Bước tới nội dung

Cai Lậy (huyện)

Cai Lậy
Huyện
Huyện Cai Lậy
Du khách tham quan cù lao Tân Phong
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhTiền Giang
Huyện lỵthị trấn Bình Phú
Trụ sở UBNDKhu phố Bình Quới, thị trấn Bình Phú
Phân chia hành chính1 thị trấn, 15 xã
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDNguyễn Văn Bằng
Địa lý
Tọa độ: 10°24′20″B 106°06′5″Đ / 10,40556°B 106,10139°Đ / 10.40556; 106.10139
MapBản đồ huyện Cai Lậy
Cai Lậy trên bản đồ Việt Nam
Cai Lậy
Cai Lậy
Vị trí huyện Cai Lậy trên bản đồ Việt Nam
Diện tích295,99 km²
Dân số (2019)
Tổng cộng193.328 người[1]
Mật độ653 người/km²
Dân tộcKinh,...
Khác
Mã hành chính820[2]
Biển số xe63-P1 xxx.xx
Số điện thoại0273.3.826.418
Số fax0273.3.829.079
Websitecailay.tiengiang.gov.vn

Cai Lậy là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Cai Lậy nằm ở phía tây của tỉnh Tiền Giang, có vị trí địa lý:

Huyện có 150 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài 427 km.[3]

Tại Cai Lậy đã tìm thấy các di chỉ vỏ sò và ốc biển được xác định hơn 4.500 năm.[4]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Cai Lậy có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Bình Phú (huyện lỵ) và 15 xã: Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Hội Xuân, Long Tiên, Long Trung, Mỹ Long, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Ngũ Hiệp, Phú An, Phú Cường, Phú Nhuận, Tam Bình, Tân Phong, Thạnh Lộc.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc địa danh Cai Lậy

[sửa | sửa mã nguồn]

Cai Lậy ban đầu chỉ là tên một giồng cát nằm ở ấp Hữu Hòa (ngày nay thuộc phường 1, thị xã Cai Lậy) do ông Cai cơ Ngô Tấn Lễ chỉ huy khai khẩn. Cai cơ Ngô Tấn Lễ là tướng của chúa Nguyễn Ánh, dưới quyền Võ Tánh. Từ Cai Lễ nói trại thành Cai Lậy. Chợ Cai Lậy được lập từ cuối thế kỷ XVIII.

Ban đầu, địa danh Cai Lậy chỉ là tên một ngôi chợ tại thôn Thanh Sơn (sau này là làng Thanh Sơn) thuộc tỉnh Định Tường và sau đó là tỉnh Mỹ Tho. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Cai Lậy do lấy theo tên gọi Cai Lậy vốn là nơi đặt quận lỵ.

Thời phong kiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối thế kỷ XVII, vùng đất Cai Lậy ngày nay thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Thời các chúa Nguyễn, vùng đất này thuộc dinh Trấn Định, rồi trấn Định Tường và tỉnh Định Tường về sau.

Năm 1808, dưới triều vua Gia Long, vùng đất này được đặt tên là tổng Kiến Lợi rồi sau đó đổi tên là tổng Kiến Đăng.

Năm 1833, ba tổng Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thạnh đưa về Kiến Đăng phân huyện.

Năm 1836, tổng Kiến Đăng được đổi thành huyện Kiến Đăng thuộc phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Huyện lỵ đầu tiên đóng tại thôn Mỹ Đức Đông (Cái Thia - Cái Bè), có 2 tổng: Kiến Lợi (nay thuộc vùng Cai Lậy) và Kiến Phong (nay thuộc các vùng Cái Bè, Cao Lãnh).

Năm 1836, huyện Kiến Đăng có 5 tổng: Lợi Trinh 19 thôn, Lợi Trường 22 thôn, Phong Hòa 11 thôn, Phong Phú 17 thôn, Phong Thạnh 11 thôn.

Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), dời huyện lỵ đến thôn Mỹ Trang (nay thuộc khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy), tu sửa lại thành cũ.

