Lục Kháng
Lục Kháng
| |
---|---|
Tự | Ấu Tiết |
Thông tin chung
| |
Chức vụ | Đại tư mã |
Sinh | 226 Tô Châu, Giang Tô |
Mất | 274 |
Lục Kháng (chữ Hán: 陆抗, 226 – 274) là tướng lãnh Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Xuất thân
[sửa | sửa mã nguồn]Kháng tự Ấu Tiết, [Tam quốc 1] là con trai thứ của danh tướng Lục Tốn, nên ông cũng thuộc dòng dõi đại tộc ở Giang Đông, có hộ tịch ở huyện Ngô, quận Ngô [1]. [Tam quốc 2]
Khi Tốn mất (245), Kháng mới 20 tuổi. Do anh cả Lục Duyên mất sớm, Kháng được kế tự, nhận tước Giang Lăng huyện hầu, [Tam quốc 3] được bái làm Kiến vũ hiệu úy, lĩnh 5000 quân của Tốn, đưa tang về miền đông. Kháng vào kinh đô Kiến Nghiệp tạ ơn, Ngô Đại đế Tôn Quyền đem 20 vấn đề Dương Bạch tố cáo Lục Tốn ra hỏi Kháng. Đế cấm không cho ai giúp đỡ, khiến hoạn quan cật vấn; Kháng cũng không cần hỏi ai, trả lời từng vấn đề, khiến cơn giận của đế dần tan. [Tam quốc 4]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Năm Xích Ô thứ 9 (246), Kháng được thăng làm Lập tiết trung lang tướng, cùng Gia Cát Khác đổi nơi đồn trú; ông đến Sài Tang. Kháng rời đi, để lại tường rào đã hoàn thiện, nhà cửa được sửa chữa, cây dâu cạnh nhà cũng ra quả, không hao tổn gì. Khác vào đồn, kinh ngạc thấy như mới. Trong khi đồn cũ của Khác ở Sài Tang, đã hư hỏng nhiều, khiến ông ta rất lấy làm hổ thẹn. [Tam quốc 5]
Năm Thái Nguyên đầu tiên (251), Kháng về Kiến Nghiệp chữa bệnh. Bệnh khỏi, Kháng sắp trở lại đồn, Ngô Đại đế rơi nước mắt từ biệt, nói: “Tôi trước nghe theo lời gièm, cùng cha mày về đại nghĩa không thuần hậu, đem việc này đặt lên mày. Những lời tố giác trước sau, một mồi lửa đốt sạch, chẳng để người nào trông thấy nữa.” [Tam quốc 6]
Năm Kiến Hưng đầu tiên (252), Kháng được bái làm Phấn uy tướng quân. Năm Thái Bình thứ 2 (257), tướng Ngụy là Gia Cát Đản dâng Thọ Xuân hàng Ngô, triều đình bái Kháng làm Sài Tang đốc, khiến ông tham gia giải vây Thọ Xuân. Kháng được ghi công đánh bại quân Ngụy, nhưng quân Ngô thất bại. Sau khi trở về, chủ tướng Chu Dị bị quyền thần Tôn Lâm sát hại, còn Kháng vẫn được thăng làm Chinh bắc tướng quân. [Tam quốc 7] [Tam quốc 8]
Năm Vĩnh An thứ 2 (259), Kháng được bái làm Trấn quân tướng quân, Đô đốc Tây Lăng, phụ trách phòng thủ từ Quan Vũ lại [2] đến thành Bạch Đế. Năm thứ 3 (260), Kháng được đặc quyền Giả tiết. Ngô Mạt đế Tôn Hạo lên ngôi (264), Kháng được gia hiệu Trấn quân đại tướng quân, lĩnh quan Ích Châu mục. Năm Kiến Hành thứ 2 (270), Tả đại tư mã Thi Tích mất, triều đình bái Kháng làm Đô đốc Tín Lăng, Tây Lăng, Di Đạo, Nhạc Hương, Công An chư quân sự, đặt trị sở ở Nhạc Hương. [Tam quốc 9]
