Bước tới nội dung

Giải Văn học Nghệ thuật Quốc gia

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Giải-thưởng
Văn-học Nghệ-thuật
Toàn-quốc
Trao choThành tựu văn nghệ hiện đại
Quốc gia Việt Nam Cộng hòa
Được trao bởiTổng thống Việt Nam Cộng hòa
Lần đầu tiên1957−1975

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc (tiếng Anh: National Awards for Scholastic Art and Writing) là lễ phát thưởng thường niên do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sáng lập và điều hành các giai đoạn 1957−1963, 1966−1970, 1971−1975.

Mục đích Giải chính là nhằm tuyên dương các nỗ lực chấn hưng văn hóa Việt Nam trong hoàn cảnh thế giới mới có những chuyển biến hết sức phức tạp, cũng là nêu cao chính nghĩa và khát vọng hòa bình, có nhiệm vụ quảng bá đặc sắc truyền thống nước Việt ra bằng hữu khắp năm châu.[1][2]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc vốn có tiền thân là Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, do Văn Hóa Vụ thành lập và tổ chức từ năm 1957, nhưng kết cấu bấy giờ còn rất sơ yếu và chưa bao hàm ý thức chính trị.

Giải bắt đầu được báo giới gọi tắt Giải Văn học Nghệ thuật Tổng thống và được tiến hành lần đầu vào năm 1960, nhưng chỉ được đến năm 1963 phải ngưng vô thời hạn vì đảo chính và tình hình chính trị bất ổn tiếp sau.

Năm 1966, văn phòng Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa phát động phong trào chấn hưng văn hóa trên quy mô toàn quốc Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh chiến sự leo thang khốc liệt khiến nguy cơ điêu tàn văn hóa quá rõ. Giải Văn nghệ Toàn quốc được hồi phục với quy mô nhân rộng hơn trước nhiều lần, đồng thời, kể từ năm 1967 do đích thân Tổng thống Chính phủ Quốc gia đứng ra trao thưởng. Phủ Quốc Vụ Khanh có trọng nhiệm phối hợp với Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Bộ Thanh Niên Thể Thao để thi hành.

Hình thức

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở thời Đệ Nhất Cộng Hòa, giải được chia thành ba hạng mục :

  1. Văn học
  2. Mĩ thuật
  3. Nghệ thuật trình diễn

Sang giai đoạn Đệ Nhị Cộng Hòa, kể từ Nghị Định số 24-QVK/VH/NĐ ban hành ngày 25 tháng 01 năm 1972, kết cấu giải được ấn định gồm 10 bộ môn với tổng 23 thể loại.

Lễ trao tặng Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961, người ra trước là ông thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Theo nhựt báo Thế-giới Tự-do.

Ban đầu chỉ có Giải thưởng Văn chương Toàn quốc tách thành cơ cấu bán độc lập vì có tố chất phức tạp nhất, nhưng về sau có thêm Giải thưởng Điện ảnh Toàn quốc, cả hai đều được phát thưởng cùng ngày. Nguyên ủy vì điện ảnh những năm 1970 đã có sự phát triển rất mãnh liệt, cho nên sẽ tổ chức song hành với sự kiện Ngày Điện Ảnh Việt Nam nhằm khuếch trường nền điện ảnh quốc nội. Cũng khác với Giải Văn Nghệ, Giải Điện Ảnh vẫn thường được báo giới mệnh danh "Oscar Việt Nam" vì có hạng mục phát thưởng cho các nghệ sĩ quốc tế nữa.

Thành phần Ủy ban Tổ chức Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc được ấn định như sau : Chủ tịch (quốc vụ khanh đặc trách văn hóa), tổng ủy viên (đổng lý văn phòng Phủ Văn Hóa), phụ tá văn học (giám đốc Nha Văn Hóa), phụ tá nghệ thuật (giám đốc Nha Mỹ Thuật), ủy viên điều hành (công cán ủy viên Phủ Văn Hóa), phụ tá ủy viên điều hành (chánh sự vụ Sở Nghiên Cứu Kế Hoạch Và Pháp Chế), tổng vụ trưởng (chủ sự Nha Văn Hóa).

Hội đồng Chấm Giải có thành phần là nhiều nghệ sĩ đại diện nhiều bộ môn như điêu khắc gia Lê Văn Mậu,[3] nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, nhà văn Võ Phiến,[4] nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân...

Quan khách dự Giải theo thiệp mời danh dự được gởi qua đường bưu điện hỏa tốc từ trước đó vài ngày. Tưởng thưởng viên được nhận gồm : Tượng lưu niệm hoặc huy chương vàng, kèm một bằng tưởng lệ và huy hiệu tổng thống bằng thép đúc mạ vàng, ngân khoản 1 triệu đồng, đồng thời dự tiệc chiêu đãi tại đại sảnh Dinh Độc Lập. Cũng theo quy định của ban tổ chức, việc đi và về của khách mời đều được xe công vụ của Phủ Quốc Vụ Khanh đài thọ. Ngoài ra, ban tổ chức Giải cũng tiến hành chụp ảnh màu kèm quay phim tài liệu toàn thể lễ trao thưởng và chiêu đãi, rồi ra Kỷ-yếu Giải-thưởng-Văn-học Nghệ-thuật Toàn-quốc[5] in mầu trên giấy gouache để loan báo cho công chúng toàn quốc được rõ.

Lễ Phát Giải diễn ra mồng 4 tháng 2 tại dinh Độc Lập. Trước hết ông quốc vụ khanh đọc diễn văn khai mạc, sau đó tổng thống có bài diễn từ để úy lạo anh chị em văn nghệ sĩ và dư luận báo chí.