Đến năm 1838, lại cắt ba tổng Phong Hòa, Phong Phú và Phong Thạnh chia làm 4 tổng Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thạnh và Phong Nẫm, rồi Kiến Đăng phân huyện đổi thành huyện Kiến Phong, lập thêm phủ Kiến Tường (đóng tại Cao Lãnh) gồm 2 huyện: Kiến Phong (do Kiến Tường kiêm trị) và Kiến Đăng. Bấy giờ, huyện Kiến Đăng có 5 tổng:

  • Tổng Lợi Trường có 13 thôn
  • Tổng Lợi Trinh có 19 thôn.

Đến năm 1841 tách đôi:

  • Tổng Lợi Triêm (Lợi Trinh) có 11 thôn
  • Tổng Lợi Thuận có 4 thôn của tổng Lợi Trinh cũ và 4 làng đồn điền mới lập
  • Tổng Lợi Thạnh gồm nhiều làng đồn điền (lập phía Bắc huyện Cai Lậy, Cái Bè và huyện Tân Phước ngày nay (khoảng từ 8 đến 11 làng), đến năm 1861-1862 thì tan rã).

Như vậy, huyện Kiến Đăng có 5 tổng: Lợi Trinh (11 thôn), Lợi Thuận (13 thôn), Lợi Mỹ (11 thôn), Lợi Trường (13 thôn), Lợi Thạnh (tan rã).

Thời Pháp thuộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Với Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa và Định Tường) cho thực dân Pháp làm thuộc địa. Chính quyền thực dân Pháp chia 3 tỉnh này thành 13 thành các hạt thanh tra (inspection), do các viên chức Pháp ngạch thanh tra các công việc bản xứ (inspecteur des affaires indigeânes) đứng đầu, nhưng tạm thời vẫn giữ cơ cấu phủ huyện cũ.

Ngày 3 tháng 6 năm 1865, huyện Kiến Đăng đổi thành Hạt Thanh tra Kiến Đăng. Trụ sở hạt Thanh tra Kiến Đăng đặt tại Cai Lậy. Lúc đầu, hạt Thanh tra tạm gọi tên theo tên các phủ huyện cũ, sau mới đổi tên gọi theo địa điểm đóng trụ sở.

Ngày 16 tháng 8 năm 1867, thực dân Pháp thành lập Hạt Thanh tra Cai Lậy do đổi tên từ hạt Thanh tra Kiến Đăng trước đó.

Ngày 5 tháng 12 năm 1868, Hạt Thanh tra Cai Lậy bị giải thể, sáp nhập địa bàn vào hạt Thanh tra Mỹ Tho kể từ ngày 15 tháng 12 năm 1868.

Ngày 20 tháng 10 năm 1869, Hạt Thanh tra Cai Lậy được lập lại.

Ngày 8 tháng 9 năm 1870, vì lý do an ninh nên dời trụ sở tới chợ Cái Bè nên lại đổi tên gọi là hạt Thanh tra Cái Bè.

Ngày 5 tháng 6 năm 1871, Hạt thanh tra Cái Bè giải thể, nhập địa bàn vào hạt Thanh tra Mỹ Tho.

Năm 1904, thực dân Pháp lập quận Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho, gồm có 6 tổng: Lợi Trường (12 làng) Lợi Mỹ (8 làng) Lợi Trinh (15 làng); Lợi Thuận (16 làng); Phong Hòa (11 làng); Phong Phú (10 làng). Tuy nhiên thống kê năm 1902 thì tổng Lợi Trường có 15 làng. Quận lỵ Cai Lậy ban đầu thuộc làng Thanh Sơn (tổng Lợi Trinh), vốn là nơi đặt chợ Cai Lậy. Tuy nhiên, sau này thực dân Pháp hợp nhất hai làng Thanh Sơn và Hòa Sơn thành một làng mới, lấy tên là Thanh Hòa. Kể từ đó, quận lỵ Cai Lậy thuộc địa bàn làng Thanh Hòa.

Ngày 12 tháng 3 năm 1912, tách 3 tổng Lợi Thuận, Phong Hoà, Phong Phú thành lập quận Cái Bè.