Năm Phượng Hoàng đầu tiên (272), Tây Lăng đốc Bộ Xiển chiếm thành làm phản, sai sứ hàng Tấn. Kháng nghe tin, trong ngày hôm ấy điều động các cánh quân của bọn Tả Dịch, Ngô Ngạn, Thái Cống đi thẳng đến Tây Lăng. Kháng hạ lệnh cho quân Ngô xây dựng hàng rào chặt chẽ, từ Xích Khê đến Cố Thị, trong để vây Xiển, ngoài để ngăn viện, đêm ngày thúc ép, cứ như quân Tấn đã đến, khiến lính Ngô rất khổ sở. Chư tướng đều can ngăn, cho rằng quân Ngô tinh nhuệ, có thể gấp rút tấn công, nhằm bắt được Xiển trước khi quân Tấn đến cứu viện, hà tất phải vất vả bao vây; Kháng cho biết thành này ở nơi hiểm yếu, lương thực sung túc, còn được sửa chữa hoàn thiện và trang bị công cụ phòng ngự đầy đủ, là do chính ông quy hoạch, bây giờ phải đánh chính nó, nếu không thể hạ được ngay mà quân Tấn đến cứu viện, trong ngoài thụ địch thì làm sao chống nổi!? Các tướng muốn đánh thành, Kháng không đồng ý. Nghi Đô thái thú Lôi Đàm nài nỉ, Kháng muốn mọi người chịu phục, nên đồng ý cho họ đánh 1 trận, quả nhiên không thắng nổi, mới chấp nhận hợp vây. [Tam quốc 10]
Kháng đang ở trị sở Nhạc Hương, bấy giờ tướng Tấn là Xa kỵ tướng quân Dương Hỗ soái quân nhắm đến Giang Lăng, chư tướng đều cho rằng nên Kháng nên đến đấy chỉ huy thay vì đi Tây Lăng. Kháng nhận định Giang Lăng thành chắc binh đủ nên không đáng lo, kể cả có mất thì quân Tấn cũng không giữ được, thành ra tổn thất ít thôi. Kháng cho rằng nếu người Tấn dùng Tây Lăng làm điểm tập kết quân đội, ắt các tộc thiểu số ở Nam Sơn sẽ nhiễu loạn, thì nỗi lo không thể nói hết. Vì thế Kháng khẳng định mình thà bỏ Giang Lăng chứ không mất Tây Lăng. Khi xưa Giang Lăng bằng phẳng rộng rãi, đường xá thông thoáng, Kháng lệnh cho Giang Lăng đốc Trương Hàm làm đập lớn để ngăn nước, điều tiết lượng nước chảy vào đồng bằng, nhằm tận dụng sức nước còn lại để dùng thủy quân ngăn địch. Đến nay Dương Hỗ muốn mượn sức nước ấy để dùng thuyền chở lương, bèn đánh tiếng muốn phá đập nhằm thông lối đi cứu Bộ Xiển. Kháng nghe lời đồn, sai Hàm gấp phá đập. Chư tướng ngỡ ngàng, nhiều lần can ngăn nhưng Kháng không nghe. Hỗ đến Đương Dương, nghe tin đập bị phá, bèn đổi sang dùng xe chở lương, hao phí rất nhiều sức lực. [Tam quốc 11]
Tướng Tấn là Ba Đông giám quân Từ Dận soái thủy quân đi Kiến Bình, Kinh Châu thứ sử Dương Triệu đến Tây Lăng. Kháng lệnh cho Trương Hàm cố thủ Giang Lăng, Công An đốc Tôn Tuân tuần tra bờ nam đề phòng Dương Hỗ, Thủy quân đốc Lưu Lự, Trấn tây tướng quân Chu Uyển chống lại Dận. Kháng tự soái ba quân, dựa vào hàng rào trước đó để đối trận với Triệu. Tướng quân Chu Kiều, Doanh đô đốc Du Tán chạy sang với Triệu, Kháng nói: “Tán là lại cũ ở trong quân, biết rõ hư thật của ta, tôi luôn lo lính người Di vốn không tinh nhuệ, nếu địch đánh rào, tất nhắm đến chỗ này trước.” Đêm ấy Kháng dời lính Di, lấy tướng cũ bổ sung. Hôm sau, Triệu quả nhiên đánh vào chỗ của lính Di, Kháng lệnh cho toàn quân đánh trả, tên đá như mưa, quân Tấn tử thương liên tiếp. Giằng co cả tháng, quân Tấn hết kế phải bỏ trốn trong đêm. Kháng muốn đuổi theo, nhưng lo Bộ Xiển ở trong thành thừa cơ đánh ra, vì thế ông đành nổi trống dọa nạt, nhưng vẫn khiến quân Tấn sợ hãi, đều cởi giáp bỏ chạy. Khi ấy Kháng mới cho quân Ngô mới trang bị gọn nhẹ để đuổi nà. Triệu đã thất bại, bọn Hỗ cũng đành đem quân về. [Tam quốc 12]
