Ngột Lương Hợp Thai
Uriyangqatai (chữ Mông Cổ: ᠤᠷᠢᠶᠠᠩᠬᠠᠳᠠᠢ, Урианхайдай, 1200-1271), còn được chép trong sử liệu chữ Hán với phiên âm Hán-Việt gồm Ngột Lương Hợp Thai, Ngột Lương Hợp Đài, Ngột Lương Cáp Thai,[1] Ngột Lương Cáp Đải, Ô Đặc Lý Cáp Đạt, Ngột Lương Hợp Đải,[2] Cốt Đãi Ngột Lang,[3][4], là một chỉ huy quân sự kiệt xuất của quân đội nhà Mông-Nguyên và là tướng chỉ huy quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất vào năm 1258.
Uriyangqatai ᠤᠷᠢᠶᠠᠩᠬᠠᠳᠠᠢ | |
---|---|
Thụy hiệu | Võ Nghị |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 1201 |
Mất | |
Thụy hiệu | Võ Nghị |
Ngày mất | 1272 |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Tốc Bất Đài |
Hậu duệ | Aju |
Nghề nghiệp | quân nhân, tướng lĩnh quân đội |
Quốc tịch | Đế quốc Mông Cổ |
Gia đình
sửaCha của Ngột Lương Hợp Thai là danh tướng Tốc Bất Đài (Subotai), một trong "Tứ dũng"[5] của Thành Cát Tư Hãn.
A Truật, con của Ngột Lương Hợp Thai, là nguyên soái chỉ huy cuộc tấn công tiêu diệt Nam Tống, là người cầm 7 vạn quân trực tiếp tiến chiếm thành Tương Dương.
Thành công chiến trận
sửaNgột Lương Hợp Thai từng tham gia đánh nước Kim của người Nữ Chân ở miền Liêu Đông; tấn công Đức và Ba Lan dưới cờ của Bạt Đô (sau này là hãn của Hãn quốc Kim Trướng) cũng như nhận lệnh tấn công đế quốc Ả Rập cùng Húc Liệt Ngột (em của hãn Mông Cổ là Mông Kha). Sau này Húc Liệt Ngột là hãn của Hãn quốc Y Nhi (hãn quốc này bao gồm Iran và Iraq hiện nay). Nhưng sau đó, Ngột Lương Hợp Thai nhận lệnh mới và không ở trong đội quân đi đánh Baghdad.
Từ năm 1252, Ngột Lương Hợp Thai và Hốt Tất Liệt đánh Đại Lý, chiếm được kinh đô năm 1253, trước khi Ngột Lương Hợp Thai trở thành tổng chỉ huy. Khi Hốt Tất Liệt được trọng trách khác. Năm 1254, Ngột Lương Hợp Thai tiến chiếm thành công nước Đại Lý - quốc gia của người Thoán Bặc (người Di ở Vân Nam) - và bắt sống vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí.
Khoảng đầu thập niên 1260, Ngột Lương Hợp Thai theo Hốt Tất Liệt tham gia cuộc nội chiến chống lại A Lý Bất Ca[6]
Xâm lăng Đại Việt
sửaSau khi những biện pháp dụ dỗ và đe dọa đối với nhà Trần không thành công, Ngột Lương Hợp Thai quyết định tấn công Đại Việt vào tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1 năm 1258). Quân của Ngột Lương Hợp Thai có ít nhất là hơn 3 vạn người trong đó 2 vạn là quân của Đoàn Hưng Trí[7] đi đường từ Vân Nam dọc theo sông Hồng vào Đại Việt.
Ngày 12 tháng Chạp (17 tháng 1 năm 1258), các lực lượng tiên phong của Ngột Lương Hợp Thai do A Truật và Cacakdu chỉ huy đến Bình Lệ Nguyên và giao chiến với quân Đại Việt do đích thân vua Trần Thái Tông chỉ huy, khiến quân Trần không thể kháng cự.[8] Tuy nhiên, kế hoạch bắt sống vua Trần và đánh tan quân Đại Việt chỉ trong 1 trận đánh của Ngột Lương Hợp Thai thất bại do quân Trần đã rút lui nhanh chóng để tránh khí thế của quân Mông Cổ. Sau đó, Ngột Lương Hợp Thai tiếp tục tấn công ồ ạt, khiến quân Đại Việt phải bỏ kinh đô Thăng Long. Thiếu lương thực, khí hậu bất lợi, sự kháng cự của quân Đại Việt đã khiến quân của Ngột Lương Hợp Thai gặp nhiều khó khăn. Chỉ 12 ngày sau trận giao chiến đầu tiên, tức ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt đã phản công, đánh bật quân của Ngột Lương Hợp Thai khỏi Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai quyết định rút quân về Vân Nam. Giữa đường bị lực lượng của Hà Bổng tập kích gây tổn thất nặng.[9]
Sau khi thoát về Vân Nam, Ngột Lương Hợp Thai được lệnh hội sư công Tống, nhưng bị tước giải binh quyền không lâu sau đó.[10] Quyền chỉ huy được giao lại cho con trai của Ngột Lương Hợp Thai là A Truật.
Sự xuất hiện trong Hịch tướng sĩ văn
sửaMặc dù Ngột Lương Hợp Thai từng là kẻ thù của Đại Việt, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ vẫn ghi nhận những phẩm chất lãnh đạo của Ngột Lương Hợp Thai.
“ | ...Vương Công Kiên là người như thế nào ?... mà giữ thành Điếu Ngư nhỏ như cái đấu, chống quân Mông Kha đông hàng trăm vạn, khiến cho sinh linh bên Tống, đến nay còn đội ơn sâu.
Cốt Đãi Ngột Lang là người như thế nào? Tỳ tướng của ông ta là Xích Tu Tư lại là người thế nào ? Mà xông vào lam chướng trên đường muôn dặm, đánh quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay vẫn còn lưu tiếng tốt!.[11] Các ngươi... không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm,... lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười, so với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì? |
” |
— Hưng Đạo Vương |
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Theo Nguyên sử (dẫn lại từ Hà Văn Tấm và Phạm Thị Tâm (1972).
- ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư.
- ^ Theo Trần Quốc Tuân trong “Hịch tướng sĩ”.
- ^ Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam chép năm 1972.
- ^ Còn gọi là "Tứ khuyển", danh hiệu do Thành Cát Tư Hãn phong cho 4 dũng tướng của mình, ba người kia là Triết Biệt, Giả Lặc Miệt và Mộc Hoa Lê.
- ^ Nguyên sử chép là A Lý Bất Ca. Sử nhà Thanh chép là Ngoạch Loát Bố Cách.
- ^ Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972), trang 71.
- ^ Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972), trang 75-76. Bình Lệ Nguyên theo các tác giả này là vùng huyện Bình Xuyên (Phú Thọ) ngày nay.
- ^ Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972), trang 82.
- ^ “兀良合台”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2016.
- ^ Dường như trong đoạn này, Trần Quốc Tuấn đã có nhầm lẫn. Nam Chiếu là một quốc gia cổ, tồn tại từ đầu thế kỉ thứ 8 ở vùng Vân Nam. Quốc gia ở vùng Vân Nam bị Ngột Lương Hợp Thai chinh phục là Đại Lý. Đại Lý chính là quốc gia đã đánh bại và chiếm cứ đất đai của Nam Chiếu. Theo các nghiên cứu sử học cũng như dân tộc học hiện đại thì Nam Chiếu là quốc gia của người Bạch, trong khi Đại Lý là quốc gia của người Di. Trước đây, một giả thiết hay được sử dụng là một trong hai quốc gia này là của người Thái, trước khi người Thái di cư do bị đánh bại xuống phía Nam và lập thành vương quốc Thái Lan ngày nay.
Tham khảo
sửa- Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, in lại năm 2003.