Bước tới nội dung

Throffer

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trong triết học chính trị, throffer là một dạng yêu cầu (cách gọi khác là "can thiệp"[a]) gồm một lời đề nghị và một lời đe doạ sẽ thực hiện điều gì đó nếu người nhận không chấp thuận. Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này trong văn viết là triết gia chính trị Hillel Steiner. Tuy một số tác gia khác cũng sử dụng, throffer không được chấp nhận rộng rãi, và đôi khi còn bị coi là đồng nghĩa với cụm "cây gậy và củ cà rốt". Dù không nhất thiết phải thể hiện rõ tính đe doạ trong từ ngữ, nhưng các throffer đặc trưng thường có điểm tương đồng với ví dụ sau:

Giết được thằng này thì mày có £100. Nếu làm không xong, tao sẽ giết mày.[2]

Steiner phân biệt đề nghị (offer), đe doạ (threat) và throffer dựa trên mức độ phục tùng của đối tượng so với quá trình sự kiện diễn tiến khi không có can thiệp. Triết gia Robert Stevens chỉ trích cách phân biệt này; ông cho rằng điểm chính yếu khi phân biệt các loại can thiệp là mức độ mong muốn thực hiện/không thực hiện (ít hay nhiều hơn khi không có can thiệp). Throffer là một phần của những nghiên cứu về cưỡng chế trong lĩnh vực chính trị và luân lý học rộng lớn hơn, cũng như nghi vấn về khả năng của những đề nghị cưỡng chế. Trái ngược với quan điểm vốn có cho rằng chỉ những lời đe doạ mới có thể ép buộc, những throffer không thể hiện rõ ràng tính đe doạ cũng được coi là một dạng yêu cầu cưỡng chế, dù một số tác giả vẫn cho rằng cả đề nghị, đe doạ và throffer sẽ đều có tính cưỡng chế nếu hội đủ một số điều kiện nhất định. Ngược lại, đối với những người khác, một throffer sẽ có tính cưỡng chế tương ứng với nửa đe doạ, và không phải throffer nào cũng đều cưỡng chế.

Các chương trình phúc lợi lao động áp dụng lý thuyết throffer vào thực tiễn: nếu ai đó từ chối đề nghị cung cấp việc làm hoặc giáo dục, họ sẽ bị cắt giảm phúc lợi xã hội. Giáo sư Đại học Quốc gia Úc Robert Goodin chỉ trích nặng nề những hệ thống throffer nhóm hưởng phúc lợi xã hội, nhưng bị triết gia Daniel Shapiro của Đại học West Virginia phản bác vì cho rằng lập luận phản đối không thuyết phục. Một số tác gia cũng cho biết những tội phạm đã bị kết án (đặc biệt là tội phạm tình dục) sẽ nhận throffer điều trị y tế, và sẽ được giảm án nếu chấp nhận. Một vài ví dụ khác là ảnh hưởng tiêu cực đối với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng (bác sĩ tâm thần Julio Arboleda-Flórez) và vai trò trong quản lý (chuyên gia quản lý John J. Clancey).

Nguồn gốc và cách dùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ throffer bắt nguồn từ việc ghép hai từ threat (đe doạ) và offer (đề nghị) với nhau.[3] Triết gia người Canada Hillel Steiner là người đầu tiên sử dụng từ này khi viết một bài tiểu luận trong Proceedings of the Aristotelian Society ("Văn kiện Hiệp hội Aristotle", 1974–75).[4] Trong bài, ông đề cập đến câu thoại nổi tiếng "Cha sẽ đưa ra lời đề nghị hắn không thể khước từ" ("I'm gonna make him an offer he can't refuse" – Bố già, 1972). Dù câu nói này có vẻ mỉa mai rất thú vị (vì không phải đề nghị, mà là đe doạ), ông không thích việc đề nghị và đe doạ chỉ đơn thuần khác nhau ở hệ quả quy ước (lợi ích và hình phạt).[5] Do đó, ông đã đặt ra một từ mới – throffer – để mô tả lời "đề nghị" trong phim.[6] Nhà tư tưởng nổi tiếng và khoa học gia chính trị Michael Taylor đã sử dụng thuật ngữ này;[7] công trình nghiên cứu về throffer của ông cũng được trích dẫn nhiều lần.[6][8][9]