Kháng hạ thành Tây Lăng, giết hết cả họ của Xiển cùng quan tướng của ông ta, rồi xin tha cho mấy vạn người còn lại. Kháng sửa chữa thành trì, sau đó quay về Nhạc Hương, không hề tỏ ra kiêu căng, mà vẫn khiêm tốn như thường, nên tướng sĩ Ngô đều hài lòng. Nhờ công, Kháng được gia bái làm Đô hộ. Mùa xuân năm thứ 2 (273), Kháng được bái làm Đại tư mã, Kinh Châu mục. [Tam quốc 13]
Mùa hạ năm thứ 3 (274), Kháng bệnh nặng, sang mùa thu thì mất. Con trưởng là Lục Yến được kế tự, quân bản bộ của Kháng được chia cho các con là Yến, Cảnh, Huyền, Cơ, Vân. [Tam quốc 14]
Gia đình
[sửa | sửa mã nguồn]- Mẹ là Tôn thị, con gái của Tôn Sách. [Tam quốc 15]
- Vợ là Trương thị, con gái của Trương Thừa. Như vậy Kháng và Tôn Hòa (cha của Ngô Mạt đế) là anh em cọc chèo. Năm Kiến Hưng thứ 2 (253), Gia Cát Khác bị tru di, nhà họ Trương chịu liên lụy, Kháng buộc phải bỏ vợ. [Tam quốc 16]
- Kháng có 6 con trai: Yến, Cảnh, Huyền, Cơ, Vân, Đam. Yến, Cảnh tử trận khi nước Ngô mất. Cơ, Vân, Đam chết trong loạn Bát vương. Cơ, Vân có truyện riêng trong sử cũ.
Tình bạn với Dương Hỗ
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi tướng Tấn là Dương Hỗ lui quân, tăng cường sửa sang đức tín, để lấy lòng người Ngô. Kháng luôn răn các tương ở vùng biên rằng: “Người ta chuyên làm việc đức, chúng ta chuyên làm việc bạo, là không đánh mà tự thua đấy. Các người đều phải giữ lấy địa giới, không được ham muốn lợi ích nhỏ nhặt nữa.” Vì thế ở biên cảnh Ngô – Tấn, lương thực đầy đồng không ai xâm phạm, bò ngựa đi lạc vào nước địch, có thể thông báo mà lấy lại. Người Ngô săn bắn ở thượng du sông Miện, bắt được muông thú đã bị thương bởi người Tấn thì đem trả. [Tam quốc 17]
Hỗ, Kháng xây dựng tình bạn theo lối Ngô Quý Trát và Công Tôn Kiều đời Xuân Thu [3]. Kháng gởi rượu cho Hỗ, Hỗ uống ngay mà không nghi ngờ. Kháng từng có bệnh, hỏi Hỗ xin thuốc; Hỗ gói lại gởi cho ông, nói: “Thứ thuốc tốt này, gần đây tự làm, chưa kịp uống, bởi anh bệnh gấp, nên gởi cho.” Kháng nhận được thì uống ngay, chư tướng có người can ngăn, ông không nghe. [Tam quốc 18]
Ngô Mạt đế nghe tin hai bên biên cảnh hòa hoãn thì gặn hỏi, Kháng đáp: “Một ấp một hương, còn không thể làm người chẳng tín chẳng nghĩa, huống hồ một nước!? Thần không như thế, chính là sáng tỏ cái đức của người ta, mà chẳng hại gì được Hỗ vậy.” [Tam quốc 19] Vì thế người đương thời cho rằng lại gặp được Hoa Nguyên nước Tống và công tử Trắc nước Sở, [Tam quốc 20] nhưng cũng có người chê bai Hỗ, Kháng làm mất khí tiết của bề tôi. [Tam quốc 21]
Hình tượng văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Trong Tam quốc diễn nghĩa, Kháng xuất hiện ở 2 hồi thứ 119 và 120. Hồi 119, Ngô chủ Tôn Hưu nghe tin nước Thục mất, bèn lấy Kháng làm Trấn đông tướng quân, lĩnh chức Kinh Châu mục, để phòng bị quân Tấn. Hồi 120, Kháng giằng co với tướng Tấn là Dương Hỗ, bị Ngô chủ Tôn Hạo nghi ngờ, nên chịu bãi chức. Nghe tin ấy, Hỗ lập tức dâng biểu đề nghị đánh Ngô.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Trần chí, Bùi chú
- ^ Trần Thọ, Tam quốc chí quyển 58, Ngô chí 13, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Kháng tự Ấu Tiết,...
