Bước tới nội dung

Tiếng Navajo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tiếng Navajo
Diné bizaad
Sử dụng tạiHoa Kỳ
Khu vựcArizona, New Mexico, Utah, Colorado
Tổng số người nói170.000
Dân tộc266.000 người Navajo (2007)[1]
Phân loạiDené–Enisei?
Mã ngôn ngữ
ISO 639-1nv
ISO 639-2nav
ISO 639-3nav
Glottolognava1243[2]
Xứ Navajo, nơi ngôn ngữ này được nói
ELPDiné Bizaad (Navajo)
Bài viết này có chứa ký tự ngữ âm IPA. Nếu không thích hợp hỗ trợ dựng hình, bạn có thể sẽ nhìn thấy dấu chấm hỏi, hộp, hoặc ký hiệu khác thay vì kí tự Unicode. Để biết hướng dẫn giới thiệu về các ký hiệu IPA, xem Trợ giúp:IPA.

Tiếng Navajo hay tiếng Navaho (Diné bizaad [tìnépìz̥ɑ̀ːt] hay Naabeehó bizaad [nɑ̀ːpèːhópìz̥ɑ̀ːt]) là một ngôn ngữ Athabaska Nam trong hệ ngôn ngữ Na-Dené. Nó có liên quan đến một số ngôn ngữ bản địa được nói dọc vùng phía tây Bắc Mỹ. Tiếng Navajo được nói chủ yếu ở Tây Nam Hoa Kỳ, đặc biệt ở khu vực Xứ Navajo. Đây là một trong số các ngôn ngữ bản địa Hoa Kỳ phổ biến nhất và được dùng nhiều ở phía bắc biên giới Mexico–Hoa Kỳ, với gần 170.000 người Mỹ nói tiếng Navajo tại nhà (2011). Thứ tiếng này đang cần một lượng người nói ổn định, dù vấn đề này đã được giảm bớt ở chừng mực nào đó nhờ hệ thống giáo dục rộng rãi tại Xứ Navajo.

Tiếng Navajo có hệ thống âm vị tương đối lớn; gồm nhiều phụ âm ít gặp, không tồn tại trong tiếng Anh. Bốn nguyên âm cơ bản phân biệt về cả tính mũi, độ dài, và thanh. Hệ chữ viết của nó, được phát triển vào thập niên 1930 sau một loạt những nỗ lực bất thành, dựa trên bảng chữ cái Latinh. Đa phần từ vựng Navajo có nguồn gốc Athabaska, vì từ lâu ngôn ngữ này đã ít tiếp nhận từ mượn.

Cấu trúc câu căn bản là chủ–tân–động (subject–object–verb), dù nó rất linh hoạt trong giao tiếp thực tiễn. Tiếng Navajo có cả những yếu tố của ngôn ngữ chắp dínhngôn ngữ hoà kết: nó phụ thuộc vào những phụ tố để biến đổi động từ, và danh từ thường được tạo ra từ nhiều hình vị (morpheme) khác nhau, nhưng trong cả hai trường hợp, hình vị được kết hợp một cách không đồng đều và khá khó nhận ra. Động từ được chia theo thểthức.

Trong Thế chiến thứ hai, chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng người nói tiếng Navajo để truyền thông tin quân sự bí mật qua điện thoại và radio bằng một mật mã dựa theo ngôn ngữ này. Tiếng Navajo được xem là lý tưởng vì nó có ngữ pháp rất khác tiếng Đứctiếng Nhật, và vì vào thời đó không có từ điển Navajo nào được xuất bản.[3]

Từ Navajotừ ngoại lai (exonym): nó xuất phát từ tiếng Tewa Navahu, kết hợp giữa hai gốc từ nava ("cánh đồng") và hu ("thung lũng") thành "cánh đồng lớn". Nó được tiếng Tây Ban Nha vay mượn để chỉ vùng tây bắc New Mexico ngày nay, và sau đó được tiếng Anh mượn để chỉ người Navajo và ngôn ngữ của họ.[4] Cách viết thay thế Navaho hiện bị xem là lỗi thời. Người Navajo tự gọi mình là Diné ("Con người"), và ngôn ngữ của họ là Diné bizaad ("Ngôn ngữ của Con người").[5]