Ngay sau lễ phát giải là sự kiện triển lãm thường niên tại Thư viện Quốc gia suốt kì nghỉ Tết Nguyên Đán. Tại đây, ông quốc vụ khanh sẽ trình bày kết quả giải thưởng trước sự hiện diện của dư luận và báo giới.

Tưởng lệ

[sửa | sửa mã nguồn]
[Nhân dịp Lễ trao Giải-thưởng Văn-Học Nghệ-Thuật 1970]
Tổng-Thống Việt-Nam Cộng-Hòa
Trân-trọng mời [cô Kim-Vui]
vui lòng đến dự tiếp-tân
tổ-chức tại Dinh Độc-Lập
ngày [19.1.1971] lúc [16g30]
Y-Phục :
[Thường-phục]
— Mẫu thiệp mời

Trong những năm sau chiến dịch Mậu Thân, nền trị an Việt Nam Cộng hòa thường xuyên phiền nhiễu vì những vụ quăng lựu đạn bất thình lình của các phần tử Việt Cộng, điển hình nhất là vụ nổ phòng trà Tự Do năm 1971 khiến có nhiều nghệ sĩ bị tử thương, cho nên Nha Cảnh Sát Đô Thành luôn phải ở trong tình trạng báo động rất cao để phòng ngừa những trường hợp bất trắc.

Vì lẽ đó, để đảm bảo an toàn cho sinh hoạt văn nghệ toàn quốc, toàn thể lễ phát thưởng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc do Biệt Bộ Tổng Thống Phủ đặc trách và chỉ diễn ra trong khuôn viên dinh Độc Lập mà thôi. Quan khách đến và đi đều có xe mui kín của Tổng Thống Phủ đưa rước tận nơi. Sự kiện được tổ chức từ 16 giờ 30 phút cho đến cận giờ giới nghiêm, tức là 23 giờ 30 phút. Nhờ vậy cho nên trong suốt lịch sử các kì Giải Thưởng, giới kí giả chưa ghi nhận được có bất kì biến sự nào.

Tuy vậy, Giải cũng gây tranh luận trong báo giới và văn nghệ sĩ. Vì trước thời điểm 1967, Giải nầy không nằm trong hệ thống chính trị, vì vậy việc tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng ra phát động và trao thưởng bị coi là vi phạm nguyên tắc tự do văn nghệ trong hiến pháp. Thậm chí là chủ đề nóng trong các đàm thoại văn nghệ về sự ưu ái quá mức đối với nghệ sĩ không trực tiếp cầm súng mà chỉ lo sáng tác ở hậu phương.

Ngày sau Sự kiện 30 tháng Tư, ở thời kì xảy ra "chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy" dưới chế độ mới, nhiều văn nghệ sĩ phải giấu rất kĩ những kỉ vật Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc để tránh bị công an xách nhiễu. Theo lời ca sĩ Thanh Mai, vì bấy giờ bà đã định cư ở Paris nên mẹ và em gái kẹt lại ở Sài Gòn phải chôn bức tượng vàng và những giấy phát thưởng dưới nền nhà. Sau này đào lên chỉ còn tượng, trong khi giấy bị "đất chùi đi hết". Cô em phải cắt tượng thành nhiều mảnh rồi nhét trong hành lí đem sang Pháp trao lại cho bà làm kỉ niệm một thời hoa lệ.[22]

Cũng theo danh ca Hùng Cường, đương thời Chân trời tím là xuất phẩm điện ảnh ẵm nhiều vinh dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc nhất, cho nên Sở Văn Hóa Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới cứ theo những tư liệu còn lại của Giải nầy để thống kê và đưa ra những biện pháp thanh trừng. Cụ thể, bức ảnh trên báo ghi lại cảnh ông và bạn diễn Kim Vui nằm hôn nhau ngoài bãi biển Vũng Tàu trong phim bị chính quyền mới phóng to và trưng bày ở cửa vào khu triển lãm "tội ác Mĩ-ngụy" để đấu tố suốt một tuần lễ.[23] Về sau, khoảng năm 2004 và 2005, cuốn băng sao trắng đen của bộ phim này lại được đem chiếu cho du khách tại Hội trường Thống Nhất, tuy nhiên vì chất lượng băng đã quá nhiễu nên phải cất đi sau một thời gian.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Johnson, Victoria E. “Vietnam on Film and Television: Documentaries in the Library of Congress”. University of Virginia. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2013.
  2. ^ Toner, Simon (2017). “Imagining Taiwan: The Nixon Administration, the Developmental States, and South Vietnam's Search for Economic Viability, 1969–1975” (PDF). Diplomatic History (bằng tiếng Anh). 41 (4): 772–798. doi:10.1093/dh/dhw057. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 29 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2023.
  3. ^ [1]
  4. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  5. ^ “Kỷ-yếu Giải-thưởng-Văn-học Nghệ-thuật Toàn-quốc 1971”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2022.
  6. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  7. ^ Nhã Ca
  8. ^ [2]
  9. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  10. ^ [3][liên kết hỏng]
  11. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  12. ^ [4]
  13. ^ [5]
  14. ^ [6]
  15. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  16. ^ [7]
  17. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  18. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  19. ^ [8][liên kết hỏng]
  20. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2012.
  21. ^ [9][liên kết hỏng]
  22. ^ Thanh Mai | Bước Chân Dĩ Vãng #30 | The Jimmy TV
  23. ^ Hùng Cường & Mai Lệ Huyền

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu

[sửa | sửa mã nguồn]

Tư liệu

[sửa | sửa mã nguồn]