- ^ Tam quốc chí quyển 58, Ngô chí 13, Lục Tốn truyện: Lục Tốn: Lục Tốn... Ngô quận Ngô nhân dã.... thế Giang Đông đại tộc...
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Tốn: Cập chí phá Bị, kế đa xuất Tốn, chư tướng nãi phục... Quyền đại tiếu xưng thiện, gia bái Tốn Phụ quốc tướng quân, lĩnh Kinh Châu mục, tức cải phong Giang Lăng hầu... Trưởng tử Duyên tảo yêu, thứ tử Kháng tập tước.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Tốn tốt thì, niên nhị thập, bái Kiến vũ hiệu úy, lĩnh Tốn chúng ngũ thiên nhân, tống táng đông hoàn, nghệ đô tạ ân, Tôn Quyền dĩ Dương Trúc sở bạch tốn nhị thập sự vấn Kháng, cấm tuyệt tân khách, trung sử lâm cật, Kháng vô sở cố vấn, sự sự điều đáp, Quyền ý tiệm giải.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Xích Ô cửu niên, thiên Lập tiết trung lang tướng, dữ Gia Cát Khác hoán đồn Sài Tang. Kháng lâm khứ, giai canh thiện hoàn thành vi, tập kì tường ốc, cư lư tang quả, bất đắc vọng bại. Khác nhập đồn, nghiễm nhiên nhược tân. Nhi Khác Sài Tang cố đồn, pha hữu hủy hoại, thâm dĩ vi tàm.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Thái Nguyên nguyên niên, tựu đô trì bệnh. Bệnh soa đương hoàn, Quyền thế khấp dữ biệt, vị viết: “Ngô tiền thính dụng sàm ngôn, dữ nhữ phụ đại nghĩa bất đốc, dĩ thử phụ nhữ. Tiền hậu sở vấn, nhất phần diệt chi, mạc lệnh nhân kiến dã.”
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Kiến Hưng nguyên niên, bái Phấn uy tướng quân. Thái Bình nhị niên, Ngụy tướng Gia Cát Đản cử Thọ Xuân hàng, bái Kháng vi Sài Tang đốc, phó Thọ Xuân, phá Ngụy Nha môn tướng thiên tướng quân, thiên Chinh bắc tướng quân.
- ^ Tam quốc chí quyển 56, Ngô chí 11, Chu Trị Chu Nhiên Lã Phạm Chu Hoàn truyện: Chu Hoàn, tử Dị: Thái Bình nhị niên, Giả tiết, vi Đại đô đốc, cứu Thọ Xuân vi, bất giải, hoàn quân, vi Tôn Lâm sở uổng hại. Bùi Tùng Chi dẫn Vi Chiêu, Ngô thư: “Lâm yếu Dị tương kiến, tương vãng, khủng Lục Kháng chỉ chi, Dị viết: “Tử Thông, gia nhân nhĩ, đương hà sở nghi hồ!” Toại vãng, Lâm sử lực nhân vu tọa thượng thủ chi, Dị viết: “Ngã Ngô quốc trung thần, hữu hà tội hồ?” Nãi lạp sát chi.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Vĩnh An nhị niên, bái Trấn quân tướng quân, Đô đốc Tây Lăng, tự Quan Vũ chí Bạch Đế. Tam niên, Giả tiết. Tôn Hạo tức vị, gia Trấn quân đại tướng quân, lĩnh Ích Châu mục. Kiến Hành nhị niên, Tả đại ti mã Thi Tích tốt, bái Kháng Đô đốc Tín Lăng, Tây Lăng, Di Đạo, Nhạc Hương, Công An chư quân sự, trị Nhạc Hương.