Tuy vậy, throffer không được chấp nhận rộng rãi. Michael R. Rhodes cho biết việc sử dụng từ này đã gây tranh cãi lớn trong giới văn học.[10] Ông trích dẫn một số nhà văn không dùng throffer:[11] Lawrence A. Alexander,[12] David Zimmerman[13] và Daniel Lyons.[14] Số khác, như các khoa học gia chính trị Deiniol Jones[15] và Andrew Rigby,[16] cho rằng throffer là từ đồng nghĩa với cụm cây gậy và củ cà rốt thành ngữ chỉ việc kích thích con lừa phục tùng và thực hiện hành vi bằng cách thưởng cà rốt hoặc phạt đánh.[17] Nhiều tác giả, dù sử dụng, cũng coi đây là một từ kém. Ví dụ, tuy đã dùng từ này trong bài phân tích tác phẩm Paradise Regained (John Milton), nhưng học giả văn học Daniel Shore vẫn gọi throffer là "một thuật ngữ có phần không tương xứng".[18]

Định nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoài bài phân tích đầu tiên của Steiner, nhiều tác giả cũng đề ra những định nghĩa khác và cách phân biệt khái niệm throffer so với hai khái niệm cũ là đề nghị và đe doạ.

Trong Proceedings of the Aristotelian Society, Steiner đề cập đến sự khác biệt giữa hai dạng can thiệp – đe doạ và đề nghị. Kết luận đưa ra là hai biện pháp trên khác nhau ở hệ quả tuân thủ hoặc không tuân thủ đối với đối tượng (người nhận yêu cầu), so sánh với "chuẩn mực". Ông nhận thấy vì những thay đổi trong cảm nhận của đối tượng không chỉ tương đối, mà là tuyệt đối, nên các tài liệu về tính cưỡng bức đều ngầm giả định khái niệm "bình thường". Khả năng xảy ra của các thay đổi tuyệt đối đều cần có tiêu chuẩn – "diễn biến bình thường và khả dĩ nhất của sự kiện, hay quá trình sự kiện diễn tiến khi không có sự can thiệp nào".[19]

Hệ quả của việc tuân theo một lời đề nghị (như "bạn muốn dùng xe tôi lúc nào cũng được") "sẽ dẫn đến một tình huống tốt hơn so với chuẩn mực". Nếu không tuân theo (không đồng ý dùng xe), hệ quả sẽ tương đương với tiêu chuẩn, không tích cực cũng không tiêu cực hơn. Ngược lại, đặc trưng của một lời đe doạ là hệ quả quy ước sẽ tiêu cực hơn, dù đối tượng có tuân theo hay không. Ví dụ: một người nào đó bị đe doạ "tiền hay mạng"; nếu họ làm theo, họ mất tiền, ngược lại, họ mất mạng. Với đối tượng, cả hai lựa chọn này đều tiêu cực hơn bình thường (khi không bị đe doạ), nhưng mất tiền (tuân thủ) vẫn tích cực hơn mất mạng (không tuân thủ). Throffer là dạng can thiệp thứ ba, không giống đề nghị, cũng không giống đe doạ: chấp thuận sẽ tích cực hơn chuẩn mực, và không chấp thuận thì ngược lại.[2]

Steiner cho rằng ảnh hưởng của mọi đề nghị, đe doạ và throffer lên cách đối tượng cân nhắc thực tế đều tương đồng. Đối với đối tượng, điều quan trọng không phải là sự khác biệt về mức độ mong muốn giữa hệ quả của tuân thủ/không tuân thủ và chuẩn mực, mà là giữa tuân thủ và không tuân thủ với nhau. Do vậy, một lời đe doạ không nhất thiết phải gây ra nhiều ảnh hưởng (với đối tượng) hơn đề nghị. Tác động của can thiệp không phụ thuộc vào hình thức, mà vào sự khác biệt về mức độ mong muốn của đối tượng giữa việc có thực hiện hay không.[20]

Triết gia Robert Stevens phản bác Steiner, đồng thời nêu một số ví dụ về đề nghị, đe doạ và throffer (theo cách ông phân loại) không đáp ứng định nghĩa của Steiner. Ông đưa ra một yêu cầu mà ông coi là throffer, tuy trái ngược với đe doạ, nhưng sẽ khiến đối tượng ít mong muốn cả việc tuân theo và từ chối hơn so với chuẩn mực: "Nếu anh không chịu đổi con bò lấy một nắm đậu,[b] tôi sẽ giết anh." Đối tượng nhận yêu cầu sẽ muốn giữ bò hơn thực hiện/không thực hiện theo throffer. Bằng những ví dụ như trên, Stevens cho rằng cách phân biệt ba loại can thiệp của Steiner không chính xác.[3]

Stevens cho rằng việc xác định một throffer không dựa trên sự khác biệt giữa mức độ mong muốn làm theo hoặc không làm theo và chuẩn mực, mà là giữa mức độ mong muốn làm theo/không làm khi chịu can thiệp với lúc không nhận yêu cầu.

