Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy
Trang này giải thích một hướng dẫn của Wikipedia tiếng Việt. Đây là tiêu chuẩn đã được chấp thuận mà các thành viên nên cố gắng tuân theo. Vì có thể sẽ tồn tại những ngoại lệ, hãy thực hiện nó một cách có ý thức. Bất kỳ sửa đổi liên quan đến trang nội dung này nên phản ánh sự đồng thuận. Nếu bạn hoài nghi về hướng dẫn nào đó, hãy thảo luận trước tại trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này: Các bài viết cần được dựa trên các nguồn đáng tin cậy, độc lập, đã xuất bản, có uy tín về việc kiểm chứng dữ kiện và tính chính xác. |
Hướng dẫn Wikipedia | |||
---|---|---|---|
Ứng xử | |||
|
|||
Nội dung | |||
Biên tập | |||
|
|||
Văn phong | |||
Xóa | |||
Nội dung dự án | |||
Khác | |||
Wikipedia tiếng Việt là một bách khoa toàn thư trực tuyến mở hoạt động dựa trên nguyên tắc "nói có sách, mách có chứng". Do đó, các bài viết Wikipedia cần được dựa trên các nguồn đáng tin cậy, độc lập, đã xuất bản, cũng như đề cập đầy đủ đến tất cả quan điểm đa số và thiểu số đã được ghi nhận trong các nguồn đó. Nếu không thể tìm thấy nguồn đáng tin cậy nào, Wikipedia không cần có bài viết về chủ đề đó.
Đây là một hướng dẫn về mức độ đáng tin cậy của các loại nguồn khác nhau. Các quy định có liên quan là Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được, Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa công bố cũng như các ràng buộc đối với tiểu sử của người đang sống. Trong trường hợp hướng dẫn này mâu thuẫn với các quy định về nguồn và chú thích nguồn của Wikipedia, quy định sẽ được ưu tiên và các thành viên nên tự tìm cách giải quyết mâu thuẫn.
Nguồn đáng tin cậy là các tài liệu có uy tín đã được xuất bản với một quy trình xuất bản đáng tin cậy; các tác giả nói chung là được coi là đáng tin tưởng hoặc có uy tín về chủ đề đang nói tới. Một nguồn đáng tin cậy đến đâu còn phụ thuộc ngữ cảnh. Quy tắc chung là: càng có nhiều người tham gia kiểm tra dữ kiện, phân tích các vấn đề pháp lý và xem xét bài viết thì ấn phẩm đó càng đáng tin cậy. Nguồn cần trực tiếp hỗ trợ thông tin được trình bày trong bài và cần tương ứng với các khẳng định được đưa ra trong bài.
Tổng quan
Bài viết trên Wikipedia cần dựa vào các nguồn đã xuất bản, độc lập, đáng tin cậy, có uy tín về độ chính xác cũng như uy tín trong việc xác minh dữ kiện. Các thành viên Wikipedia chỉ được phép thuật lại quan điểm của tác giả đáng tin cậy, không phải quan điểm cá nhân. Dưới đây là ví dụ về một số dạng nguồn đáng tin cậy và các vấn đề về độ tin cậy của nguồn, không phải danh sách đầy đủ. Việc chọn nguồn như thế nào cho đúng luôn phụ thuộc vào ngữ cảnh. Đương nhiên kinh nghiệm (common sense) và phán đoán của biên tập viên cũng là một phần không thể thiếu.
Định nghĩa nguồn
Khi dẫn nguồn trên Wikipedia, từ "nguồn" có ba nghĩa:
- Bản thân tác phẩm (bài báo, cuốn sách)
- Tác giả của tác phẩm (nhà văn, nhà báo)
- Nhà xuất bản của tác phẩm (ví dụ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Yếu tố nào ở trên cũng có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của nguồn. Nguồn đáng tin cậy có thể là tài liệu đã xuất bản qua một quy trình xuất bản uy tín, tác giả được coi là người có thẩm quyền trong lĩnh vực đó, hoặc cả hai. Và các tiêu chí này nên hợp lý.
Định nghĩa xuất bản
Thuật ngữ "xuất bản" thường dùng để chỉ tài liệu, văn bản dạng in giấy truyền thống hay trực tuyến. Tập tin âm thanh, video, sản phẩm đa phương tiện được ghi lại rồi được một bên uy tín phát sóng, phát tán hoặc lưu trữ cũng có thể được coi là nguồn đáng tin cậy. Các sản phẩm truyền thông này phải được một nguồn đáng tin cậy tạo ra rồi được dẫn nguồn đúng cách trong bài và phải tồn tại một bản sao lưu trữ của sản phẩm đó. Bản sao lưu trữ đó không nhất thiết phải truy cập được qua Internet.
Ngữ cảnh
Độ tin cậy của nguồn cũng phụ thuộc vào ngữ cảnh. Phải xem xét cẩn thận mỗi nguồn để đánh giá xem nguồn đó có đáng tin cậy và là nguồn dẫn thích hợp cho nội dung đó hay không. Thường thì càng nhiều người tham gia xác minh dữ kiện, phân tích vấn đề pháp lý và soi xét cách hành văn thì ấn phẩm đó sẽ càng đáng tin cậy. Các nguồn phải trực tiếp hỗ trợ cho thông tin theo đúng cách thông tin được trình bày trong bài.
Thời gian
Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và học thuật, các nguồn từ xưa có thể không còn chính xác vì người ta khám phá ra cái mới, nghĩ ra giả thuyết mới hoặc thay từ vựng. Trong chính trị và thời trang, điều luật mới hoặc xu hướng mới sẽ khiến nhiều thông tin cũ hết giá trị. Nhớ kiểm tra các nguồn cũ mà chưa được thay thế, đặc biệt khi lĩnh vực đó xuất hiện khám phá mới hoặc có các bước tiến phát triển mới trong vài năm qua. Trong y học thì thường ưu tiên các nguồn mới.
Nguồn quá mới không thể dùng trong bài viết Wikipedia bao gồm bản tin nóng (các bản thuật lại sau này sẽ chính xác và bao quát hơn), nguồn sơ cấp nhằm hạ bệ một đồng thuận đã được chấp nhận từ lâu trong cộng đồng hoặc nhằm giới thiệu một khám phá mới (nhưng ví dụ như nghiên cứu đang muốn tái thiết lại khám phá đó, hoặc bài đánh giá các phương pháp dùng trong khám phá đó là các nguồn dùng được).
Với sự kiện lịch sử, bản tường trình và báo cáo từ xưa (gần với lúc sự kiện xảy ra nhưng không quá gần như tin nóng) thì mang nội dung chi tiết, cũng chưa bị sao chép và tóm tắt lại qua nhiều lần như các bản thuật lại sau này. Nhưng nguồn thứ cấp và nguồn hạng ba sau này thì sẽ tổng hợp được nhiều dữ kiện từ các nguồn sơ cấp khác nhau, hòa giải được mâu thuẫn trước đó, áp dụng kiến thức hiện đại để giải thích mọi thứ một cách chính xác mà lúc trước chưa làm được, cũng như giữ thái độ trung lập hơn do nguồn xưa có thể được viết ngay tại thời điểm mâu thuẫn hoặc gần với thời điểm xảy ra mâu thuẫn.
Dù mới hay cũ thì nguồn nào cũng có thể bị chủ nghĩa gần đây ảnh hưởng. Khi đó, cần biên tập cẩn thận để bài viết bách khoa được cân bằng.
Loại nguồn
Hàn lâm học thuật
- Cố gắng dựa vào càng nhiều nguồn thứ cấp càng tốt. Ví dụ, báo cáo khoa học đánh giá một công trình nghiên cứu, bài phê bình, đánh giá, tài liệu chuyên khảo, sách giáo khoa đại học. Các nguồn này đều tốt hơn công trình nghiên cứu sơ cấp. Khi sử dụng nguồn sơ cấp, phải hết sức cẩn thận: người viết không nên tự suy luận nội dung từ nguồn sơ cấp. Xem Wikipedia:Không đăng nghiên cứu chưa được công bố và Wikipedia:Thái độ trung lập.
- Bài báo, sách, tài liệu chuyên khảo hoặc công trình nghiên cứu đã được các học giả thẩm định được coi là đáng tin cậy. Các tài liệu này có thể được xuất bản bởi các nguồn đã qua thẩm định có uy tín hoặc bởi nhà xuất bản hàn lâm có uy tín.
- Có thể dùng luận án tốt nghiệp tiến sỹ hoặc các bài luận viết trong chương trình học vị tiến sỹ nhưng nên cẩn trọng vì đây thường là nguồn sơ cấp (có thể mượn từ thư viện hoặc lấy ở ProQuest). Nhiều bài luận đã qua thẩm định, nhưng nhiều bài luận khác thì chưa. Tốt nhất nên dùng các bài luận đã được sách vở lấy làm nguồn, được chuyên gia có chuyên môn giám sát hoặc đã được các bên độc lập đánh giá. Luận án đang viết chưa qua thẩm định thì không được coi là "đã xuất bản" nên không phải là nguồn đáng tin cậy. Nếu sau này luận án được xuất bản thành tài liệu chuyên khảo hàn lâm hoặc bài báo trên tạp chí hàn lâm đã được người trong ngành bình duyệt thì đây sẽ là nguồn mạnh hơn các luận án vừa công bố. Các bài luận viết trong chương trình học thạc sỹ và luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chỉ đáng tin cậy khi đã được chứng minh là có mức độ ảnh hưởng đáng kể trong giới hàn lâm.
- Tài liệu càng được bàn tới nhiều trong giới hàn lâm chính thống thì càng uy tín. Với tài liệu tiếng Anh, có thể kiểm tra số lần tài liệu đó đã được dẫn làm nguồn trong các công trình khoa học bằng chỉ số dẫn nguồn (citation index) hoặc các danh sách như Directory of Open Access Journals (Thư mục tập san truy cập mở). Bài báo khoa học nào nằm ngoài các cơ sở dữ liệu có thể không được bàn tới nhiều trong giới hàn lâm chính thống. Còn việc có thể sử dụng các bài báo đó làm nguồn cho bài bách khoa hay không tùy thuộc vào ngữ cảnh.
- Các nghiên cứu biệt lập thường được coi là mang tính tạm thời. Kết quả nghiên cứu có thể trở nên hết giá trị khi sau này xuất hiện các nghiên cứu mới hơn. Không nên dùng nguồn sơ cấp nếu có tồn tại nguồn thứ cấp cũng viết về nội dung đó. Độ khả tín của một nghiên cứu đơn (single study) phụ thuộc vào lĩnh vực. Tránh nhấn mạnh thiên về một bên khi sử dụng nghiên cứu đơn trong các lĩnh vực đó. Nghiên cứu thuộc các lĩnh vực phức tạp và trừu tượng (chẳng hạn như y học) thường ít mang tính chắc chắn hơn và nên tránh. Ưu tiên dùng các nguồn thứ cấp như phân tích tổng hợp, sách giáo khoa đại học và các bài phê bình hàn lâm.
Cơ quan thông tấn báo chí
- Có thể dùng tài liệu từ các cơ quan thông tấn báo chí chính thống. Các nguồn báo chí thường chứa cả dữ kiện và quan điểm, cần rất cẩn thận để phân biệt giữa hai điều này. Các nội dung quan điểm chỉ đáng tin cậy cho các khẳng định về quan điểm của tác giả, không phải cho các khẳng định về dữ kiện. Tin tức từ các hãng tin có uy tín thường được coi là đáng tin cậy cho các khẳng định dữ kiện (dù thỉnh thoảng có thể tồn tại sai sót), chẳng hạn như The Washington Post của Mỹ, The Times của Anh. Tin tức từ các outlet ít nổi hơn thì độ khả tín cũng kém hơn. Nhiều tờ báo cũng in lại tin tức từ các hãng thông tấn xã mà có thể chịu trách nhiệm cho độ chính xác như Reuters, Interfax, Agence France-Presse, United Press International và hãng tin Associated Press. Trong trường hợp đó nên ghi nhận cả thông tấn xã lẫn tên tờ báo trong chú thích nguồn gốc.
- Khi đưa quan điểm cá nhân vào bài bách khoa, ghi rõ danh tính tác giả sẽ giúp xác định độ khả tín của thông tin đó. Quan điểm của chuyên gia và người có chuyên môn, thẩm quyền sẽ đáng tin cậy hơn, cũng như có thể được dùng làm nguồn khi cần phải phản ánh một quan điểm có tầm quan trọng.[a] Nếu tuyên bố đó không phải do cơ quan có thẩm quyền đưa ra, cần ghi thẳng tên tác giả thật rõ ràng ngay trong bài và đừng trình bày như thể đó là một dữ kiện thật đã xảy ra. Bài phê bình sách, phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật... có thể là quan điểm, bản tóm tắt hoặc bài nghiên cứu hàn lâm.
- Với các chủ đề hàn lâm học thuật, nguồn hàn lâm học thuật hoặc mạnh tương tự như hàn lâm sẽ tốt hơn nguồn báo chí.
- Việc tường thuật tin đồn ít có giá trị bách khoa, nhưng trong vài trường hợp thì có thể chấp nhận thông tin kiểm chứng được mà thuật về tin đồn đó (thường chỉ dành cho các tin đồn nổi trội). Wikipedia không phải là nơi để đăng tải các chuyện phiếm, chuyện mách lẻo, hóng hớt, chuyện bàn tán, tin đồn.
- Không dẫn nguồn các bài báo đã dùng chính Wikipedia làm nguồn.
- Khi bổ sung các nội dung gây tranh cãi về tiểu sử người đang sống từ các cơ quan báo chí, chỉ nên sử dụng nội dung từ những cơ quan báo chí chất lượng cao.
Nguồn thương mại điện tử
Quy định về liên kết ngoài của Wikipedia nghiêm cấm việc dẫn link đến các trang web bán hàng. Nhưng ví dụ, trong trường hợp chủ thể bài viết là một cuốn sách hay một album nhạc thì biên tập viên được phép dẫn nguồn bằng trang thương mại điện tử của một trang web bán sách hoặc trang web stream nhạc trực tuyến, mục đích là để xác minh sự tồn tại, nhan đề của chủ thể đó cũng như thời lượng các bài nhạc hay tổng số trang sách. Nếu được, nên thay các nguồn thương mại điện tử bằng những nguồn mạnh hơn, trung lập hơn, chẳng hạn như nguồn báo chí hoặc hàn lâm.
Tránh đưa danh sách xếp hạng cũng như thứ tự xếp hạng của trang web bán hàng (ví dụ danh sách mặt hàng bán chạy nhất trên Amazon) vào bài viết Wikipedia vì:
- Dữ kiện, số liệu trong nguồn sẽ không cố định theo thời gian.
- Nếu không có một bên thứ ba xác nhận tính thích đáng của bảng xếp hạng này, chỉ có chính trang web bán hàng đó thì đây là nguồn tự xuất bản và thứ tự xếp hạng này không có đủ sức nặng để được nằm trong một bài viết bách khoa.
Nguồn chứa quan điểm chủ quan
Bài viết bách khoa trên Wikipedia phải giữ thái độ trung lập, nhưng nguồn thì không nhất thiết. Có thể dùng nguồn thiên vị để trình bày các quan điểm khác nhau về cùng một chủ thể. Ta thường thấy nguồn chứa quan điểm chủ quan trong các lĩnh vực chính trị, tài chính, tôn giáo, triết học hoặc tín ngưỡng. Có thể dùng loại nguồn này trong các ngữ cảnh phù hợp. Biên tập viên phải xem coi nguồn có uy tín không (ví dụ, có ban biên tập phê duyệt nội dung không, có uy tín trong việc xác minh dữ kiện không, có liên hệ quá mật thiết đến chủ thể trong bài hay không). Khi dùng, nên đề tên nguồn hay đề tên tác giả ngay trong câu văn, ví dụ "viết cho báo The Washington Post, cây bút A cho rằng..." hoặc "nhà phê bình Roger Ebert nhận xét...".
Nguồn đáng nghi
- Nguồn đáng nghi là nguồn có tiếng xấu trong việc xác minh dữ kiện hoặc không có ban biên tập. Đó thường là trang web hoặc ấn phẩm có tiếng là có quan điểm cực đoan, mang tính quảng cáo, tuyên truyền, hoặc viết bài dựa trên các tin đồn, tin giả cũng như quan điểm cá nhân. Không nên dẫn loại nguồn này cho các tuyên bố gây tranh cãi về các bên thứ ba (bao gồm tuyên bố chống lại các tổ chức, người đang sống hoặc đã qua đời, cũng như các thực thể mập mờ). Chỉ được phép sử dụng loại nguồn này một cách rất hạn chế.
- Wikipedia thường không chấp nhận nguồn chứa nội dung được tài trợ, vì nội dung này được nhà tài trợ trả tiền và thường không thông qua một quy trình xét duyệt truyền thống. Các ấn phẩm uy tín sẽ ghi chú rõ trong ấn phẩm của mình bài viết nào được tài trợ còn bài viết nào thì không. Nguồn nào không phân định rạch ròi giữa nội dung được tài trợ và nội dung bình thường thì cũng đáng nghi vấn.
Nguồn tự xuất bản
Bất cứ ai cũng có thể tạo một trang web cá nhân hoặc bỏ tiền ra xuất bản một cuốn sách, rồi tự nhận là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Do đó, Wikipedia không chấp nhận phần lớn các nguồn tự xuất bản. Trong đó có sách tự xuất bản, newsletter, trang web cá nhân, trang cá nhân trên mạng xã hội, các bài tweet, bài đăng trên diễn đàn trực tuyến, và các nguồn tương tự.
- Nội dung do người dùng tải lên
- Wikipedia không chấp nhận những trang web mà phần lớn nội dung là do người dùng tải lên. Trong đó có trang web cá nhân, blog, trại nội dung, diễn đàn trực tuyến, các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Tumblr, Instagram, Reddit; IMDb, Ancestry.com, Find-a-Grave, Officer Down Memorial Page; các dự án wiki bao gồm cả Wikipedia, cùng những trang web tương tự do tập thể tự tạo.
- Có thể dùng hệ thống tổng hợp kết quả đánh giá (như Rotten Tomatoes) nhưng không được dùng rating của khán giả mà dựa trên các bài đánh giá này.
- Không dùng các nội dung trên Wikipedia làm nguồn.
Nguồn tự xuất bản và nguồn đáng nghi cho nội dung về chính các nguồn này
Nội dung từ các nguồn tự xuất bản và các nguồn không đáng tin cậy khác có thể được dùng làm nguồn dẫn chứng cho các thông tin về chính các nguồn đó, đặc biệt khi chúng là chủ thể của bài viết, với các điều kiện:
- Nội dung đó không vụ lợi và cũng không phải là một tuyên bố đặc biệt.
- Không chứa tuyên bố về các bên thứ ba (nhân vật, tổ chức hoặc thực thể nào đó).
- Không chứa tuyên bố về các sự kiện mà không trực tiếp liên quan đến chủ thể.
- Không cần phải nghi ngờ về việc ai là người viết nội dung này.
- Đó không phải là nguồn chủ đạo của bài viết.
Các yêu cầu này cũng áp dụng cho các trang mạng xã hội như Twitter, Tumblr, và Facebook. Việc sử dụng loại nguồn này nên được tiết chế, phần lớn nội dung bài vẫn phải dẫn chứng từ các nguồn độc lập.
Nguồn cực đoan và chứa quan điểm thiểu số
Đối với các tổ chức và cá nhân thể hiện các quan điểm được thừa nhận rộng rãi là cực đoan, chỉ nên sử dụng các nguồn này khi phải trình bày thông tin về chính họ và trong các bài viết về chính họ hoặc các hoạt động của họ; mọi thông tin sử dụng đều phải liên quan trực tiếp tới chủ thể. Không nên dẫn nguồn này cho các nội dung gây tranh cãi, tuyên bố về các bên thứ ba, trừ khi các tuyên bố này đã được xuất bản bởi các nguồn uy tín. Đây không nên là nguồn chủ đạo của bài viết.
