng trong tư duy của người thưởng thức.
Khi được hỏi về lý do “dám” đi theo Maius từ những ngày đầu và chưa bao giờ có ý định chia tay, Quỳnh Oanh - sinh năm 1993, một trong những cây flute của dàn nhạc - thành thật:
“Maius cho những người trẻ như tôi cơ hội được trình diễn như những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu, bất kể chúng tôi là sinh viên hay đã ra trường, điều đó khiến chúng tôi thấy mình được trân trọng. Nói một cách hoa mỹ, mỗi lần theo dàn nhạc đi biểu diễn là mỗi lần chúng tôi được tỏa sáng trên sân khấu, dù tuổi đời của tôi và các bạn còn rất trẻ”.
Những “cư dân mạng” chắc chắn vẫn còn nhớ trước ngày Quốc khánh 2-9 năm nay, có một MV thể hiện ca khúc Tiến quân ca theo phong cách giao hưởng được thực hiện ngay giữa phố cổ Hà Nội đã được truyền tay liên tục trong đêm.
Đó chính là sản phẩm của Maius, được thể hiện thật say mê trước đông đảo du khách, bạn bè, thậm chí chỉ là người đi đường. Họ đã dừng lại, giơ tay chào cờ và không quên “tặng” dàn nhạc trẻ măng ấy những tràng vỗ tay ngưỡng mộ.
Có lẽ cũng bởi lợi thế tuổi trẻ nên từ khi thành lập đến nay, Maius xác định sẽ theo đuổi hình ảnh là một dàn nhạc trẻ đa năng, có thể chơi được rất nhiều dòng nhạc, loại nhạc và không từ chối bất kỳ một sự sáng tạo nào trong âm nhạc!
“Đó vừa là một sự thử thách, vừa là cách chúng tôi làm mới mình khi thử sức với tất cả dòng nhạc. Vậy nên khán giả của chúng tôi có khi là một ông cụ, có khi là một chàng trai, khi lại là một cô gái. Không bao giờ có những giới hạn về độ tuổi, giới tính khi bạn là người nghe nhạc của Maius” - nhạc trưởng trẻ tuổi nói.
Những chú vịt con may mắn
Tối 8-10 tại Monsoon Festival, Maius Philharmonic vinh dự là dàn nhạc giao hưởng trẻ đầu tiên được đề cử cho dự án bảo trợ nghệ thuật thường niên của Monsoon Festival sẽ bắt đầu từ năm nay, với tên gọi rất dễ thương là Lucky Ducks - Những chú vịt con may mắn. Dưới sự đỡ đầu của nhạc sĩ Quốc Trung, Maius Philharmonic sẽ tập trung vào việc sản xuất album riêng, xây dựng dự án concert, phát triển các dự án cá nhân cho các nghệ sĩ độc tấu của dàn nhạc... để tiếp tục khẳng định hướng đi riêng của mình. Nói về album đầu tay của dàn nhạc sẽ ra mắt trong thời gian tới, Lưu Quang Minh không giấu được hào hứng: “Mơ ước về một album đã được chúng tôi nghĩ đến cách đây hai năm, nhưng nay mới trở thành hiện thực. Đây sẽ là quả ngọt đầu tiên mà những người trẻ của Maius Philharmonic được nếm sau một thời gian gắn bó. Không chỉ là album, đó là một lời chào từ chúng tôi đến những khán giả của mình”. |
200 nghệ sĩ tham gia “đón gió mùa”
So với quy mô của lần tổ chức đầu tiên vào năm 2014, năm nay lễ hội Gió mùa đông vui và chất lượng hơn bởi khá nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là số lượng nghệ sĩ nước ngoài tham gia đông kỷ lục với những tên tuổi đã tạo được tiếng vang thực thụ trong giới chơi nhạc thế giới như nữ ca sĩ Joss Stone (28 tuổi, người Anh, từng đoạt giải Grammy lần thứ 49 cho hạng mục Phần trình diễn RnB đôi xuất sắc nhất, cô gái xinh đẹp và cá tính này cũng được mệnh danh là nữ hoàng RnB/Soul của Anh quốc), hay tứ tấu BOND với bốn cô gái tài năng đã giành được 20 đĩa vàng (chứng nhận doanh số đĩa thu âm của Hiệp hội Công nghiệp thu âm Mỹ RIAA) ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (họ sẽ trình diễn trong đêm bế mạc 11-10 của Monsoon 2015), Matt Robertson, Zara McFarlane, WhoMadeWho, Samaris, Great Mountain Fire, Catfish, Samsaya, Thomas Oliver, From The Airport, DJ Shinichi Osawa, DJ Demonslayer. Không chỉ đến từ những cường quốc âm nhạc lớn như Đan Mạch, Anh, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Mỹ, Iceland, những nghệ sĩ quốc tế lần này còn làm nhạc mục gió mùa bội phần phong phú khi mang đến những phong cách, dòng nhạc đa dạng với rock, jazz, worldmusic, EDM, Soul, R&B... Điều này đã được “chứng minh” khá rõ ràng ngay trong đêm khai mạc 8-10, khi đan xen giữa những tiết mục rực lửa của các ca sĩ hàng đầu Việt Nam là những phút thưởng thức jazz sâu lắng qua phần trình diễn đầy cảm xúc của nữ ca sĩ da màu Zara McFarlane (Anh), một chút lãng mạn tuyệt đẹp với giọng ca của chàng điển trai Thomas Oliver (New Zealand) hay chạm đến đáy cuồng nhiệt với rockband WhoMadeWho đến từ Đan Mạch. Bên cạnh việc thưởng thức âm nhạc, lễ hội âm nhạc Gió mùa còn thật sự “ghi điểm” với những người trẻ nói chung khi từ đây lan tỏa những thông điệp lành mạnh trong ứng xử. Đó đơn giản là những dòng chữ “Hãy biết nói cảm ơn và xin lỗi” chạy trên các bảng điện tử suốt thời gian chương trình diễn ra, giữa các tiết mục hào hứng... Và cứ như thế, “Gió mùa” đã dần trở thành một luồng gió mát lành, đã và đang thổi từng đợt tươi tắn vào đời sống âm nhạc của những người trẻ mê nhạc! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận