Bước tới nội dung

Vietnam Airlines

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do JackieBot (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 15:23, ngày 27 tháng 7 năm 2014 (Fix URL prefix). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam
Tập tin:Logo Vietnam Airlines.svg
IATA
VN
ICAO
HVN
Tên hiệu
Vietnam Airlines
Lịch sử hoạt động
Thành lập1956 (với tên Vietnam Civil Aviation)
Sân bay chính
Trạm trung
chuyển chính
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Sân bay quốc tế Nội Bài
Trạm trung
chuyển khác
Sân bay quốc tế Đà Nẵng
Thông tin chung
Công ty mẹTổng công ty Hàng không Việt Nam
Công ty conVASCO
Vietnam Airlines Engineering Company (VAECO)
Vietnam Airlines Engineering Company (VAECO)
Cambodia Angkor Air (49%)
Noibai Catering Services Join-Stock Company
Điểm đến48 (20 domestic; 26 international; 2 seasonal
Trụ sở chínhHà Nội, Việt Nam
Trang webhttp://www.vietnamairlines.com

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Airlines) là hãng hàng không quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là thành phần nòng cốt của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Hãng nằm dưới sự quản lý của một hội đồng 7 người do Thủ tướng Việt Nam chỉ định, có các đường bay đến khu vực Đông Nam Á, Đông Á, châu Âuchâu Đại Dương, với 46 điểm đến ở 19 quốc gia. Trụ sở chính được đặt tại hai sân bay lớn nhất Việt Nam: Sân bay quốc tế Nội BàiSân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 69,93% Jetstar Pacific Airlines. Hãng nắm 49% trong Cambodia Angkor Air, hãng hàng không quốc gia Campuchia, và 100% trong VASCO, một hãng bay nhỏ chuyên bay ở khu vực miền Nam Việt Nam.

Hãng được đánh giá 3 sao, theo tiêu chuẩn của Skytrax.[1]. Ngày 10 tháng 6 năm 2010, hãng chính thức gia nhập liên minh SkyTeam, trở thành hãng hàng không đầu tiên của Đông Nam Á gia nhập liên minh này.[2]

Cho đến cuối năm 2011, tổng công ty chiếm khoảng 80% thị phần thị trường hàng không nội địa tại Việt Nam và khoảng 40% thị phần khách du lịch bay đến và rời Việt Nam.

Lịch sử

Lịch sử ngành hàng không dân dụng ở Việt Nam bắt đầu từ ngày 8 tháng 6 năm 1951, với sự thành lập của hãng hàng không dân dụng đầu tiên Air Vietnam. Với số vốn 18 triệu piastre (tức 306 triệu franc Pháp), hãng được hình thành bởi 6 cổ đông ban đầu là Chính phủ Quốc gia Việt Nam (50%), hãng Air France (33,5%), Vận tải hàng không Ðông Dương (SITA) (11%), Vận tải biển (Messageries maritimes) (4,5%), Hiệp hội hàng không vận tải (Union aéronautique des transports) (0,5%), và Aigle Azur Indochine (0,5%)[3]. Năm 1968, hãng tái cơ cấu lại vốn, chính phủ Việt Nam Cộng hòa mua lại các phần góp và tăng vốn kiểm soát lên 75% và Air France giảm còn 25%.[4]

Từ một đội bay nhỏ gồm 5 chiếc Cessna 170, với các điểm đến chủ yếu tới những thị trấn nhỏ khắp Việt Nam[5], Air Vietnam dần phát triển mạnh lên thêm về số lượng máy bay[6][7] cũng như hệ thống đường bay quốc tế trong suốt 24 năm tồn tại.[8][9]

miền Bắc, ngành hàng không dân dụng bắt đầu từ ngày 15 tháng 1 năm 1956, khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Nghị định số 666/TTg thành lập Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam. Đây được xem là ngày thành lập chính thức của Hàng không Việt Nam hiện tại. Với một đội máy bay nhỏ gồm 5 chiếc của miền Bắc, hàng không Việt Nam mở đường bay quốc tế đầu tiên tới Bắc Kinh. Trong những năm sau đó, về danh nghĩa, nhiều tuyến bay quốc tế được mở đến các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa, thậm chí đến một số nước phương Tây, nhưng trên thực tế đều thực hiện quá cảnh sang Trung Quốc.

Năm 1976, sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, bên cạnh những cơ sở vật chất đã tiếp quản trước đó, chính phủ Việt Nam tịch thu các tài sản còn lại của Air Vietnam và chuyển cho Tổng Cục Hàng không Dân dụng quản lý và sử dụng. Đội bay Hàng không Dân dụng Việt Nam, ngoài các máy bay Boeing 727 thu được của Air Vietnam, còn được tăng cường bởi các máy bay của Liên Xô như Tupolev Tu-134, Tupolev Tu-154... Một số đường bay quốc tế mới đến Viêng ChănBăng Cốc được mở lần lượt vào các năm 19761978. Bấy giờ, tên giao dịch của Hàng không Dân dụng Việt Nam là Vietnam Civil Aviation; đối với một số tuyến bay đến các nước phương Tây, tên giao dịch Air Vietnam vẫn được sử dụng.

Tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (tên giao dịch tiếng AnhVietnam Airlines) được thành lập và là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Ngày 27 tháng 5 năm 1996, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Corporation) trên cơ sở sáp nhập 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hàng không mà Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam là nòng cốt.

Ngày 20 tháng 10 năm 2002, Vietnam Airlines tổ chức lễ giới thiệu biểu tượng mới "Bông Sen Vàng". Đây là mốc đánh đấu sự thay đổi toàn diện của Vietnam Airlines với chương trình hiện đại hoá đội ngũ máy bay, mở rộng mạng đường bay và hoàn thiện chất lượng dịch vụ để trở thành một hãng hàng không có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới.

Đây là sáng tác của họa sĩ Victor Kubo (Nhật Bản) và là kết quả của hơn 10 năm tìm kiếm và thử nghiệm để xây dựng mẫu biểu trưng tổng thể của Vietnam Airlines. Theo VNA, Hoa Sen - một hình tượng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc.

Có nhiều lý do để những nhà thiết kế chọn biểu tượng hoa sen. Thứ nhất, nó phản ánh lịch sử văn hóa Việt Nam, thu hút sự chú ý, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hoa sen có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam, nó tượng trưng cho sự khai sáng và hoàn mỹ theo triết học nhà Phật và phản ánh sức vươn lên của dân tộc Việt Nam. Hoa sen có trong mọi mặt của cuộc sống, trong kiến trúc cung đình và tôn giáo, trong văn học nghệ thuật... Hoa sen có sự khác biệt hoàn toàn so với biểu tượng hiện thời, khác biệt so với các hãng hàng không khu vực. Một số hãng đã sử dụng thành công biểu tượng hoa như China Airlines, Aloha Airlines, Hawaiian Airlines nhưng chưa có hãng nào sử dụng hoa sen. Hơn thế, cả thế giới đều biết đến hoa sen như biểu tượng của giá trị văn hóa và vẻ đẹp châu Á.[10]

Cơ cấu và tổ chức

Lãnh đạo

Ban lãnh đạo đương quyền:[11]:

  • Chủ tịch Hội đồng thành viên: Ông Phạm Viết Thanh
  • Tổng giám đốc: Ông Phạm Ngọc Minh
  • Phó Tổng giám đốc:
    • Ông Phan Xuân Đức
    • Ông Nguyễn Ngọc Trọng
    • Ông Lê Hồng Hà
    • Ông Trịnh Hồng Quang
    • Ông Dương Trí Thành
    • Ông Trịnh Ngọc Thành

Các công ty thành viên

Tái cơ cấu

Trong dự hướng cổ phần hóa các tập đoàn nhà nước, tháng 11 năm 2011, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý đẩy mạnh việc cổ phần hóa Vietnam Airlines giai đoạn 2011-2015, trong đó nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ, và cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không (Vinapco), trong đó Vietnam Airlines giữ trên 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Chính phủ cho phép Vietnam Airlines được nắm giữ 100% vốn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO), và tự quyết định tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại 3 xí nghiệp, gồm Thương mại mặt đất Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất và tái cơ cấu Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco)[12].

Hoạt động

Bên trong chiếc A330-200 của VNA
Tập tin:Dàn máy bay của VNA tại TSN.jpg
Dàn máy bay của VNA tại sân bay Tân Sơn Nhất
  • Năm 2006, sau khi được đạt được chứng chỉ uy tín về an toàn khai thác của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, Vietnam Airlines đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và khẳng định chất lượng dịch vụ mang tiêu chuẩn quốc tế của mình[17][18].
  • Vào ngày 15 tháng 4 năm 2009, Vietnam Airlines ký văn bản thỏa thuận tham gia liên minh hàng không lớn thứ 2 thế giới - SkyTeam vào giữa năm 2001 [19][20][21][22]. Với việc này, Vietnam Airlines sẽ là đối tác quan trọng của các thành viên trong SkyTeam trên toàn thế giới cũng như tại khu vực Đông Nam Á và hành khách sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines có thể đến hơn 950 điểm đến trên khắp thế giới và hành khách của hãng chỉ cần làm thủ tục 1 lần cũng như được thừa hưởng nhiều quyền lợi khác khi hãng gia nhập SkyTeam.
  • Tháng 10-2011, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mua 8 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner và sẽ được giao hàng bắt đầu từ năm 2015 [23].
  • Tháng 12 năm 2011, Vietnam Airlines mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và London bắt đầu từ ngày 8/12/2011 [24].
  • Tháng 12 năm 2011, Vietnam Airlines thông báo sẽ tăng giá vé với mức tăng cao nhất lên tới 20% [25].

Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở đường bay thẳng tới Los Angeles, Mỹ bằng loại máy bayBoeing 787 hoặc Boeing 777, hiện nay chưa thành công vì còn vướng những thủ tục an toàn khắt khe ở Mỹ. Mặc dù được chính phủ Mỹ giúp đỡ, như trong năm 2008, Mỹ trợ giúp Việt Nam 1,4 triệu đô la Mỹ để nâng cao năng lực giám sát an toàn phù hợp chuẩn mực quốc tế [26].

Các điểm đến[27]

Đông Bắc Á

Đông Nam Á

Châu Âu

Châu Đại Dương

Các điểm đến trước đây

Liên danh

Tính đến tháng 7,2010:[11]

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã cặp thêm các thỏa thuận với nhiều hãng hàng không khác, như Belavia của Belarus[29], Hãng hàng không S7 Airlines của Nga,[30]Virgin Blue của Australia [31] Malaysia Airlines, v.v... Ngoài ra, sau khi Vietnam Airlines nhập SkyTeam vào ngày 10 tháng sáu năm 2010, hãng cũng sẽ liên danh với các thành viên SkyTeam.

Vietnam Airlines và Japan Airlines hiện đang liên danh trên các tuyến giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hình chụp tại Sân bay quốc tế Narita

Chuyến bay

Các máy bay hiện tại

Tổng số máy bay của Vietnam Airlines (đến ngày 1 tháng 12 năm 2011) [32]:

Vietnam Airlines Fleet
Máy bay Hình Tổng Đặt mua Hành khách
(Business/Economy)
Tuyến bay chính Ghi chú
Airbus A321-231 53 5 184 (16/0/168) Nội địa, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore và Thái Lan Mua thêm 19 chiếc vào năm 2010, 3 chiếc cho Cambodia Angkor Air (VN-A327, VN-A349, VN-A351) thuê để sử dụng.
Airbus A330-200 10 0 266 (24/0/242) Nội địa, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc Đã giao cho Hãng vào ngày 1/12/2011
Airbus A350-900 0 10 Đường dài quốc tế Dự kiến sẽ giao cho hãng vào năm 2014.
ATR 72-500 16 0 68 (0/68) Nội địa, Lào, Campuchia
Boeing 777-200ER 9 0 282 (54/228)
295 (12/283)
325 (35/290)
338 (32/306)
Nội địa và châu Âu
Boeing 787-9 0 8 Sang loại Boeing 787-9 do sức chở lớn hơn

Sẽ Hoạt động đi các châu lục trên thế giới.

Dự kiến sẽ giao cho hãng vào năm 2015
Fokker 70 2 79 (0/79) Trong nước và khu vực
Tổng cộng máy bay 88 23 Hãng sẽ có 124 chiếc vào năm 2015.

Các máy bay trước đây

An ninh

Hệ thống

Theo báo cáo, đã từng có năm vụ không tặc ở Việt Nam. Ba trong số đó xảy ra vào thập niên 1970 trong Chiến tranh Việt Nam. Ba vụ này xảy đến với Air Vietnam, hãng hàng không quốc gia của miền Nam Việt Nam, không phải với các chuyến bay của Vietnam Airlines. Hai vụ khác xảy ra năm 19771992.

Vietnam Airlines có một ban an ninh riêng trên mỗi chuyến bay. Tất cả các hoạt động an ninh của hãng ở Việt Nam đều đảm nhiệm bởi ban này, kể cả việc khám xét máy bay trước và sau mỗi chuyến bay, cũng như phỏng vấn, kiểm tra và xác minh hành tung của mỗi hành khách. Ban an ninh này còn đảm nhận việc sắp xếp với ban an ninh của sân bay sở tại ở những điểm đến quốc tế, cũng như hợp tác chặt chẽ với lực lượng an ninh quốc gia và địa phương.

Sau vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, Vietnam Airlines thông báo một loạt các biện pháp nhằm cải thiện an ninh tại sân bay cũng như trên máy báy, trong đó có:

  • Những hệ thống khóa mới trên các máy bay cho phép buồng lái hoàn toàn cách ly với cabin hành khách trong suốt chuyến bay.
  • Bổ sung thêm lực lượng an ninh tại sân bay và tăng cường kiểm tra khách hàng.
  • Các máy chiếu tia X mới và những dụng cụ soi khác.

Các vụ không tặc

  • Ngày 4 tháng 9 năm 1992: Lý Tống, cựu phi công Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, khống chế chiếc máy bay Airbus A310-300 với 167 hành khách trên đường từ Băng Cốc đến Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi rải truyền đơn chống cộng trên Thành phố Hồ Chí Minh, ông ta nhảy dù. Lực lượng an ninh Việt Nam sau đó đã bắt được ông ta trên mặt đất. Máy bay hạ cánh an toàn, không ai trên máy bay bị thương. Lý Tống sau đó được phóng thích từ nhà tù Hà Nội năm 1998.
  • Ngày 28 tháng 10 năm 1977: Bốn không tặc người Việt Nam có trang bị vũ khí muốn sang tị nạn Singapore đã khống chế chiếc DC-3 trên đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến đảo Phú Quốc với 32 hành khách. Một tiếp viên và một phi công bị thương trước khi tổ lái bị buộc phải hạ cánh ở Singapore. Những tên không tặc đã đầu hàng sau 5 giờ đàm phán với các quan chức Singapore.

Đào tạo

Đội đào tạo

Theo Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng Hàng không châu Á Thái Bình Dương, một hiệp hội doanh nghiệp các hãng hàng không châu Á, ngành hàng không Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong việc đào tạo phi công và phi hành đoàn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines liên tục cải thiện vấn đề này khá hiệu quả. Ngay từ đầu năm 2000, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch đào tạo 400 phi công.

Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, đào tạo tiếp viên, quản lý nguồn lực tiếp viên và đào tạo phi công là những chương trình tăng cường an toàn được dạy cho các nhân viên của hãng. Hầu hết các các phi công mới người Việt Nam được phân công làm phụ lái trên những máy bay phương Tây. Họ còn được chính các hãng sản xuất máy bay dạy các bài đầu tiên trên mặt đất và mô phỏng bay, cũng như theo học một năm hai lần ở hãng Ansett tại Úc. Tất cả các phi công người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều phải học mô phỏng bay hai lần trong năm và được các phi công phương Tây kiểm tra định kỳ. Ở Hà Nội có một mô hình buồng lái máy bay Airbus được dùng để dạy các bài về khói và sơ tán hành khách.

Hầu hết các cơ trưởng và phụ lái của loại máy bay ATR đều là người Việt Nam. Cơ trưởng của máy bay Airbus xấp xỉ một phần ba là người nước ngoài, hai phần ba mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 1998, tất cả các cơ trưởng của máy bay Airbus đều là người Việt Nam nhưng những người giảng dạy và các phi công kiểm tra vẫn là người ngoại quốc. Phi hành đoàn của máy bay Fokker đều là người Việt Nam nhưng cũng như Airbus, các người giảng dạy và phi công kiểm tra vẫn là người nước ngoài. Hầu hết các phi công máy bay Boeing đều là người nước ngoài. Tuy vậy, một số phi công Việt Nam đang được đào tạo và phân công phụ lái. Chỉ những phi công phương Tây mới được phép điều khiển các chuyến bay hợp đồng đến các sân bay lạ.

Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã ký một hợp đồng với Socfreavia của Pháp thành lập trường đào tạo phi công ở tỉnh Phú Yên vào cuối năm 1998. Chỉ có 40% máy bay Boeing của Vietnam Airlines được điều khiển bởi các phi công Việt Nam trưởng thành từ các chương trình đào tạo ở nước ngoài. Rất nhiều các phi công được đào tạo tại trường Cao đẳng Hàng không Úc của Hawker de Havilland tại Adelaide, Úc.

Bảo trì

Chu kỳ bảo trì máy bay thường được thực hiện khá chặt chẽ theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất. Những bảo dưỡng quan trọng với động cơ và cánh quạt được giao cho các cơ sở bảo dưỡng nước ngoài với đầy đủ các tiêu chuẩn. Tuy vậy, việc bảo dưỡng đang dần được chuyển về trong nước. Chưa có sai sót nghiêm trọng nào xảy ra với việc bảo dưỡng máy bay trong suốt lịch sử của Vietnam Airlines.

Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1998, Vietnam Airlines bắt đầu tự sửa chữa và bảo dưỡng máy bay. Từ đó đến nay, các kỹ thuật viên người Việt Nam đã sửa chữa và bảo dưỡng các loại máy bay như Airbus A320, ATR72, Fokker và học bắt đầu việc kiểm tra đối với các máy bay Boeing kể từ năm 1999. Việc chuyển giao công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng từ Airbus sang Vietnam Airlines đã giúp hãng tiết kiệm được 20 triệu USD mỗi năm. Tháng 8 năm 1998, 15 kỹ thuật viên của hãng đã tham gia khóa học sửa chữa và bảo dưỡng máy bay tại trung tâm của Boeing ở Seattle, Hoa Kỳ. Hãng còn gửi 45 kỹ thuật viên chuyên về máy móc và truyền dẫn vô tuyến đến tham gia khóa học với Boeing, kết thúc vào năm 1999. Các kỹ thuật viên được cấp chứng chỉ công nhận bởi Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam. Thêm vào đó, tháng 6 năm 1998, Boeing kí một biên bản ghi nhớ với Vietnam Airlines rằng, Boeing sẽ chịu toàn bộ chi phí giúp Vietnam Airlines bảo dưỡng và cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong việc nâng cấp trung tâm bảo dưỡng máy bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để trung tâm này có đủ khả năm bảo dưỡng máy bay Boeing 767.

Tháng 4 năm 1998, cùng với các nhà đầu tư khác, Vietnam Airlines chi 1 triệu USD thành lập một xưởng bảo trì lốp và thắng máy bay tại Aircraft Enterprise A75 ở Thành phố Hồ Chí Minh, với sự trợ giúp của Japan Airlines. Sau khi hoàn thành, nhà xưởng này có một cơ sở đại tu lốp, bánh, thắng máy bay trị giá 16 triệu USD cùng với một cơ sở thử nghiệm và sửa chữa các trang thiết bị điện tử hàng không trị giá 12 triệu USD.

Region Air của Singapore và Park Aviation của Ireland cũng hỗ trợ kỹ thuật và bảo dưỡng cho Vietnam Airlines.

Hiện nay việc bảo trì của VietNam Airlines do công ty kỹ thuật máy bay Vaeco đảm nhận, Vaeco ra đời năm 2009 trên cơ sở hợp nhất các tổ chức bảo dưỡng của Vietnam Airlines trên toàn quốc. Năm 2010, Vaeco đã được Cục Hàng không Hoa Kỳ FAA phê chuẩn chứng chỉ bảo dưỡng FAR-145, là đơn vị đầu tiên trong ngành hàng không Việt Nam được Cục Hàng không Hoa kỳ phê chuẩn.

Ngoài việc thực hiện bảo trì máy bay cho Vietnam Airlines, Vaeco đang thực hiện bảo dưỡng theo hợp đồng cho hơn 20 hãng hàng không khác, chủ yếu là bảo dưỡng Ngoại trường. Công ty đã bắt đầu có thực hiện bảo dưỡng Hangar Check cho Lao Airlines, Cambodia Angkor Air, Cebu Pacific...

Việt Nam không có cơ sở nào sản xuất máy bay và các bộ phận máy bay. Boeing chiếm 35% thị trường phân phối ở Việt Nam, và General Electric cung cấp động cơ cho các máy bay của Boeing.

Bên cạnh những cơ sơ tự bảo dưỡng của mình, Vietnam Airlines còn có những hợp đồng bảo dưỡng máy bay với Air France, AMECO của Trung Quốc, China Airlines, Evergreen Aviation Technologies, GAMECO, Hong Kong Aircraft Engineering Co, Lufthansa AERO, MTU Maintenance Hanover, Royal Brunei Airlines, Safe Air của New Zealand, và TAT Industries của Pháp.

Tình hình tài chính

Vietnam Airlines do Chính phủ Việt Nam sở hữu, hãng còn có công ty con là Công ty bay dịch vụ hàng không VASCO. Trước năm 2005, hãng đã từng nắm giữ đến 86% cổ phần của hãng hàng không cổ phần Jetstar Pacific, với tư cách đại diện cho cổ phần của chính phủ Việt Nam. Trong tương lai, hãng con VASCO cũng sẽ được tách riêng thành hãng hàng không độc lập.

Vietnam Airlines tăng trưởng tốt với số lượng hành khách tăng 37% mỗi năm cho đến 1997 khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và những yếu tố tiêu cực khác làm giảm hiệu quả kinh doanh của hãng. Tuy vậy, hãng vẫn có lợi nhuận trong suốt cuộc khủng hoảng. Trong hai năm 19961997, hãng thông báo lợi nhuận hơn 100 triệu USD mỗi năm [cần dẫn nguồn]. Năm 1998, lợi nhuận giảm xuống chỉ còn khoảng 7 triệu USD. Lợi nhuận tăng lên 59 triệu USD vào năm 1999. Sau vụ tấn công 11 tháng 9 vào Hoa Kỳ, trong lúc nhiều hãng hàng không phải vật lộn, thu nhập từ vận tải hành khách của Vietnam Airlines lại tăng đột ngột. Hãng đã vận chuyển hơn 4 triệu hành khách trong năm 2002, tăng 18% so với năm trước. Vận chuyển hàng hóa tăng 20% trong cùng thời kì đó. Và kết quả là năm 2002, lợi nhuận của hãng tăng lên 35,77 triệu USD. Bất chấp sự bùng phát của dịch SARS, hãng thông báo lợi nhuận 26,2 triệu USD trong năm 2003. Trong vòng 11 tháng đầu năm 2005, hãng vận chuyển 6,8 triệu lượt khách với thu nhập gần 1,37 tỷ USD. Năm 2007, hãng đã vận chuyển 8,1 triệu hành khách. [cần dẫn nguồn].

Doanh thu năm 2008 của công ty là 1,56 tỉ đôla (so với 1,27 tỉ đôla trong năm 2007) và lợi nhuận trước thuế và lãi là 14 triệu đôla (giảm so với 23 triệu đôla của năm 2007) với lưu lượng hành khách vận chuyển được là 8,8 triệu lượt khách [33].

Tình hình tài chính của Vietnam Airlines tăng trưởng khá tốt. Hãng đang có kế hoạch tăng số máy bay và số điểm đến trong những năm sắp tới.

Thị phần và cạnh tranh

Cho đến cuối năm 2011, Vietnam Airlines chiếm khoảng 80% thị phần thị trường hàng không nội địa tại Việt Nam, các phần trăm thị phần còn lại thuộc về Jetstar Pacific Airlines - JPA (khoảng 17%), và Air Mekong, VascoVietJetAir (chia sẻ 3% còn lại) [34]. Sau một thời gian hoạt động do khai thác không hiệu quả, JPA thua lỗ kéo dài, Bộ Tài chínhBộ Giao thông Vận tải đang xem xét chuyển số cổ phần mà Nhà nước Việt Nam thông qua SCIC đang nắm giữ tại Jetstar Pacific cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Điều này đã dấy lên sự lo ngại là bước lùi lớn về mặt cạnh tranh của thị trường hàng không nội địa và người tiêu dùng chịu thiệt vì Vietnam Airlines khi đó sẽ nắm khoảng 97% thị phần và có thể độc quyền về giá [34][35].

Về quốc tế, Vietnam Airlines nắm giữ 40% thị phần khách du lịch bay đến và rời Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa đối với hãng vì hai phần ba thu nhập của hãng là từ hành khách quốc tế.

Các vụ tai tiếng

Các vụ bắt giữ phi hành đoàn

  • Tháng 8 năm 2007, phi công Trần Văn Đăng bị Cảnh sát liên bang Úc bắt giữ về tội chuyển 6.5 triệu đôla tiền mặt ra khỏi nước Úc. Sau đó ông Đăng bị phạt tù 4 năm rưỡi [36]
  • Tháng 4 năm 2008 Vietnam Airlines buộc thôi việc phi công Lại Quốc Việt - người bị nghi liên quan đến đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại Australia.[37]. Lại Quốc Việt đã đem lậu 3,4 triệu Úc kim từ Australia về Việt Nam trong hai năm 2005 và 2006 và sau đó bị phạt tù 9 năm rưỡi [36]
  • 23-06-2008 ba nhân viên của hãng bị công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố về tội vận chuyển 1,54 kg nữ trang bằng vàng có đính đá quý[38]
  • Tháng 12 năm 2008 phi công Đặng Xuân Hợp bị Hải quan Nhật bắt giữ trong một đường dây vận chuyển hàng hóa ăn cắp ở Nhật.[39]. Theo cơ quan điều tra Nhật Bản, các phi công và các tiếp viên của Vietnam Airlines thường vận chuyển các khối lượng lớn bất thường hành lý mỗi khi tới Nhật [40]
  • Tháng 2 năm 2009, Hải quan Việt Nam đã phát hiện 6,4 kg vàng vô chủ trên chuyến bay VN 791 về từ Hồng Kông của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài [41]
  • Tháng 11 năm 2009, ba tiếp viên Vietnam Airlines (hai nam, một nữ) trên chuyến bay VN 937 từ Seoul về Hà Nội đã bị hải quan Hàn Quốc tạm giữ tại sân bay Incheon vì chuyển lậu 20 lượng kim loại quý [36]
  • Tháng 6 năm 2010, phi hành đoàn gồm 13 người trên chuyến bay VN782 từ Sydney đi TP Hồ Chí Minh đã bị Cảnh sát liên bang Úc tạm giữ, vì nghi ngờ chuyển ngân lậu [36]
  • Tháng 3 năm 2014, phi hành đoàn gồm 1 tiếp viên và 5 thành viên phi hành đoàn bị bắt giữ tại Nhật Bản vì nghi vận chuyển hàng lậu.

Đối xử với khách hàng

  • Tháng 6 năm 2009, Ngoại trưởng Bỉ Karel De Gucht và đại sứ Bỉ tại Việt Nam, Hubert Cooreman và phái đoàn Bỉ trong chuyến công du Việt Nam đã đi máy bay hành khách từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tuy đã đặt ghế trước nhưng đã bị nhân viên Vietnam Airlines hạ cấp từ ghế hạng thương gia xuống phổ thông, "lý do là hãng hàng không đã lấy chỗ hạng thương gia để cho các Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có chỗ bay vào Nam dự đám tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt" [42]
  • Tháng 4 năm 2011, vụ việc tiếp viên hàng không Trịnh Thị Hoa gọi an ninh sân bay Đà Nẵng lên máy bay trấn áp huấn huấn luyện viên đội tuyển Taekwondo VN Lê Minh Khương - cho biết đang xem xét các thủ tục khởi kiện hãng Vietnam Airlines (VNA), xuất phát từ việc ông Khương bị hành hung trên chuyến bay VN1169 khởi hành từ Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh hôm 18.4. Sự việc này còn khiến dư luận bất bình khi cục phó cục hàng không Lại Xuân Thanh tuyên bố có thể cấm bay đối với ông Lê Minh Khương vì chưa biết đúng sai nhưng đã khẳng định khách sai. Bức thư làm chứng của vị khách Singapore Eileen Tan cũng bị cho là chưa thuyết phục. Hiện hãng đang phải giải trình về sự việc liên quan đến huấn luyện viên trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam Lê Minh Khương tham gia chuyến bay VN1169 [43]

Kiện cáo với công ty Ý

  • Tháng 11 năm 1992, Vietnam Airlines (cũ) ký hợp đồng chỉ định Công ty Falcomar (Ý) là đại lý của VNA tại thị trường Ý. Theo phía nguyên đơn là luật sư Liberaty, từ 12 năm 1992, ông này đã được Falcomar thuê để thực hiện một số công việc cho Falcomar với tư cách là đại diện cho Vietnam Airlines.
  • Ngày 14 tháng 9 năm 1994, luật sư Liberati có đơn gửi Tòa án Roma yêu cầu Falcomar và Vietnam Airlines thanh toán những chi phí công việc mà ông ta đã thực hiện, tổng số khoảng trên 573.000.000 lire (tiền Ý).
  • Ngày 1 tháng 11 năm 1994, thông qua Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Tòa án Roma gửi giấy triệu tập cho Vietnam Airlines tham dự phiên tòa tại Ý. Theo giấy này, thì ngày 30 tháng 11 năm 1995, Vietnam Airlines phải có mặt tại Tòa án Roma để tham dự phiên xử. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã không có đại diện tham dự phiên xử này. Phiên tòa vẫn được đưa ra xét xử theo luật định của Ý.
  • Ngày 7 tháng 3 năm 2000, Tòa án Roma ra phán quyết phía Vietnam Airlines phải bồi thường cho luật sư Liberati 4 tỷ 851 triệu lire (khoảng 4,3 triệu euro). Do không tham dự phiên tòa nên Vietnam Airlines không nhận được phán quyết cũng như bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ việc này.
  • Ngày 2 tháng 5 năm 2002 là thời điểm hết hạn kháng cáo, Vietnam Airlines mới nhận được thư của luật sư Liberati cùng trích lục bản án của Tòa án Roma, yêu cầu Vietnam Airlines phải trả số tiền 4.370.584 euro trong vòng 30 ngày.
  • Ngày 18 tháng 2 năm 2004, Vietnam Airlines nhận được thông báo của Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1,3 triệu euro tại tài khoản BSP Pháp (tài khoản thu từ bán vé máy bay ở đại lý) của Vietnam Airlines để thanh toán theo phán quyết của tòa. Kèm theo quyết định của Tòa Phúc thẩm Paris xác nhận số tiền mà Vietnam Airlines phải trả là gần 5,2 triệu euro (tính cả lãi suất phát sinh theo lãi suất ngân hàng, tức là khoảng 100 tỷ đồng). Vietnam Airlines lập tức có đơn kháng án và được tòa án Roma tiếp nhận.
  • Trước sự phức tạp của vấn đề, ngày 9 tháng 6 năm 2004, Vietnam Airlines đã báo cáo sự việc với Thủ tướng.
  • Ngày 17 tháng 3 năm 2005, tòa phúc thẩm Ý đã triệu tập Vietnam Airlines cùng luật sư Liberati để tranh tụng.
  • Ngày 31 tháng 3 năm 2005, tòa án phúc thẩm Ý tiếp tục phiên tranh tụng lần thứ hai. Tòa đã tiếp nhận thêm hồ sơ tài liệu của hai bên và tuyên sẽ tiếp tục phiên tranh tụng lần thứ ba vào 27 tháng 1 năm 2006.
  • Tòa phúc thẩm Paris (Pháp) đã bác kháng cáo của Vietnam Airlines, tuyên y án sơ thẩm buộc phải trả 5,2 triệu euro cho luật sư Maurizio Liberati [44]. Khoản bồi thường này hiện chưa tính đến lãi suất từ tháng 11 năm 2003 đến khi Vietnam Airlines thanh toán.
  • Ngày 18 tháng 3, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiến hành vụ kiện tại Ý đến cùng sau khi phát hiện ra tình tiết mới có lợi cho hãng, vụ kiện được diễn ra vào ngày 3/4/2009 và hãng sẽ có 80 ngày để chuẩn bị vụ kiện [45][46]

An toàn bay

Trong vòng 20 năm qua, Vietnam Airlines đã hứng chịu ba tai nạn nghiêm trọng. Những vụ tai nạn chết người này đều liên quan đến những chiếc máy bay do Nga chế tạo. Những loại máy bay này đã bị loại ra khỏi đội bay kể từ những ngày đó. Một vài tai nạn không thương vong đã xảy ra với Tupolev Tu-134 khi nó va chạm mạnh trong lúc hạ cánh. Ít nhất hai vụ rơi máy bay chết người đã từng xảy ra với Yakovlev Yak-40. Hầu hết những sự cố này đều xảy ra lúc máy bay sắp đến sân bay hoặc sắp hạ cánh mà trong đó thời tiết là một nguyên nhân. Cả ba vụ tai nạn chết người đều xảy ra trong mưa to.

Các vụ "tai nạn trong gang tấc" xảy ra thường xuyên [cần dẫn nguồn], nhưng nguyên nhân chính là do ngành hàng hàng không và hàng không dân dụng Việt Nam thường xuyên lớn mạnh và điều chỉnh theo công nghệ hiện đại, tạo ra một khoảng cách công nghệ mà các nhân viên điều khiển không lưu cần phải bù lấp.

Trong những vụ sau đây, lỗi phi công trong lúc tiến đến gần sân bay hay hạ cánh có thể là nguyên nhân chính của tai nạn. Theo báo cáo, lối suy nghĩ theo bài vở cũ được xem là nhân tố chính trong những trường hợp mà phi công bộc lộ tâm lý không dễ chịu khi phải hoãn hạ cánh.

Các vụ tai nạn chết người

  • Ngày 3 tháng 9 năm 1997: Chiếc máy bay Tupolev Tu-134 của Vietnam Airlines (Nga sản xuất năm 1984) rơi khi đang đến gần Sân bay quốc tế Pochentong, thủ đô Phnom Penh, Campuchia, làm thiệt mạng 64 trong tổng số 66 hành khách và phi hành đoàn. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Chiếc máy bay đang trên đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh. Chiếc Tupolev đang tiến gần đến đường băng sân bay Pochentong từ độ cao 2.000 mét trong trời mưa to. Vào thời điểm này, trạm điều khiển yêu cầu phi công cố gắng hạ cánh từ phía tây bởi vì gió. Tổ lái sau đó mất liên lạc với trạm điều khiển. Ba phút sau, chiếc máy bay va chạm với cây cối ở tầm thấp làm hư cánh trái. Chiếc máy bay trượt dài 180 mét vào một ruộng lúa khô nước trước khi nổ tung. Sau vụ việc, lỗi phi công được xác định là nguyên nhân của vụ tai nạn; phi công tiếp tục hạ độ cao từ 2.000 mét xuống 30 mét cho dù không nhìn thấy đường băng, mặc kệ lời yêu cầu quay lại của người phụ lái và kỹ sư chuyến bay. Khi máy bay đâm vào cây, người phi công cuối cùng mới nhận ra rằng đuờng băng không nằm trong tầm nhìn và cố gắng hủy bỏ hạ cánh; người kỹ sư dùng toàn lực động cơ nhưng chiếc máy bay không thể điều khiển và xoay trái; động cơ bên phải ngừng hoạt động nên không thể nào nhấc máy bay lên được.
  • Ngày 14 tháng 11 năm 1992: Một chiếc Yakovlev Yak-40 (sản xuất năm 1976) xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh với 31 hành khách rơi ở thung lũng Ô Kha gần sân bay Nha Trang trong một cơn bão nhiệt đới. 29 người thiệt mạng. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Một hành khách là nữ, quốc tịch Hà Lan may mắn sống sót.
  • Ngày 9 tháng 9 năm 1988: Một chiếc Tupolev Tu-134 xuất phát từ Hà Nội với 81 hành khách rơi trong lúc đang tiến gần đến Bangkok. 76 người thiệt mạng. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn, bị cắt đứt thành ba đoạn. Rõ ràng là chiếc máy bay đi vào vùng bão và bị sét đánh. Chiếc máy bay nổ sau khi rơi xuống một cánh đồng cách Sân bay quốc tế Bangkok 6 km. Có ba người may mắn sống sót trong vụ này gồm 1 phi công, 1 nữ tiếp viên và 1 hành khách (Cao Trần Quyết Thắng - cán bộ Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước).[47]

Các vụ tai nạn không có thương vong

  • Ngày 21 tháng 10 năm 2013: Chiếc ATR-72 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1673 cất cánh từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thực hiện chuyến bay đi Đà Nẵng chở theo 41 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn và sau khi máy bay hạ cánh mới phát hiện ra máy bay gãy càng mũi và lốp đã bị rơi ra. Tuy nhiên, rất may máy bay vẫn hạ cánh an toàn bằng một bánh mũi còn lại xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng (Đà Nẵng).
  • Ngày 7 tháng 8 năm 2009: Chiếc Airbus A320 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam chở 164 hàng khách (bao gồm phi hành đoàn, tiếp viên và hàng khách) mang số hiệu VN453 phải hạ cánh khẩn cấp vì có dấu hiệu bất thường trong hệ thống dầu thủy lực ở càng máy bay. Trong chuyến NHA-SGN. Toàn bộ 164 hành khách, trong đó có 26 trẻ em, 2 trẻ sơ sinh, tổ bay, hành lý và hàng hóa đều an toàn và được sơ tán khỏi máy bay trong vòng 5 phút mà không ai bị thương tích. Hiện nay cơ quan điều tra đang được làm rõ.
  • Ngày 30 tháng 7 năm 2008: Chiếc Boeing 777 bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sân bay quốc tế Narita (Tokyo) bị bốc khói ở động cơ bên phải khi hạ cánh.[48].
  • Ngày 26 tháng 01 năm 2007: Chuyến bay giá rẻ của VNA mang số hiệu VN2366 có hành trình Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội, cất cánh tại Tân Sơn Nhất, với khoảng 100 hành khách trong khoang, sau 45 phút bay, máy bay bị sự cố giảm áp và phải trở về nơi xuất phát. Hành khách nói rằng trong khoang hành khách có mùi khét, nhiều người cảm thấy khó thở vì áp suất không khí thay đổi. Hành khách trên chuyến bay trên được bố trí sang máy khác, trở lại hành trình lúc 0g15’ ngày 27-1.
Theo hành khách đi trên chuyến bay VN2366, khi vừa rời khỏi Tân Sơn Nhất khoảng 30 phút, bất ngờ trong khoang hành khách có mùi khét, nhiều người cảm thấy khó thở vì áp suất không khí thay đổi.
Ngay sau đó, các hành khách được thông báo máy bay đang bị trục trặc kỹ thuật nên phải hạ cánh khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Đến 22g45’ chuyến bay mang số hiệu VN2366 đáp khẩn cấp xuống Tân Sơn Nhất.
  • Ngày 15 tháng 1 năm 2007: Một chiếc Boeing 777 bay từ sân bay Charles de Gaulle, Paris đến Hà Nội đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Baku, Azerbaijan, sau khi phát hiện vết rạn trên kính buồng lái. Toàn bộ 300 hành khách đã phải trú tạm một ngày ở Baku trước khi được chuyển về Hà Nội.
  • Ngày 17 tháng 04 2006: Phi công chiếc Boeing 777 bay từ Hà Nội đến Frankfurt mất liên lạc với trạm điều khiển mặt đất trong vòng hơn một tiếng khi bay qua không phận Ukraina, Ba Lan, CH Séc. Không quân Séc đã phải điều hai máy bay chiến đấu lên áp tải. Sau đó, các phi công đã nhận ra lỗi không bật hệ thống liên lạc lên. Máy bay hạ cánh an toàn tại Frankfurt.
  • Ngày 29 tháng 10 năm 2004: Càng máy bay của một chiếc Airbus Airbus A321 không thể mở ra trước khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Chiếc máy bay tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hạ cánh mà không có càng trên đường băng phủ bọt. Không có thương vong nào xảy ra.
  • Ngày 22 tháng 8 năm 2002: Một chiếc Airbus A320 buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một con chim đâm vào cửa sổ buồng lái. Vụ việc xảy ra không lâu sau khi cất cánh. Chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến bay bị trễ khoảng 1 giờ trước khi chiếc máy bay thay thế được mang đến.
  • Ngày 19 tháng 7 năm 2002: Một chiếc Airbus A320 trên đường từ Phnom Penh đến Thành phố Hồ Chí Minh đã không thể cất cánh vì bánh xe vỡ trong lúc nó đang trên đường đi ra đường băng. Không có thương vong nào xảy ra.
  • Ngày 12 tháng 9 năm 1998: Một chiếc Boeing 767 trượt khỏi đường băng trong lúc cất cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phi công mất điều khiển phương hướng của máy bay. Hành khách được sơ tán qua các ống trượt thoát hiểm. Các cơ quan có chức năng không thể xác định được nguyên nhân của vụ việc. Một vài hành khách nói rằng họ thấy vài tia lửa bắn ra từ động cơ trong lúc nó chạy ra ngoài đường băng.
  • Ngày 25 tháng 11 năm 1994: Một chiếc Tupolev Tu-134 với 40 hành khách va chạm mạnh khi hạ cánh tại Phnom Penh, Campuchia bởi vì càng hạ cánh bị gãy. Không có thương vong nào xảy ra nhưng chiếc máy bay bị thiệt hại nặng.
  • Ngày 12 tháng 1 năm 1991: Một chiếc Tupolev Tu-134 với 76 hành khách đã bị rơi khi chuẩn bị hạ cánh xuống Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 9 mét, chiếc Tupolev bỗng nhiên mất độ cao, rơi mạnh xuống với càng trái chạm đường băng trước tiên. Không có thương vong nào nhưng chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn.