Đối với các tổ chức và cá nhân quảng bá các học thuyết được đa số xem là fringe theory (nghĩa là các quan điểm thiểu số, đối lập với quan điểm chính thống trong lĩnh vực đó), chẳng hạn như một vài hình thức phủ nhận lịch sử hoặc ngụy khoa học, chỉ nên dùng các nguồn này cho các nội dung về chính họ, hoặc để bổ sung chi tiết cho các quan điểm của những người đề xướng chủ đề (nhưng phải ghi rõ ràng về tác giả và mức độ thiểu số). Khi nói đến những nguồn này, không được làm ảnh hưởng xấu đến miêu tả về quan điểm chính thống, không được dùng các nguồn này để miêu tả quan điểm chính thống hay để miêu tả đánh giá về chính các học thuyết thiểu số này. Khi sử dụng các nguồn này, phải tìm được các nguồn chính lưu đáng tin cậy để có thể miêu tả và trình bày về bất đồng một cách công bằng, trình bày được quan điểm chính thống là quan điểm đa số, còn thuyết này chỉ là quan điểm thiểu số.
Mức độ đáng tin cậy trong các ngữ cảnh cụ thể
Tiểu sử người đang sống
Vì các lý do pháp lý và để công bằng, biên tập viên cần đặc biệt cẩn thận khi viết các nội dung tiểu sử về người đang sống. Hãy lập tức loại bỏ những nội dung gây tranh cãi nhưng không có nguồn gốc hoặc dẫn nguồn không đạt, và đừng chuyển nó ra trang thảo luận. Điều này áp dụng cho tất cả các nội dung liên quan đến người đang sống tại bất cứ trang nào trong bất cứ không gian tên nào chứ không chỉ trong không gian tên của các mục từ.
Nguồn sơ cấp, nguồn thứ cấp, và nguồn hạng ba
Nguồn sơ cấp là bài viết/tường trình về một chủ đề mà tác giả chính là các nhân vật quan trọng của chủ đề đó. Có thể sử dụng nguồn sơ cấp như chỉ nên giới hạn trong các nội dung thuần túy miêu tả về chủ đề hoặc các khái niệm cốt lõi của chủ đề. Không nên dùng nguồn sơ cấp cho các giải thích hoặc đánh giá; thay vào đó, hãy dùng các giải thích và đánh giá từ các nguồn thứ cấp đáng tin cậy. Các nguồn hạng ba là các bản trích yếu (compendium), từ điển bách khoa, sách giáo khoa, giáo trình, và các nguồn mang tính tóm tắt khác. Có thể dùng loại nguồn này cho các nội dung tóm tắt, tổng quan, nhưng không nên dùng thay cho các nguồn thứ cấp khi viết về các bàn luận chi tiết.
Các khẳng định về đồng thuận
Các khẳng định về sự đồng thuận phải được dẫn nguồn. Khẳng định rằng tất cả hay hầu hết các nhà khoa học, học giả, hoặc các nhà chức trách cùng có một quan điểm cần được dẫn từ một nguồn đáng tin cậy. Nếu không, các quan điểm cần được ghi là của một số nguồn cụ thể được nêu tên.
Được sử dụng bởi các nguồn khác
Khi tìm căn cứ, tích cực hoặc tiêu cực, về mức độ đáng tin cậy và danh tiếng của một nguồn, ta có thể xem xét xem nguồn đó được các nguồn đáng tin cậy và có chất lượng cao sử dụng như thế nào. Kiểu sử dụng đó càng phổ biến và nhất quán thì căn cứ càng vững chắc. Ví dụ, việc nguồn được trích dẫn rộng rãi và không có bình luận về tính chính xác của dữ kiện là căn cứ cho uy tín và độ tin cậy của nguồn về các dữ kiện tương tự, ngược lại, trích dẫn kèm theo nghi ngờ về dữ kiện là căn cứ tiêu cực về độ tin cậy.
Nếu trích dẫn bởi các nguồn khác là dấu hiệu chính về độ tin cậy, cần đặc biệt cẩn trọng để tuân theo các hướng dẫn và quy định khác và để trình bày một cách công bằng các khẳng định thiểu số hoặc khẳng định gây tranh cãi. Mục đích của chúng ta là phản ánh các quan điểm của các nguồn theo như những gì chúng ta có thể xác định được.
