Phi Nga
Phi Nga | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Vũ Phi Nga |
Ngày sinh | 27 tháng 7, 1935 |
Nơi sinh | Sài Gòn |
Mất | |
Ngày mất | 27 tháng 11, 1985 | (50 tuổi)
Nơi mất | Thành phố Hồ Chí Minh |
Giới tính | nữ |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Diễn viên điện ảnh |
Gia đình | |
Chồng | Phan Vũ |
Danh hiệu | Nghệ sĩ ưu tú |
Sự nghiệp điện ảnh | |
Năm hoạt động | 1959 – 1972 |
Đào tạo | Trường Điện ảnh Việt Nam |
Vai diễn | Hoài trong Chung một dòng sông |
Phi Nga (27 tháng 7 năm 1935 – 27 tháng 11 năm 1985) là một nữ diễn viên điện ảnh Việt Nam, nổi tiếng từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20. Bà được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.[1]
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Phi Nga tên đầy đủ là Vũ Phi Nga, sinh ngày 27 tháng 7 năm 1935 tại Sài Gòn, đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Bà được xem là một trong các nữ diễn viên điện ảnh Việt Nam được công chúng biết đến sớm nhất khi được chọn vào vai chính cho bộ phim Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đây cũng là vai diễn đầu tiên của bà.[2] Mặc dù chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhưng vai diễn được đánh giá là truyền cảm và sinh động này của Phi Nga đã bộc lộ được khả năng diễn xuất của bà.[3]
Năm 1959, sau khi Trường Điện ảnh Việt Nam thành lập, bà là một trong những thành viên của lớp diễn viên điện ảnh khóa 1 cùng với Kim Chi, Lịch Du, Trà Giang. Sau đó, bà tiếp tục có được thành công với vai vợ thuyền trưởng Tơm trong Biển gọi, mẹ Lành trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Lối diễn của Phi Nga được đánh giá là giản dị, chân chất, không cường điệu, nhưng đạt hiệu quả nghệ thuật sâu và có sức truyền cảm, là lối diễn ít có trong nền điện ảnh Việt Nam.[4] Với khả năng và kinh nghiệm qua nhiều bộ phim, bà trở thành giảng viên tại Trường Điện ảnh.[5]
Vai mẹ Lành trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là vai cuối cùng Phi Nga tham gia đóng phim nhựa vì sức khỏe bà càng lúc càng yếu vì bệnh tim.[6] Sau đó bà bị tai biến mạch máu não và mất vào ngày 27 tháng 11 năm 1985 sau 10 năm chống chọi với bệnh.[7]
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]Năm | Tên phim | Vai diễn | Đạo diễn | Chú | Nguồn |
---|---|---|---|---|---|
1959 | Chung một dòng sông | Hoài | NSND Hồng Nghi, NSND Phạm Kỳ Nam | [a][b] | [8][9] |
1960 | Vật kỷ niệm | Chị Tư | [10] | ||
1962 | Một ngày đầu thu | Bác sĩ | Huy Vân | ||
1965 | Trên vĩ tuyến 17 | Vợ Việt | NSƯT Lý Thái Bảo, Nguyễn Nhất Hiên | [c] | [11] |
1966 | Nguyễn Văn Trỗi | Châu | NSND Bùi Đình Hạc | [d] | [12] |
1967 | Biển gọi | Vợ Tơm | NSƯT Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung | [c] | [13][14] |
Rừng O Thắm | NSND Hải Ninh | [c] | |||
1972 | Truyện vợ chồng anh Lực | Ngân | NSND Trần Vũ | [e] | [15][16] |
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm | Lành | NSND Hải Ninh | [f] | [17] |
Nhận xét
[sửa | sửa mã nguồn]Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh từng nhận xét về Phi Nga:[18]
“ Từ trước cách mạng, nước ta cũng đã có người đóng phim, chẳng hạn như Nguyễn Tuân trong phim Cánh đồng ma, nhưng phải đến Phi Nga trong Chung một dòng sông thì lần đầu tiên công chúng rộng rãi mới biết đến một diễn viên điện ảnh đích thực. Diễn xuất của Phi Nga ngay từ vai diễn đầu tiên đã rất "điện ảnh", nghĩa là rất tự nhiên, giản dị, sống động. Một người chưa qua bất kỳ lớp đào tạo diễn xuất nào trong điện ảnh, làm được thế thực là rất đáng quý. ”
Đời tư