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Phượng Hoàng nguyên niên, Tây Lăng đốc Bộ Xiển cư thành dĩ bạn, khiển sứ hàng Tấn. Kháng văn chi, nhật bộ phân chư quân, lệnh tướng quân Tả Dịch, Ngô Ngạn, Thái Cống đẳng kính phó Tây Lăng. Sắc quân doanh canh trúc nghiêm vi, tự Xích Khê chí Cố Thị, nội dĩ vi Xiển, ngoại dĩ ngữ khấu, trú dạ thôi thiết, như địch dĩ chí, chúng thậm khổ chi. Chư tướng hàm gián viết: “Kim cập tam quân chi duệ, cức dĩ công Xiển, bỉ Tấn cứu chí, Xiển tất khả bạt. Hà sự vu vi, nhi dĩ tệ sĩ dân chi lực hồ?” Kháng viết: “Thử thành xử thế kí cố, lương cốc hựu túc, thả sở thiện tu bị ngự chi cụ, giai Kháng sở túc quy. Kim phản thân công chi, kí phi khả tốt khắc, thả bắc cứu tất chí, chí nhi vô bị, biểu lí thụ nan, hà dĩ ngự chi?” Chư tướng hàm dục công Xiển, Kháng mỗi bất hứa. Nghi Đô thái thú Lôi Đàm ngôn chí khẩn thiết, Kháng dục phục chúng, thính lệnh nhất công. Công quả vô lợi, vi bị thủy hợp.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Tấn Xa kỵ tướng quân Dương Hỗ soái sư hướng Giang Lăng, chư tướng hàm dĩ Kháng bất nghi thượng. Kháng viết: “Giang Lăng thành cố binh túc, vô sở ưu hoạn. Giả lệnh địch một Giang Lăng, tất bất năng thủ, sở tổn giả tiểu. Như sử Tây Lăng bàn kết, tắc Nam Sơn quần Di giai đương nhiễu động, tắc sở ưu lự, nan khả nhi cánh dã. Ngô ninh khí Giang Lăng nhi phó Tây Lăng, huống Giang Lăng lao cố hồ?” Sơ, Giang Lăng bình diễn, đạo lộ thông lợi, Kháng sắc Giang Lăng đốc Trương Hàm tác đại yển át thủy, tiệm tí bình trung, dĩ tuyệt khấu bạn. Hỗ dục nhân sở át thủy, phù thuyền vận lương, dương thanh tương phá yển dĩ thông bộ quân. Kháng văn, sử Hàm cức phá chi. Chư tướng giai hoặc, lũ gián bất thính. Hỗ chí Đương Dương, văn yển bại, nãi cải thuyền dĩ xa vận, đại phí tổn công lực.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Tấn Ba Đông giám quân Từ Dận soái thủy quân nghệ Kiến Bình, Kinh Châu thứ sử Dương Triệu chí Tây Lăng. Kháng lệnh Trương Hàm cố thủ kì thành; Công An đốc Tôn Tuân tuần nam ngạn ngự Hỗ; Thủy quân đốc Lưu Lự, Trấn tây tướng quân Chu Uyển cự Dận. Thân soái tam quân, bằng vi đối Triệu. Tướng quân Chu Kiều, Doanh đô đốc Du Tán vong nghệ Triệu. Kháng viết: “Tán quân trung cựu lại, tri ngô hư thật giả, ngô thường lự Di binh tố bất giản luyện, nhược địch công vi, tất tiên thử xử.” Tức dạ dịch Di dân, giai dĩ cựu tướng sung chi. Minh nhật, Triệu quả công cố Di binh xử, Kháng mệnh toàn quân kích chi, thỉ thạch vũ hạ, Triệu chúng thương tử giả tương chúc. Triệu chí kinh nguyệt, kế khuất dạ độn. Kháng dục truy chi, nhi lự Xiển súc lực hạng lĩnh, tý thị gian khích, binh bất túc phân, vu thị đãn minh cổ giới chúng, nhược tương truy giả. Triệu chúng hung cụ, tất giải giáp đĩnh tẩu, Kháng sử khinh binh niếp chi, Triệu đại phá bại, Hỗ đẳng giai dẫn quân hoàn.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Kháng toại hãm Tây Lăng thành, tru di Xiển tộc cập kì đại tướng lại, tự thử dĩ hạ, sở thỉnh xá giả sổ vạn khẩu. Tu trì thành vi, đông hoàn Nhạc Hương, mạo vô căng sắc, khiêm trùng như thường, cố đắc tướng sĩ hoan tâm. Gia bái đô hộ. Nhị niên xuân, tựu bái Đại tư mã, Kinh Châu mục.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: Tam niên hạ, tật bệnh... Thu toại tốt, tử Yến tự. Yến cập đệ Cảnh, Huyền, Cơ, Vân, phân lĩnh Kháng binh.