Ông cho rằng:

  • Nếu P cố gắng khiến Q thực hiện hành vi A bằng cách đồng thời gia tăng mong muốn thực hiện và giảm thiểu mong muốn không thực hiện hành vi A của Q sau khi nhận yêu cầu so với mức độ tương ứng khi không có yêu cầu, thì yêu cầu này là throffer.
  • Một lời đề nghị từ P sẽ khiến Q sẽ muốn thực hiện A hơn so với khi không nhận yêu cầu, nhưng mức độ mong muốn không thực hiện sẽ không thay đổi.
  • Q sẽ ít mong muốn không thực hiện hành vi A hơn, nhưng không thay đổi mong muốn thực hiện nếu bị P đe doạ.[21]
Stevens mô tả cách P thúc đẩy Q thực hiện hành vi A
P đã đưa ra một lời... ...nếu P cho rằng Q cảm thấy...
...việc thực hiện A sau khi bị can thiệp... ...việc không thực hiện A sau khi bị can thiệp...
...đề nghị... ...tích cực hơn. ...vẫn như vậy.
...đe doạ... ...vẫn như vậy. ...tiêu cực hơn.
...throffer... ...tích cực hơn. ...tiêu cực hơn.

Kristjánsson

[sửa | sửa mã nguồn]

Triết gia chính trị Kristján Kristjánsson phân biệt bằng cách giải thích đe doạ là một dạng yêu cầu gây cản trở, còn đề nghị thì không,[22] cũng như chỉ ra điểm khác biệt giữa yêu cầu dự tínhyêu cầu tối hậu – điều mà ông cho rằng các tác giả trước đã bỏ qua:[23]

  • Yêu cầu dự tính là một đề nghị, vì không gây ra bất cứ trở ngại nào cho đối tượng về mặt logic. Ví dụ, "lấy tờ báo kia cho anh, anh sẽ cho em kẹo" là một yêu cầu dự tính, vì theo logic, nếu không chấp thuận yêu cầu này (lấy báo), đối tượng vẫn có thể có kẹo bằng một cách nào đó khác. Tức là, nếu đối tượng lấy báo, thì sẽ được thưởng kẹo.[24]
  • Ngược lại, yêu cầu tối hậu sẽ có dạng "em có kẹo khi và chỉ khi em lấy tờ báo kia cho anh". Đối tượng sẽ chỉ có kẹo sau khi đáp ứng điều kiện cần và đủ: lấy báo. Theo Kristjánsson, yêu cầu tối hậu chính là throffer: có nửa đề nghị lấy báo ("khi") và nửa đe doạ rằng đối tượng sẽ chỉ có thể có kẹo nếu chấp thuận đề nghị ("chỉ khi"). Vậy là, theo nghĩa đen, giữa đối tượng và kẹo, một vật cản đã hình thành.[22]

Nhiều tác giả trước đó[c] đã phân tích tính đạo đức và thống kê nhiều yêu cầu trong các thí nghiệm tưởng tượng khác nhau để phân loại đe doạ hoặc đề nghị. Theo Kristjánsson, mọi thí nghiệm trên đều là throffer. Ông lập luận rằng lối phân tích của họ có mục đích phân biệt những đề nghị có tính hạn chế tự do với số còn lại. Họ kết hợp hai hướng: phân biệt đe doạ với đề nghị, và đe doạ hạn chế tự do với không hạn chế.[25] Từ đó, ông kết luận: phương pháp này cũng không phù hợp để xác định điểm khác biệt giữa đe doạ hạn chế tự do và không hạn chế, bởi sẽ cần kiểm tra cả trách nhiệm về đạo đức.[26]

Nhà triết học chính trị và lý thuyết pháp lý Michael R. Rhodes mô tả đề nghị, đe doạ và throffer dựa trên cách đối tượng nhận thức yêu cầu (và nhận thức về người đưa ra yêu cầu đó,[27] nếu yêu cầu không tự nhiên hình thành[10]) Ông nêu ra 7 cơ chế động lực mong muốn khác nhau, hay 7 lý do khiến chủ thể P mong muốn thực hiện những hành vi dẫn đến hệ quả B:

  1. W1 (mong muốn đạt được nội tại): "P mong muốn hệ quả B đáng mong muốn; P gần như tuyệt đối chấp thuận B; P coi B, và tự B, có giá trị."
  2. W2 (mong muốn đạt được ngoại vi): "P coi B là phương tiện để đạt được E (mong muốn đạt được nội tại)."
  3. W3 (mong muốn đạt được tổng hợp): "B là hệ quả của mong muốn đạt được nội tại kết hợp với mong muốn đạt được ngoại vi: B = W1 + W2".
  4. W4 (mong muốn tránh khỏi ngoại vi): "P coi B là phương tiện để tránh khỏi F (P gần như không chấp thuận F: F khiến P sợ, hoặc F đe doạ P)."
  5. W5 (mong muốn phức hợp loại A): "B = W1 + W4".
  6. W6 (mong muốn phức hợp loại B): "B = W2 + W4".
  7. W7 (mong muốn phức hợp loại C): "B = W3 + W4".[28]

Những đề nghị sẽ thúc đẩy P thực hiện hành vi bằng nguyên do W1, W2 hoặc W3, còn các đe doạ là W4.[10] Ông cũng lưu ý rằng đề nghị và đe doạ không hoàn toàn đối nghịch nhau: đề nghị chỉ cần thái độ chấp thuận nhẹ, nhưng để trở thành đe doạ, yêu cầu cần phải khiến đối tượng phản kháng mạnh mẽ, đủ để kích động "nhận thức được sự đe doạ và các cảm giác sợ hãi tương quan".[29] Rhodes coi throffer là những yêu cầu thúc đẩy P thực hiện hành vi bằng W5, W6 hoặc W7,[30] nhưng cũng ghi chú thêm rằng cái tên này không được sử dụng phổ biến.[10]

Rhodes cho rằng throffer không đơn thuần là một yêu cầu hai chiều. Ví dụ, nếu Q tống tiền P $10.000 để "giữ miệng", thì yêu cầu hai chiều của Q (P có thể chọn trả hoặc không; mỗi hành vi dẫn đến một hệ quả khác nhau) không phải là throffer, bởi lẽ P chắc chắn không hề mong muốn lựa chọn trả tiền cho Q, dù Q có yêu cầu hay không.[31] Việc P trả tiền cho Q sẽ không dẫn đến sự thoả mãn sinh ra từ hoàn thành mong muốn đạt được – điều kiện cần để một yêu cầu trở thành "đề nghị", theo cách phân biệt của Rhodes.[32] Quy tắc trên có một ngoại lệ: khi ai đó đề nghị giúp đỡ người khác đối phó với mối đe doạ nền (mối đe doạ không có trong yêu cầu).[33] Ngoài nửa thứ nhất đe doạ hoặc đề nghị, các yêu cầu hai chiều cũng có thể có một đề xuất trung tính, và do đó không phải là yếu tố gây cản trở.[32] Khả năng người nhận yêu cầu không thực hiện hành vi nhất thiết phải ở mức trung tính.[34] Throffer là dạng đề xuất hai chiều có cả nửa đe doạ và nửa đề nghị, tương phản với các dạng đe doạ-trung tính hoặc đề nghị-trung tính. Việc xác định nguyên nhân (nửa đe doạ hay đề nghị) khiến đối tượng throffer thực hiện hành vi thường là rất khó, hoặc gần như không thể.[35]

Throffer và cưỡng chế

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc tìm hiểu và định nghĩa các dạng throffer là một phần của những nghi vấn bao quát hơn về tính cưỡng chế, đặc biệt là khả năng của những đề nghị cưỡng chế.[36] Rất khó xác định được liệu throffer có cưỡng chế hay không, và nếu có thì đến mức nào.[37] Theo định nghĩa từ xưa, chỉ đe doạ mới có tính cưỡng chế, còn đề nghị thì không; tuy nhiên, ý niệm về throffer đã đặt lên định nghĩa này một dấu hỏi lớn.[36][38] Như Steiner đã nói, nửa đe doạ của throffer không nhất thiết phải thể hiện rõ ràng, và do đó, có thể có hình thức đề nghị, nhưng đồng thời lại ngầm đe doạ đối tượng.[39] Triết gia John Kleinig cho rằng throffer là một ví dụ cho những đề nghị đơn thuần có tính cưỡng chế. Đề nghị cưỡng chế cũng có thể xuất hiện khi hoàn cảnh diễn ra đề nghị đó vốn đã không thể chấp nhận được, như khi một chủ xưởng lấy lý do môi trường kinh tế đi xuống để đề nghị trả lương thấp cho nhân viên.[40] Theo Jonathan Riley, nghĩa vụ của một xã hội tự do là bảo vệ công dân khỏi ép buộc từ bất kỳ nguồn nào, dù là đề nghị, đe doạ, hay throffer. Ông viết: "Nếu ai đó [...] cố tình từ chối quyền lợi của một người, thì xã hội tự do có nghĩa vụ ngăn chặn bằng cách thực hiện những biện pháp cần thiết, kể cả áp dụng pháp luật. Bất kỳ ai có hành vi sử dụng quyền lực nhằm đi ngược lại quyền lợi hợp pháp của cá nhân hoặc tập thể có liên quan sẽ "can thiệp" không chính đáng vào tính tự do trong những vấn đề riêng tư tuyệt đối."[41]

Ian Hunt đồng tình với ý kiến cho rằng các đề nghị có thể có tính cưỡng chế: ông khẳng định bất kỳ dạng can thiệp nào cũng có thể cưỡng chế "nếu có ảnh hưởng khắc phục được về mặt xã hội lên những hành động hạn chế sự tự do tổng thể của một đối tượng". Ông cũng chấp nhận bị phản đối, vì một số đề nghị dù cưỡng chế vẫn có thể mở rộng tự do cho đối tượng, chẳng hạn như thí nghiệm tưởng tượng triệu phú dâm đãng.[d] Theo Joel Feinberg, đề nghị của tay nhà giàu có tính cưỡng chế, nhưng đồng thời cũng cho bà mẹ thêm lựa chọn, tức là gia tăng sự tự do cho bà.[42] Hunt cho rằng Feinberg đã "bỏ qua thực tế là đề nghị đó tăng thêm một lựa chọn (cứu con) bằng điều kiện giảm đi một lựa chọn khác (phải trở thành tình nhân)"; ông nghĩ người mẹ không hề tự do hơn: "Dù rõ ràng là bà ấy có nhiều khả năng đáp ứng nghĩa vụ làm mẹ hơn (tức là tự do hơn), khả năng được thoả mãn nhu cầu tình dục cũng giảm đi, rõ ràng không kém."[43] Theo ông, bất kỳ đề nghị cưỡng chế nào (dù là đề nghị, đe doạ hay throffer) đều đồng thời gia tăng và hạn chế sự tự do của đối tượng.[43] Ngược lại, Kristjánsson lập luận rằng cách Feinberg mô tả "đề nghị cưỡng chế" không hoàn chỉnh, bởi chúng không phải đề nghị, mà là throffer.[22]

Peter WestenHerbert Hart cho rằng không phải lúc nào throffer cũng có tính cưỡng chế, và nếu có, thì là do nửa đe doạ của nó đáp ứng ba điều kiện:

  1. Chủ thể "phải chủ định đe doạ X để ép X thực hiện hành vi Z1";
  2. Chủ thể phải biết "X không muốn thực hiện, và cũng không muốn bị ép thực hiện" Z1;
  3. Nửa đe doạ của throffer phải khiến "X cảm thấy thực hiện Z1 là lựa chọn khả dĩ nhất".[44]

Từ đó, hai tác gia trên cho rằng có thể có các throffer không cưỡng chế. Họ nêu ra ba ví dụ:

  • Khi nửa đe doạ chỉ có tính chất đùa vui;
  • Khi đề nghị thu hút đối tượng đến mức nửa đe doạ không có ảnh hưởng gì đến quyết định;
  • Khi đối tượng nhầm tưởng nửa đe doạ không quan trọng vì đề nghị quá hấp dẫn.[45]

Kết luận của Rhodes cũng tương tự: nếu một throffer có tính cưỡng chế, thì nguyên do là nửa đe doạ.[45] Theo ông, điều quan trọng nhất là "liệu đối tượng có coi nửa đe doạ của throffer là điều kiện cần và đủ để thực hiện hành vi hay không".[46] Ông lập luận rằng nếu chỉ cần nửa đề nghị là đủ để khiến đối tượng chấp thuận, thì yêu cầu đó không cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu cả hai nửa đề nghị và đe doạ đều là yếu tố xúc tiến đối tượng thực hiện hành vi, thì rất khó xác định đối tượng đó có bị ép buộc hay không. Rhodes cho rằng việc phân biệt giữa "cưỡng chế toàn phần" và "cưỡng chế một phần" sẽ là lời giải cho câu hỏi này,[47] và trong những trường hợp như vậy, sự khác biệt chỉ là mức độ.[44]

Các ví dụ thực tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Throffer được ứng dụng thực tiễn trong các nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, và cả những môi trường phi học thuật, chẳng hạn như ngành cảnh sát và toà án ở Anh.[48]

Phúc lợi lao động

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý thuyết throffer được áp dụng thực tế trong viện trợ có điều kiện, ví dụ như hệ thống phúc lợi lao động. Theo nhà triết học và lý luận chính trị Gertrude Ezorsky, việc từ chối cung cấp phúc lợi cho những đối tượng không chịu lao động là ví dụ throffer hoàn hảo nhất.[49] Triết gia chính trị Robert Goodin cũng có quan điểm tương tự: ông coi phúc lợi có điều kiện là một loại throffer.[50] Daniel Shapiro, một triết gia chính trị khác, cho rằng nửa đề nghị của phúc lợi lao động nằm ở "lợi ích đạt được nếu chấp nhận học thêm kỹ năng, kiếm việc làm, ngừng phá hoại và những điều tương tự", còn nửa đe doạ thì ở "việc cắt giảm hoặc từ chối chi trả phúc lợi nếu đối tượng không chấp nhận đề nghị sau một khoảng thời gian".[37] Goodin nghĩ mức độ hấp dẫn của nửa đề nghị sẽ giảm bớt vấn đề đạo đức ở nửa đe doạ. Nhờ vậy, nhưng khi và chỉ khi người nhận phúc lợi có thể sống mà không cần khoản tiền này, và do đó sẽ đưa ra một quyết định đích thực (chấp thuận hoặc từ chối), hệ thống phúc lợi lao động mới trở thành một throffer đúng nghĩa. Nếu buộc phải nhận trợ cấp để sống, người đó sẽ không thực sự có quyền chọn lựa, và theo Goodin, cũng sẽ không thể từ chối throffer. Điều này loại bỏ yếu tố giảm nhẹ về mặt đạo đức thường có trong throffer. Ông dự đoán những người ủng hộ hệ thống phúc lợi sẽ phản ứng kiểu gia trưởng với lập luận trên (trái với ý kiến của họ), bằng cách tuyên bố rằng dù có được tự do lựa chọn hay không, đối tượng vẫn sẽ có lợi nếu chấp thuận đề nghị cung cấp việc làm hoặc giáo dục.[51]

Shapiro phản bác Goodin: ông nghi ngờ giả định các đối tượng sẽ phải chết đói nếu từ chối throffer phúc lợi xã hội. Ông cũng khẳng định:

  • Trong những hệ thống phúc lợi lao động công, đối tượng sẽ chỉ bị cắt hỗ trợ tài chính nếu từ chối throffer;
  • Ngược lại, ở các hệ thống tư (các tổ chức từ thiện hoặc viện trợ có điều kiện thuộc sở hữu tư), ngoài nhóm vận hành hệ thống phúc lợi lao động còn có nhiều nhóm khác tồn tại song song.
  • Trong cả hai loại hệ thống, đối tượng đều có thể nhờ gia đình và/hoặc bạn bè giúp đỡ.

Vì những nguyên do trên, Shapiro không cho rằng đối tượng không thể từ chối throffer như Goodin nghĩ. Lập luận phản bác thứ hai (quan trọng hơn, theo Shapiro) là phúc lợi công không có biện pháp cưỡng chế sẽ không phản ánh được cách những người lao động không phụ thuộc vào phúc lợi tự chịu trách nhiệm cho đời sống cá nhân. Ông cho biết một người lao động thường sẽ thấy tình hình tài chính của mình tồi tệ hơn nếu ngừng làm việc; tuy nhiên, phúc lợi công vô điều kiện lại giúp những lao động đó không rơi vào tình cảnh tiêu cực hơn, và vì vậy, sẽ khiến việc xác định họ có sẵn sàng tự chịu trách nhiệm về đời sống của mình hay không trở nên bất khả thi.[52]

Theo Ivar Lødemel và Heather Trickey, biên tập viên của "'An Offer You Can't Refuse': Workfare in International Perspective" ("'Lời Đề nghị Bạn Không thể Khước từ': Phúc lợi lao động trong Quan điểm Quốc tế"), những chương trình phúc lợi lao động phụ thuộc nhiều vào tính ép buộc sẽ trở thành throffer. Họ dẫn ra một ví dụ cụ thể (mô hình Đan Mạch), và lập luận rằng hệ thống phúc lợi lao động cần phải sử dụng những đề nghị có tính chất ép buộc. Dù bên ngoài, cơ hội việc làm hoặc giáo dục chỉ là đề nghị, nhưng do bị phụ thuộc vào khoản tiền viện trợ, trên thực tế, các đối tượng sẽ không thể từ chối vì không còn lựa chọn nào khác. Khía cạnh ép buộc của đề nghị cho thấy quan điểm của các nhà hoạch định chính sách: cần phải ép buộc một số đối tượng nhận phúc lợi nhất định chấp nhận đề nghị cung cấp việc làm. Chỉ cơ hội làm việc được trả lương hoặc tham gia vào các chương trình lao động không thôi là không đủ để khiến các đối tượng tự nguyện chấp nhận đề nghị. Việc ép buộc giúp họ có thể tái hòa nhập với thị trường lao động, và đôi khi được coi là một dạng "chủ nghĩa gia trưởng kiểu mới".[53] Hai tác giả trên bày tỏ lo ngại về sự ép buộc này, và đưa ra vài lập luận khả thi hoặc áp dụng hiệu quả trên lý thuyết để phản bác nó:

  1. Thứ nhất, tính cưỡng chế ảnh hưởng đến quyền lợi của những người không đồng tình; điều này có thể khiến nó bị phản đối, và tự phản đối chính nó, hoặc sẽ dẫn đến hệ quả không mong muốn.
  2. Thứ hai, lợi ích cần phải vô điều kiện để thực sự tạo thành một mạng lưới an toàn xã hội.
  3. Thứ ba, tính cưỡng chế làm suy yếu phản hồi của các đối tượng, vì vậy, đối với họ, các chương trình dù tốt hay kém cũng đều như nhau;
  4. Thứ tư, việc ép buộc có thể góp phần hình thành xu hướng phản kháng ở các đối tượng.[53]

Tù nhân và sức khỏe tâm thần

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà tâm lý học pháp y Eric Cullen và thống đốc nhà tù Tim Newell cho biết các tù nhân sẽ phải đối mặt với throffer khi được yêu cầu thừa nhận tội lỗi trước khi nhận đề nghị đặc xá[54] hoặc được chuyển đến một nhà tù mở. Họ trích dẫn một ví dụ: một tù nhân nhận dối tội để được chuyển đến nhà tù mở, nhưng sau đó lại cảm thấy không thể nói dối thêm nữa; hắn thú nhận với thống đốc, và bị chuyển lại về nơi có an ninh cao nhất.[48] Những tội phạm tình dục nhận được throffer đề nghị trả tự do nếu chấp nhận điều trị, và đe doạ nâng mức án nếu từ chối. Cullen và Newell cho rằng việc throffer đặt các tù nhân, kể cả những người vô tội sau kháng cáo, vào tình huống tiến thoái lưỡng nan là rất đáng lo ngại.[55] Nhà tội phạm học David Wilson và Alex Alexandrowicz, một tù nhân oan, đã phân tích vấn đề throffer tội phạm tình dục trong tác phẩm của mình.[56] Wilson nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của những người bị cầm tù oan: phải đối mặt với throffer đề nghị giảm án nếu "chịu thừa nhận tội lỗi". Ông cũng lưu ý rằng vì rất ít khi có ai để tâm đến quan điểm của các tù nhân, nên vấn đề thường sẽ không được chú ý.[57]

Tương tự như trên, những người không phạm tội có vấn đề về sức khoẻ tâm thần cũng có thể cân nhắc chấp thuận throffer điều trị liệu pháp. Trong dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng, những bệnh nhân tâm thần đôi khi sẽ được hỗ trợ dịch vụ xã hội, như về tài chính hoặc nhà ở, nếu chấp nhận thay đổi cách sống và khai báo triệu chứng để cấp phát thuốc. Bác sĩ tâm thần Julio Arboleda-Flórez coi những throffer này là một dạng kỹ thuật xã hội và lo ngại rằng chúng:

…có nhiều ý nghĩa liên quan đến các cơ chế cưỡng chế, từ ngầm cắt giảm sự tự do đến quy kết tính nhạy cảm. Cắt giảm tự do bao gồm đe doạ quyền tự chủ cá nhân, gây nên nỗi sợ viễn cảnh mất tự do, gia tăng mức độ phụ thuộc cũng như sự thiếu tin tưởng vào khả năng tự quản lý kinh doanh để sống, và do đó cũng làm tăng cảm giác bất lực. Sự quy kết tính nhạy cảm thì phủ nhận nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tác, cấu thành và xâm phạm quyền riêng tư, cũng như tác động đến các quyền tích cực của cá nhân.[58]

Kinh doanh

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo nhà nghiên cứu quản lý John J. Clancey, quản lý theo khoa học có thể áp dụng throffer. Dù phương pháp trả lương theo sản phẩm đã được áp dụng từ thời Trung Cổ, nhưng phải đến khi kỹ sư cơ khí Frederick Winslow Taylor kết hợp phương pháp này với quản lý hợp lý, một hệ thống tân tiến hơn mới hình thành. Sau đó, năng suất được tiêu chuẩn hóa, và các quản lý đã có thể throffer nhân viên:

  • Đề nghị: Nếu năng suất làm việc vượt quá tiêu chuẩn, họ sẽ được trả nhiều hơn;
  • Đe doạ: Những người không đủ chỉ tiêu sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn.[59]

Chú thích và tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Đề nghị, đe doạ và throffer là "sự can thiệp (do ai đó gây ra) ảnh hưởng tới quá trình quyết định cá nhân của đối tượng".[1]
  2. ^ Ví dụ này ngụ ý đến câu chuyện "Jack và cây đậu thần", trong đó nhân vật chính là Jack đã theo lời đề nghị và đổi con bò để lấy một nắm đậu thần.
  3. ^ Kristjánsson dẫn lời các triết gia Joel Feinberg, Alan WertheimerRobert Nozick.
  4. ^ Triệu phú dâm đãng là thí nghiệm tưởng tượng nhằm minh hoạ những câu hỏi có tính chất ép buộc của Joel Feinberg. Trong thí nghiệm, tay nhà giàu yêu cầu một bà mẹ trở thành người tình, đổi lại ông ta sẽ trả viện phí cho đứa con đang mắc bệnh nặng của bà. Dù chỉ đưa ra một đề nghị, nhưng ông ta lại có ý định ép buộc người mẹ.

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Steiner 1974–75, tr. 36.
  2. ^ a b Steiner 1974–75, tr. 39.
  3. ^ a b Stevens 1988, tr. 84.
  4. ^ Carter 2011, tr. 667.
  5. ^ Steiner 1974–75, tr. 37–8.
  6. ^ a b Bardhan 2005, tr. 39.
  7. ^ Taylor 1982, tr. 13.
  8. ^ Zimmerling 2005, tr. 63.
  9. ^ Goti 1999, tr. 206.
  10. ^ a b c d Rhodes 2000, tr. 39.
  11. ^ Rhodes 2000, tr. 150.
  12. ^ Alexander 1983.
  13. ^ Zimmerman 1981.
  14. ^ Lyons 1975.
  15. ^ Jones 1999, tr. 11.
  16. ^ Rigby 1991, tr. 72.
  17. ^ Ayto 2010, tr. 56.
  18. ^ Shore 2012, tr. 161.
  19. ^ Steiner 1974–75, tr. 38–9.
  20. ^ Steiner 1974–75, tr. 40–1.
  21. ^ Stevens 1988, tr. 85.
  22. ^ a b c Kristjánsson 1992, tr. 67.
  23. ^ Kristjánsson 1992, tr. 68.
  24. ^ Kristjánsson 1992, tr. 66.
  25. ^ Kristjánsson 1992, tr. 68–9.
  26. ^ Kristjánsson 1992, tr. 69.
  27. ^ Rhodes 2000, tr. 37, 66.
  28. ^ Rhodes 2000, tr. 31.
  29. ^ Rhodes 2000, tr. 37.
  30. ^ Rhodes 2000, tr. 49–55.
  31. ^ Rhodes 2000, tr. 42–3.
  32. ^ a b Rhodes 2000, tr. 44.
  33. ^ Rhodes 2000, tr. 44, 57.
  34. ^ Rhodes 2000, tr. 56.
  35. ^ Rhodes 2000, tr. 63–4.
  36. ^ a b Anderson 2011.
  37. ^ a b Shapiro 2007, tr. 217.
  38. ^ Kleinig 2009, tr. 15.
  39. ^ Burnell 2008, tr. 423.
  40. ^ Kleinig 2009, tr. 15–6.
  41. ^ Riley 1989, tr. 133.
  42. ^ Hunt 2001, tr. 141–2.
  43. ^ a b Hunt 2001, tr. 142.
  44. ^ a b Rhodes 2000, tr. 100.
  45. ^ a b Hart & Westen 1985, tr. 582.
  46. ^ Rhodes 2000, tr. 99.
  47. ^ Rhodes 2000, tr. 69.
  48. ^ a b Cullen & Newell 1999, tr. 63.
  49. ^ Ezorsky 2011, tr. 36–7.
  50. ^ Goodin 1998, tr. 180.
  51. ^ Goodin 1998, tr. 181–3.
  52. ^ Shapiro 2007, tr. 217–8.
  53. ^ a b Lødemel & Trickey 2001, tr. 7–8.
  54. ^ Cullen & Newell 1999, tr. 55.
  55. ^ Cullen & Newell 1999, tr. 65–6.
  56. ^ Alexandrowicz & Wilson 1999, tr. 144–5.
  57. ^ Wilson 2001.
  58. ^ Arboleda-Flórez 2011, tr. 90.
  59. ^ Clancey 1998, tr. 145.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]