Tiếng Navajo có số phụ âm tương đối lớn. Các phụ âm tắc có ba dạng: bật hơi, không bật hơi, và tống ra – ví dụ, /tʃʰ/, //, và /tʃʼ/ (tất cả đều tương tự "ch" trong tiếng Anh).[6] Tiếng Navajo cũng có một âm tắc thanh hầu đơn giản xuất hiện sau nguyên âm.[7]

Ngôn ngữ này có bốn "loại" nguyên âm: /a/, /e/, /i/, và /o/.[8] Mỗi "loại" có dạng miệng hóa và mũi hóa, và có thể dài hoặc ngắn.[9] Tiếng Navajo cũng phân biệt giữa thanh thấp và cao, thanh thấp thường được xem như "không có". Nhìn chung, tiếng Navajo có tốc độ nói chậm hơn tiếng Anh.[7]

Phụ âm
Đôi môi Chân răng Vòm-
chân răng
Vòm Vòm mềm Thanh hầu
thường cạnh tác xát thường môi hóa thường môi hóa
Ồn Tắc không bật hơi p t ts k ʔ
bật hơi tɬʰ tsʰ tʃʰ (kʷʰ)
phụt tɬʼ tsʼ tʃʼ
Xát căng ɬ s ʃ x () (h) ()
lơi l z ʒ ɣ (ɣʷ)
Vang Mũi thường m n
thanh hầu hóa () ()
Tiếp cận thường j (w)
thanh hầu hóa () ()
Nguyên âm
Trước Sau
miệng mũi miệng mũi
Cao i ~ ɪ ĩ
Trung e o õ
Thấp ɑ ɑ̃

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Navajo là một ngôn ngữ Athabaska; cùng với những ngôn ngữ Apache, nó tạo thành nhánh phía nam của nhóm ngôn ngữ Athabaska. Đa phần những ngôn ngữ Athabaska khác hiện diện tại Alaska hoặc dọc theo bờ biển Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ.

Đa số ngôn ngữ Athabaska có thanh điệu. Tuy nhiên, đặc điểm này phát triển không phụ thuộc lẫn nhau theo từng phân nhóm; ngôn ngữ Tiền Athabaska không có thanh điệu.[10]

Tiếng Navajo có quan hệ gần gũi nhất với tiếng Tây Apache, cả hai có hệ thống thanh điệu tương tự nhau[11] và chung hơn 92% lượng từ vựng. Ngôn ngữ gần thứ hai với tiếng Navajo là tiếng Mescalero-Chiricahua, cũng là một thành viên của nhóm ngôn ngữ Tây Apache.[12] Người nói Navajo thường có thể thông hiểu người nói ngôn ngữ Apache khác.[13]

Ngữ pháp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tiếng Navajo khó phân loại về mặt loại hình ngôn ngữ: nó phụ thuộc nhiều vào phụ tố—chủ yếu là tiền tố—như các ngôn ngữ chắp dính,[14] nhưng những phụ tố này lại được xếp đặt một cách chồng chéo, khó đoán trước khiến chúng khó khăn trong phân tích, đây là một nét của ngôn ngữ hoà kết.[15] Nói chung, động từ tiếng Navajo chứa nhiều hình vị hơn danh từ (trung bình, 11 đối với động từ và 4–5 với danh từ), nhưng hình vị trong danh từ lại ít dễ nhận biết hơn.[16] Tiếng Navajo do vậy có thể được phân loại là ngôn ngữ hoà kết,[15][17] ngôn ngữ chắp dính hay thậm chí ngôn ngữ hỗn nhập.[18][19]

Về cấu trúc cơ bản, Navajo được xem là ngôn ngữ chủ-tân-động.[20][21] Tuy nhiều, người nói có thể xếp chủ ngữ và tân ngữ dựa trên "cấp danh từ". Trong hệ thống này, danh từ được chia thành ba cấp—con người, động vật, và vật thể vô tri—và trong các cấp, danh từ lại được phân theo chiều dài, kích thước, và trí thông minh. Chủ ngữ hoặc tân ngữ nào có cấp cao hơn thì đứng trước.[22] Eloise Jelinek xem tiếng Navajo là một ngôn ngữ hình thể giao tiếp, tức cấu trúc câu không dựa vào những quy tắc ngữ pháp, mà được xác định bởi yếu tố thực tiễn trong nội dung giao tiếp.[23]