- ^ Tam quốc chí, Lục Tốn truyện: Lục Kháng: ...Tôn Sách ngoại tôn dã.
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Trương Ẩn, Văn sĩ truyện: Văn sĩ truyện viết: Lục Cảnh mẫu Trương Thừa nữ, Gia Cát Khác ngoại sanh. Khác tru, Cảnh mẫu tọa kiến truất.
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Tập Tạc Xỉ, Hán Tấn xuân thu: Hán Tấn xuân thu viết: Dương Hỗ kí quy, tăng tu đức tín, dĩ hoài Ngô nhân. Lục Kháng mỗi cáo kì biên thú viết: “Bỉ chuyên vi đức, ngã chuyên vi bạo, thị bất chiến nhi tự phục dã. các bảo phân giới, vô cầu tế ích nhi dĩ.” Vu thị Ngô, Tấn chi gian, dư lương tê mẫu nhi bất phạm, ngưu mã dật nhi nhập cảnh, khả tuyên cáo nhi thủ dã. Miện thượng liệp, Ngô hoạch Tấn nhân tiên thương giả, giai tống nhi tương hoàn.
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Tôn Thịnh, Tấn dương thu: Tấn dương thu viết: Kháng dữ Dương Hỗ thôi Kiều, Trát chi hảo. Kháng thường di Hỗ tửu, Hỗ ẩm chi bất nghi. Kháng hữu tật, Hỗ quỹ chi dược, Kháng diệc thôi tâm phục chi. Hán Tấn xuân thu: Kháng thường tật, cầu dược vu Hỗ, Hỗ dĩ thành hợp dữ chi, viết: “Thử thượng dược dã, cận thủy tự tác, vị cập phục, dĩ quân tật cấp, cố tương trí.” Kháng đắc nhi phục chi, chư tướng hoặc gián, Kháng bất đáp.
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Hán Tấn xuân thu: Tôn Hạo văn nhị cảnh giao hòa, dĩ cật vu Kháng, Kháng viết: “Phu nhất ấp nhất hương, bất khả dĩ vô tín nghĩa chi nhân, nhi huống đại quốc hồ? Thần bất như thị, chánh túc dĩ chương kì đức nhĩ, vu Hỗ vô thương dã.”
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Tấn dương thu: Vu thì dĩ vi Hoa Nguyên, Tử Phản phục kiến vu kim.
- ^ Bùi Tùng Chi dẫn Hán Tấn xuân thu: Hoặc dĩ Hỗ, Kháng vi thất thần tiết, lưỡng ki chi.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nay là địa cấp thị Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
- ^ Quan Vũ Lại (关羽濑, 濑/lại theo Thiều Chửu nghĩa là nước chảy trên cát hay chảy xiết) còn gọi Quan Hầu than (关侯滩, 滩/than nghĩa là đất ven nước), là một địa danh vào thời Tam Quốc. Theo Tam quốc chí, Cam Ninh truyện, Cam Ninh theo Lỗ Túc đi trấn thủ Ích Dương, đề phòng Quan Vũ. Bấy giờ Quan Vũ cậy binh lực hùng mạnh, tập kết ở một cái bãi nông (than) tại thượng du, đánh tiếng rằng sẽ nhân đêm tối vượt sông. Cam Ninh chỉ có 300 lính bản bộ, nói: “Nếu giao thêm cho tôi 500 người, thì tôi sẽ chống lại ông ta. Đảm bảo Vũ nghe nói tôi đến sẽ không dám vượt sông, vì vượt sông sẽ bị tôi bắt. Túc bèn giao cho Ninh 1000 lính, Ninh liền trong đêm kéo lên thượng du. Quả nhiên Vũ nghe tin Ninh đến thì bỏ về. Tôn Quyền thán phục Ninh, bái Ninh làm Tây Lăng thái thú. Vì thế bãi nông ấy được đặt tên là Quan Vũ Lại.
- ^ Tả truyện, (Lỗ) Tương công nhị cửu niên: (Ngô công tử Quý Trát) sính vu Trịnh, kiến Tử Sản như cựu tương thức, dữ chi cảo đái, Tử Sản hiến trữ y yên.” (tạm dịch: Quý Trát thăm nước Trịnh, mới gặp Công Tôn Kiều (tự Tử Sản) mà như quen biết đã lâu, gởi ông ta đai bằng the mỏng, Công Tôn Kiều tặng lại áo bằng sợi gai.)