Năm 1902, các tổng Lợi Trinh, Lợi Mỹ, Lợi Trường và Lợi Thuận có các làng trực thuộc như sau:[5]

  • Tổng Lợi Trinh gồm 15 làng: Long Phước, Mỹ Hạnh Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân An, Tân Long, Bình Chánh, Tân Hội, Mỹ Tường, Mỹ Trang, Thanh Sơn, Hòa Sơn, Cẩm Sơn, Hòa Thuận;
  • Tổng Lợi Mỹ gồm 8 làng: Trà Tân, Tân Thới, Mỹ Khánh, Mỹ Đông, Mỹ Đông Trung, Mỹ Đông Thượng, Phú Long, Ngũ Hiệp;
  • Tổng Lợi Trường gồm 12 làng: Bình Chánh, Bình Chánh Đông, Bình Chánh Trung, Phú Phong, Kim Sơn, Bàn Long, Long Điền, Mỹ Hậu, Mỹ Phú, Mỹ Quý, Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây;
  • Tổng Lợi Thuận gồm 16 làng: Hội Sơn, Xuân Sơn, Tân Đức, Hiệp Hòa, Phú Sơn, An Mỹ, Lợi An, Lợi Thành, Giai Mỹ, Giai Phú, Bình Phú, Phú Hưng, Phú Nhuận, Phú Thuận Đông, Mỹ Thạnh, Mỹ Phú Đông.

Cũng từ năm 1912, tổng Lợi Trường giao ba làng Kim Sơn, Phú Phong và Bàn Long cho tổng Thuận Bình của quận Châu Thành cùng thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Ngày 1 tháng 1 năm 1928, quận Cai Lậy nhận thêm tổng Lợi Tường tách ra từ quận Châu Thành và tổng Lợi Thuận tách ra từ quận Cái Bè.

Ngày 1 tháng 1 năm 1934, tổng Lợi Mỹ và tổng Lợi Trường hợp nhất thành tổng Lợi Hoà.

Năm 1939, quận Cai Lậy có 3 tổng là Lợi Hoà, Lợi Trinh, Lợi Thuận.

Thực dân Pháp chủ trương tiết kiệm ngân sách nên từ năm 1905 đến năm 1933 đã có nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chánh cơ sở (làng).

Do vậy, vào năm 1945, nếu so sánh với giai đoạn trước thì tổng số làng trong tỉnh Mỹ Tho nói chung và quận Cai Lậy nói riêng đã giảm.

Sau nhiều lần sáp nhập và thành lập các làng mới, đến cuối năm 1933 quận Cai Lậy có các làng trực thuộc với các tên gọi mới như sau:

  • Tổng Lợi Trinh gồm 9 làng: Mỹ Phước Tây (hợp nhất Long Phước và Mỹ Hạnh Tây), Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Bình (hợp nhất Tân An, Tân Long và Bình Chánh), Tân Hội, Nhị Mỹ (hợp nhất Mỹ Tường và Mỹ Trang), Thanh Hòa (hợp nhất Thanh Sơn và Hòa Sơn), Cẩm Sơn;
  • Tổng Lợi Mỹ gồm 4 làng: Long Khánh (hợp nhất Hòa Thuận, Phú Long và Mỹ Khánh), Long Tiên (hợp nhất Mỹ Đông và Mỹ Đông Thượng), Long Trung (hợp nhất Trà Tân, Tân Thới và Mỹ Đông Trung), Ngũ Hiệp;
  • Tổng Lợi Trường gồm 4 làng: Tam Bình (hợp nhất Bình Chánh, Bình Chánh Đông và Bình Chánh Trung), Mỹ Long (hợp nhất Mỹ Hậu và Long Điền), Phú Quý (hợp nhất Mỹ Phú và Mỹ Quý Tây), Nhị Quý (hợp nhất Mỹ Quý và Mỹ Quý Đông);
  • Tổng Lợi Thuận gồm 8 làng: Hội Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức (hợp nhất Tân Đức và Hiệp Hòa), Phú An (hợp nhất Phú Sơn và An Mỹ), Mỹ Thành (hợp nhất 4 làng Lợi An, Lợi Thành, Giai Mỹ và Giai Phú), Bình Phú, Phú Nhuận Đông (hợp nhất Phú Hưng, Phú Nhuận và Phú Thuận Đông), Thạnh Phú (hợp nhất Mỹ Thạnh và Mỹ Phú Đông).

Giai đoạn 1956-1976

[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt quận Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường, các làng gọi là xã.

Ngày 9 tháng 8 năm 1961, quận Cai Lậy đổi tên thành quận Khiêm Ích, đồng thời chuyển tổng Lợi Thuận (gồm 5 xã: Hội Sơn, Xuân Sơn, Phú An, Hiệp Đức và Mỹ Thành) qua quận Sùng Hiếu, tức quận Cái Bè trước đó.

Ngày 10 tháng 11 năm 1964, quận lấy lại tên cũ Cai Lậy.

Sau năm 1965, các tổng đều bị giải thể. Quận lỵ Cai Lậy đặt tại xã Thanh Hòa.

Kể từ đó cho tới năm 1975, quận Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường do chính quyền Việt Nam Cộng hòa sắp xếp hành chính có 20 xã trực thuộc quận gồm: Bình Phú, Cẩm Sơn, Long Khánh, Long Tiên, Long Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Long, Mỹ Phước Tây, Ngũ Hiệp, Nhị Mỹ, Mỹ Quý, Phú Nhuận Đông, Phú Quý, Tam Bình, Tân Bình, Tân Hội, Tân Phú Đông, Thạnh Hòa, Thạnh Phú.

Ngày 12 tháng 7 năm 1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập quận mới có tên là quận Hậu Mỹ thuộc tỉnh Định Tường. Lúc này, xã Thạnh Phú thuộc quận Cai Lậy được giao về cho quận Hậu Mỹ quản lý.

Chính quyền Cách mạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Về phía chính quyền Cách mạng, địa giới hành chính của huyện Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho trong giai đoạn 1956-1975 vẫn được duy trì ổn định, không thay đổi như trước năm 1956. Trong đó các xã Hội Sơn, Mỹ Thành, Phú An, Xuân Sơn, Hiệp Đức vẫn do huyện Cai Lậy quản lý (chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt các xã này thuộc quận Cái Bè, tỉnh Định Tường).

Bên cạnh đó, chính quyền Cách mạng cũng chia xã Mỹ Thành thành hai xã là Mỹ Thành Bắc và Mỹ Thành Nam. Năm 1967, huyện Cai Lậy nhận thêm xã Tân Phong từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn đặt xã Tân Phong thuộc quận Chợ Lách, tỉnh Vĩnh Long cho đến năm 1975).

Năm 1971, huyện Cai Lậy chia thành hai huyện là Cai Lậy Bắc và Cai Lậy Nam thuộc tỉnh Mỹ Tho.

Đến năm 1975, hợp nhất lại thành huyện Cai Lậy như cũ:

  • Huyện Cai Lậy Bắc gồm 14 xã: Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú Nhuận, Thạnh Phú, Thạnh Hòa, Nhị Mỹ, Nhị Quý, Tân Hội, Tân Phú Đông, Tân Bình, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây;
  • Huyện Cai Lậy Nam gồm 13 xã: Phú Quý, Long Khánh, Cẩm Sơn, Phú An, Mỹ Long, Long Tiên, Hiệp Đức, Long Trung, Hội Sơn, Xuân Sơn, Tân Phong, Tam Bình, Ngũ Hiệp.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho như trước cho đến đầu năm 1976. Huyện lỵ là thị trấn Cai Lậy, được thành lập do tách đất từ các xã Nhị Mỹ và Thanh Hòa. Đồng thời, xã Tân Hòa Tây trực thuộc huyện Cai Lậy cũng được thành lập do tách đất từ các xã Mỹ Hạnh Đông và Mỹ Phước Tây của huyện Cai Lậy hợp nhất một phần đất đai tách từ xã Tân Bình thuộc quận Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường trước đó.

Từ năm 1976 đến nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 1976, Cai Lậy là huyện của tỉnh Tiền Giang cho đến ngày nay, ban đầu bao gồm 29 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Cai Lậy (huyện lỵ) và 28 xã: Bình Phú, Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Hội Sơn, Long Khánh, Long Tiên, Long Trung, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Long, Mỹ Phước Tây, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Ngũ Hiệp, Nhị Mỹ, Nhị Quý, Phú An, Phú Nhuận, Phú Quý, Tam Bình, Tân Bình, Tân Hòa Tây, Tân Hội, Tân Phong, Tân Phú, Thanh Hòa, Thạnh Phú, Xuân Sơn.