Ví dụ khác
Xem en:Wikipedia:Reliable source examples để biết thêm về các ví dụ sử dụng dữ liệu thống kê, lời khuyên theo chủ đề (bao gồm lịch sử, khoa học tự nhiên, toán học, y học, luật học, kinh doanh và thương mại, văn hóa đại chúng và giả tưởng), và cách sử dụng các nguồn trực tuyến hay điện tử.
Nguồn tránh dùng
- Nguồn tránh dùng là các nguồn không được phép dùng khi chưa thông qua đồng thuận trong trường hợp cụ thể. Đây là những nguồn có lịch sử thêu dệt nội dung, bịa đặt thông tin hoặc không có uy tín trong việc xác minh dữ kiện (vì người ta dùng nó để tuyên truyền thuyết âm mưu chẳng hạn).
- Không nên dùng nguồn này để dẫn chứng cho các tuyên bố về sự việc đã xảy ra (factual claims). Loại này thường chỉ thích hợp để làm nguồn dẫn chứng trong bài bách khoa về chính nó. Trong các bài viết khác, phải dẫn từ các nguồn thứ cấp độc lập khi trình bày các bình luận về những quan điểm được trích từ loại nguồn này. Nếu bao hàm một tuyên bố hay khẳng định từ loại nguồn này mà tuyên bố đó chưa được các nguồn uy tín đề cập tới thì bài viết sẽ bị nhấn mạnh về phía quan điểm thiểu số.
- Theo luật bất thành văn thì thể loại này cũng bao gồm những nguồn phổ cập thông tin sai lệch, không đúng với sự thật, thuyết âm mưu đã bị lật tẩy, trang web chuyên đăng tin tức giả, và các nguồn quảng bá các thông tin ngụy khoa học, hoặc các hình thức phủ nhận lịch sử.
- Các nguồn tránh dùng bao gồm:
- 112 Ukraina (112 Україна)
- Baidu Baike
- Breitbart News
- Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc (tiếng Trung: 中国国际电视台) (zh)
- Crunchbase
- The Daily Caller
- Daily Mail
- Daily Star (UK)
- Đại Kỷ Nguyên
- Tạp chí FrontPage
- The Gateway Pundit
- Thời báo Hoàn Cầu
- thegrayzone.com
- Hispan TV
- InfoWars
- Last.fm
- lenta.ru
- LifeSiteNews
- MintPress News
- National Enquirer
- www.newsbreak.com
- News of the World
- Notable Names Database
- Occupy Democrats
- One America News Network
- royalclark.net, thepeerage.com, worldstatesmen.org
- rateyourmusic.com, cinemos.com, glitchwave.com, sonemic.com
- The Sun, The Irish Sun, The Scottish Sun
- RT (hệ thống truyền hình)
- Sputnik (hãng thông tấn)
- Tạp chí Taki's
- Hệ thống truyền hình Telesur
- VDARE
- Veterans Today
- Mạng lưới Voltaire (fr)
- WorldNetDaily
- Zero Hedge
- Xem danh sách đầy đủ về nguồn tránh dùng (tô màu đỏ), nguồn chỉ đáng tin cậy trong điều kiện cụ thể (tô màu vàng) và nguồn đáng tin cậy (tô màu xanh) tại Wikipedia:Reliable sources/Perennial sources (tiếng Anh).
Ghi chú
- ^ Khẳng định đặc biệt thì luôn cần nguồn mạnh, đây là quy định.
Xem thêm
- Wikipedia:Chú thích nguồn gốc – hướng dẫn chung về cách dẫn nguồn tham khảo trong bài viết
- Trợ giúp:Cước chú – cách dùng mã wiki để viết các nguồn tham khảo vào bài
- Bản mẫu {{vc}} dùng để đánh dấu các nguồn có độ tin cậy đáng ngờ
- Kiểm tra các dữ kiện của bạn (giải thích bổ sung) (tiếng Anh)
- Nguồn độc lập (giải thích bổ sung) (tiếng Anh)
- Kiến thức phổ quát (trang thông tin) (tiếng Anh)
Liên kết ngoài
- How to Read a Primary Source, Reading, Writing, and Researching for History: A Guide for College Students, Patrick Rael, 2004.
- How to Read a Secondary Source, Reading, Writing, and Researching for History: A Guide for College Students, Patrick Rael, 2004.