Các sự cố khác

  • Ngày 17 tháng 4 năm 2007, chuyến bay VN 545 của Vietnam Airlines bay đi Frankfurt (Đức) đã bị yêu cầu hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Cộng hòa Séc. Một số nguồn tin cho rằng, nguyên nhân của sự cố là do tổ bay đã ngủ quên, khi chiến đấu cơ của Cộng hòa Séc xuất hiện mới tỉnh giấc. Vụ việc được một quan chức Vietnam Airlines giải thích rằng khi đến không phận của châu Âu phi công đặt sai tần số nên dưới mặt đất không liên lạc được. Hai phi công vi phạm đã bị tạm đình chỉ bay và phải tham dự các khóa đào tạo lại.[49]

Người nổi tiếng mất do tai nạn của Vietnam Airlines

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ “Vietnam Airlines: 3-Star Ranking of Product and Services Quality”. Skytrax. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2010.
  2. ^ “Vietnam Airlines and TAROM on track to become members in June”. The Netherlands: SkyTeam. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2010.
  3. ^ www.tapchithoidai.org/TD7_LeVanCuong.pdf Kinh tế Ðông Dương từ 1945 đến 1954 trong vùng thuộc Pháp
  4. ^ Flight Archive
  5. ^ Từ năm 1954, Air Vietnam chỉ giới hạn đường bay nội địa ở miền Nam Việt Nam.
  6. ^ "Combat Profit" Time Magazine
  7. ^ Từ Krong Pha...
  8. ^ South Viet Nam: Flying Above the War, Time, 23/6/1965
  9. ^ Embassy of Viet-Nam. Viet-Nam Bulletin. Viet-Nam Info series 41. Washington, DC: Embassy of Viet-Nam, 1970.
  10. ^ Hình ảnh mới của Vietnam Airlines trên bầu trời 28 tháng 6 năm 2011
  11. ^ a b c d e “Giới thiệu chung” (Thông cáo báo chí). Truy cập 11:45 25/1/2011. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
  12. ^ Sẽ cổ phần hóa công ty Xăng dầu hàng không
  13. ^ “Vietnam considers A34O300 from Airbus”. Flight Global. tháng 6 năm 2002. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2010.
  14. ^ “Using a new airport in Russia” (Thông cáo báo chí). Vietnam Airlines. Được lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2003 tại Wayback Machine
  15. ^ “Vietnam Airlines heads directly to Germany”. New York Times. 1 tháng 6 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2010.
  16. ^ “Vietnam Airlines to start direct flights to Germany in June”. Forbes. 31 tháng 1 năm 2005. Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2005.
  17. ^ “Vietnam Airlines becomes IATA member”. VoV News. VoV News. 1 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2010.
  18. ^ “Vietnam Airlines joins IATA”. Vietnam Net. Vietnam Net. 8 tháng 12 năm 2006. Truy cập 9/ June 2010. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate= (trợ giúp)
  19. ^ “Vietnam Airlines gia nhập SkyTeam, khách hưởng dịch vụ tốt hơn”. Vietnamnet. 15 tháng 4 năm 2009.
  20. ^ “Vietnam Airlines tham gia liên minh hàng không lớn thứ 2 thế giới”. Tuổi Trẻ. 15 tháng 4 năm 2009.
  21. ^ “Vietnam Airlines gia nhập Liên minh hàng không toàn cầu”. Thanh Niên. 15 tháng 4 năm 2009.
  22. ^ “Vietnam Airlines gia nhập Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam”. Người Lao Động. 15 tháng 4 năm 2009.
  23. ^ Vietnam Airlines mua 8 chiếc Boeing, BBC 30-10-2010
  24. ^ Mở đường bay thẳng VN-London từ 8-12-11, BBC 20-6-2011
  25. ^ Vietnam Airlines tăng giá vé 'tối đa 20%', BBC 10-12-2011
  26. ^ Mỹ giúp Việt Nam bay tới LA, BBC, 24/1/2008
  27. ^ [1]
  28. ^ “Air France strikes flight deal with Vietnam Airlines”. Yahoo News. AFP. 4 tháng 2 năm 2010. Truy cập 3 tháng 4 năm 2010.
  29. ^ Vietnam Airlines enter into interline-agreement” (Thông cáo báo chí). Beata-Balarusian Telegraph Agency. 29/05/2008 15:38. Truy cập 20/2/10. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |accessdate=|date= (trợ giúp)
  30. ^ website “About Us-Whole World with S7” Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp). S7 Airlines. Truy cập 20 tháng 2 năm 2010.
  31. ^ “A "V" GOOD PARTNERSHIP – VIRGIN BLUE AND VIETNAM AIRLINES SIGN INTERLINE AGREEMENT” (Thông cáo báo chí). Virgin Blue. 4 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2010.
  32. ^ [2]
  33. ^ Vietnam Airlines giảm lợi nhuận, BBC, 08/1/ 2009
  34. ^ a b Mai Hà, Thị trường hàng không nội địa thụt lùi, Thanh Niên online 5-12-2011
  35. ^ Trần Vinh Dự, Để không phải là một cuộc cải cách ngược (phần 1), VOA 16-12-2011
  36. ^ a b c d Phi hành đoàn Vietnam Airlines bị giữ ở Úc, BBC 17-6-2010
  37. ^ Phi công Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật, VNE 12-2008
  38. ^ http://www.baodatviet.vn/Home/Buon-lau-vang-bang-duong-khong/20086/7926.datviet
  39. ^ http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Quoc-te/2008/12/3BA09990/
  40. ^ Báo Nhật nói về đường dây buôn lậu
  41. ^ Phát hiện nhiều kg vàng vô chủ, BBC 13/2/2009
  42. ^ Vietnam Airlines 'giáng cấp' ngoại trưởng Bỉ, BBC 21/6/2009
  43. ^ luyện viên-taekwondo/
  44. ^ Thua kiện, Vietnam Airlines mất 5,2 triệu euro
  45. ^ “Vietnam Airlines quyết theo đến cùng vụ kiện tại Ý”. Vietnamnet. 18 tháng 3 năm 2009.
  46. ^ Xem Vietnam Airlines bị kiện tại đây
  47. ^ [http://tuoitre.vn/Pages/Printview.aspx?ArticleID=528292
  48. ^ Máy bay Vietnam Airlines gặp sự cố tại Nhật
  49. ^ Phi công Vietnam Airlines liên tục gặp 'sự cố', VnExpress 12/6/2006

Liên kết ngoài

Bản mẫu:Link GA