Ngày 12 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 152-CP[6] về việc chia một số xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang như sau:

  • Chia xã Thạnh Phú thành 2 xã: Thạnh Lộc và Phú Cường.
  • Sáp nhập 2 xã Hội Sơn và Xuân Sơn thành xã Hội Xuân.

Ngày 11 tháng 7 năm 1994, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 68-CP[7], theo đó tách một phần diện tích và dân số của huyện Cai Lậy hợp với một phần diện tích và dân số của huyện Châu Thành để thành lập huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang. Lúc này, xã Tân Hòa Tây được giao về cho huyện Tân Phước quản lý. Sau khi nhập vào huyện Tân Phước, xã Tân Hòa Tây được chia thành ba xã mới: Tân Hòa Tây, Thạnh Hòa và Thạnh Tân. Đặc biệt, từ năm 1994 đến nay, địa bàn hai xã Thạnh Hòa và Thạnh Tân nằm trong một phần đất đai xã Tân Bình thuộc quận Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường trước năm 1975; riêng địa bàn xã Tân Hòa Tây sau khi chia tách thì vẫn nằm trong phần đất đai thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường (phía chính quyền Cách mạng lúc bấy giờ gọi là huyện Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho) như trước năm 1975.

Sau khi thành lập huyện Tân Phước, huyện Cai Lậy còn lại 40.893,66 hécta diện tích tự nhiên và 314.243 người, gồm 1 thị trấn và 27 xã.

Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 130/NQ-CP[8] về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại. Theo đó điều chỉnh 14.018,95 ha diện tích tự nhiên và 123.775 người của huyện Cai Lậy (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của thị trấn Cai Lậy và 10 xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Bình, Tân Hội, Nhị Mỹ, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh) để thành lập thị xã Cai Lậy.

Sau khi điều chỉnh, huyện Cai Lậy còn lại 29.599,37 ha diện tích tự nhiên và 186.583 người, gồm có 16 xã. Huyện lỵ của huyện dời từ thị trấn Cai Lậy vừa giải thể về xã Bình Phú.

Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 569/NQ-UBTVQH15 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022), chuyển xã Bình Phú thành thị trấn Bình Phú, thị trấn huyện lỵ huyện Cai Lậy.[9]

Huyện Cai Lậy có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.

Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, năm 2009, diện tích trồng lúa của huyện đạt gần 49.500 ha, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha, sản lượng 282.141 tấn[10]. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng diện tích gieo sạ 2 vụ đông xuân và hè thu sớm là 32.615 ha, sản lượng đạt gần 202 ngàn tấn, đồng thơi tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP ở 2 xã Mỹ Thành NamMỹ Thành Bắc, nâng tổng số hộ tham gia đến nay là 101 hộ với diện tích là 95,5 ha.

Ngoài cây lúa, Cai Lậy còn có một vùng rộng lớn những vườn cây ăn trái quanh năm xanh tốt với các loại trái cây đặc sản của Nam Bộ như: cam, quýt, chôm chôm, nhãn... đặc biệt là giống nhãn giồng Nhị Quý nổi tiếng trên thị trường từ hơn nửa thế kỷ qua.

Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện tập trung vào phục vụ nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó nổi bật là xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm xuất khẩu, cơ khí máy móc nông ngư cơ, làng nghề thủ công...

Ngành thương mạidịch vụ của huyện khá phát triển do nằm trên tuyến Quốc lộ 1.

Văn hóa - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Cai Lậy đang từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Giai đoạn năm 2008 đên 2009, toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 258 công trinh. Ngoài ra, bằng nguồn vốn ngân sách đầu tư của tỉnh và huyện đã xây dựng được 15 tuyến đường liên xã và xây dựng mới 95 cầu các loại.

Ngành giáo dục huyện Cai Lậy không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư đúng mức, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

quốc lộ 1Ađường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đi qua.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019” (PDF). Tổng cục Thống kê.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ “Sở NN&PTNT kiểm tra thực trạng lòng sông”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2021.
  4. ^ Viện khảo cổ học 1978, tr. 70.
  5. ^ “Province de My Tho”. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021.
  6. ^ “Quyết định 152”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  7. ^ “Nghị định 68”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  8. ^ “Nghị quyết 130/NQ”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  9. ^ “Nghị quyết số 569/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về việc thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.
  10. ^ Theo thông tin từ Website tỉnh Tiền Giang