Động từ

[sửa | sửa mã nguồn]

Động từ là yếu tố chính trong câu, giúp truyền tải một lượng lớn thông tin. Động từ dựa trên một thân từ (stem) tạo nên từ một gốc để diễn tả hành động, và có thêm phụ tố để xác định thứcthể; tuy nhiên, phụ tố thường được kết hợp đến mức không thể tách rời.[24] Gốc từ được thêm vào một tiền tố để dễ xác định hơn.

Tiếng Navajo không có một thì riêng rẽ nào; thay vào đó, vị trí của hành động trong thời gian được xác định nhờ thức và thể. Mỗi động từ có một thức và một thể.[25]

Ở bất kỳ động từ nào, thức usitative và repetitive cũng chia sẻ chung thân từ, thức progressive và future cũng vậy; những thức này được phân biệt bằng tiền tố. Một ví dụ, động từ "chơi" được chia trong các trường hợp thức.

  • Imperfective: – is playing, was playing, will be playing
  • Perfective: neʼ – played, had played, will have played
  • Progressive/future: neeł – is playing, will play, be playing
  • Usitative/repetitive: neeh – usually plays, frequently plays, repetitively plays
  • Optative: neʼ – would play

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ichihashi-Nakayama 2007
  2. ^ Nordhoff, Sebastian; Hammarström, Harald; Forkel, Robert; Haspelmath, Martin biên tập (2013). “Navajo”. Glottolog. Leipzig: Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology.
  3. ^ Fox, Margalit (ngày 5 tháng 6 năm 2014). “Chester Nez, 93, Dies; Navajo Words Washed From Mouth Helped Win War”. The New York Times. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2016.
  4. ^ Harper, Douglas. “Navajo”. Online Etymology Dictionary. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2014.
  5. ^ Minahan 2013, tr. 260
  6. ^ McDonough 2003, tr. 3
  7. ^ a b Kozak 2013, tr. 162
  8. ^ McDonough 2003, tr. 21–22
  9. ^ McDonough 2003, tr. 6–7
  10. ^ Hargus & Rice 2005, tr. 139
  11. ^ Hargus & Rice 2005, tr. 209
  12. ^ Johansen & Ritzker 2007, tr. 334
  13. ^ Koenig 2005, tr. 9
  14. ^ Young & Morgan 1992, tr. 841
  15. ^ a b Mithun 2001, tr. 323
  16. ^ Bowerman & Levinson 2001, tr. 239
  17. ^ Sloane 2001, tr. 442
  18. ^ Johansen & Ritzker 2007, tr. 421
  19. ^ Bowerman & Levinson 2001, tr. 238
  20. ^ “Datapoint Navajo / Order of Subject, Object and Verb”. WALS. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2014.
  21. ^ Tomlin, Russell S. (2014). “Basic Word Order: Functional Principles”. Routledge Library Editions Linguistics B: Grammar: 115.
  22. ^ Young & Morgan 1992, tr. 902–903
  23. ^ Fernald & Platero 2000, tr. 252–287
  24. ^ Eddington, David; Lachler, Jordan. “A Computational Analysis of Navajo Verb Stems” (PDF). Brigham Young University. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2014.
  25. ^ a b c d Young & Morgan 1992, tr. 868
  26. ^ Young & Morgan 1992, tr. 863
  27. ^ Young & Morgan 1992, tr. 864
  28. ^ a b Young & Morgan 1992, tr. 865
  29. ^ a b c Young & Morgan 1992, tr. 866
  30. ^ Young & Morgan 1992, tr. 869
  31. ^ Young & Morgan 1992, tr. 869–870
  32. ^ Young & Morgan 1992, tr. 870
  33. ^ a b Young & Morgan 1992, tr. 871
  34. ^ Young & Morgan 1992, tr. 872
  35. ^ a b c Young & Morgan 1992, tr. 873

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]