[sửa | sửa mã nguồn]Chồng bà là đạo diễn, nhà biên kịch, họa sỹ, nhà thơ Phan Vũ. Cả hai quen biết nhau khi bà còn là phát thanh viên ở Đài phát thanh Nam Bộ. Năm 1952, Phan Vũ đang công tác tại Ban chấp hành Chi hội văn nghệ Nam Bộ. Khi đó ông dựng một vở kịch sân khấu và Phi Nga tham gia diễn xuất. Đến năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, hai người kết hôn.[2] Trong lúc Phi Nga đang mang thai, Phan Vũ từng được cử sang học điện ảnh ở Liên Xô nhưng ông đã từ chối.[19] Sau khi có hai người con (nhà báo Việt Nga và đạo diễn Phan Điền) thì Phan Vũ phát hiện bệnh tim của vợ. 10 năm cuối đời, khi Phi Nga bị tai biến mạch máu não, mọi sinh hoạt của bà đều do chồng chăm sóc.[20] Sau khi Phi Nga qua đời, Phan Vũ dần chuyển từ đạo diễn sang làm họa sĩ. Hình ảnh của người vợ cũ thường xuyên xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông. Năm 1999, Phan Vũ tái hôn với người vợ sau là nhà báo Diễm Chi, vốn là đồng nghiệp của con gái ông là Việt Nga.[21][22]
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Được xem là phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam.
- ^ Bộ phim giành được Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.
- ^ a b c Bộ phim giành được Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1.
- ^ Bộ phim giành được Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1.
- ^ Bộ phim giành được Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.
- ^ Bộ phim giành được Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 249.
- ^ a b Châu Mỹ (11 tháng 10 năm 2015). “Diễn viên 'Chung một dòng sông' trong ký ức người ở lại”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 250.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 251.
- ^ Trần Hải (27 tháng 5 năm 1975). “Trường Điện ảnh Việt Nam”. Báo Tiền Phong. 2463: 9. ISSN 0191-2097. OCLC 6945115.
- ^ Trần Hữu Lục (1987), tr. 48.
- ^ Nguyễn Đình San (13 tháng 2 năm 2018). “Sự tỏa sáng của một nữ diễn viên đoản mệnh”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Lê Minh (1995), tr. 324.
- ^ Phạm Vũ Dũng (2000), tr. 257.
- ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 194.
- ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 238.
- ^ Xuân Trường (1971), tr. 220.
- ^ “Biển gọi”. Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Nguyên Khánh (27 tháng 8 năm 2020). “Vai diễn nổi bật và bộ ba phim để đời của NSND Trần Phương”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Hồng Lực (2000), tr. 58.
- ^ Fu & Yip (2019), tr. 20.
- ^ Đạt Thành (18 tháng 6 năm 2015). “Người luôn gặp 'cơ duyên'”. Báo điện tử Tổ Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ “Những nữ diễn viên Việt Nam đình đám thời kỳ phim đen trắng”. ZingNews. 2 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Lê Minh Quốc (18 tháng 7 năm 2019). “Phan Vũ vĩnh biệt cõi này!”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Hà Lan (13 tháng 3 năm 2022). “Sao 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm': Người đoản mệnh, người cô đơn về già”. Báo VietnamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Nguyên Vân (18 tháng 7 năm 2019). “Giã biệt Phan Vũ, gã đầu trần thơ thẩn đường mưa”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2022.
- ^ Tuy Hòa (9 tháng 6 năm 2018). “Tình duyên của tác giả 'em ơi Hà Nội phố'”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2022.
Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- Lê Minh (1995). Chân dung nữ văn nghệ sĩ Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 35723506.
- Hoàng Thanh; Vũ Quang Chính; Ngô Mạnh Lân; Phan Bích Hà (2003). Nguyễn Thị Hồng Ngát; và đồng nghiệp (biên tập). Lịch sử điện ảnh Việt Nam, Tập 1. Hà Nội: Cục Điện ảnh Việt Nam. OCLC 53129383.
- Phạm Vũ Dũng (2000). Điện ảnh Việt Nam: ấn tượng và suy ngẫm. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. OCLC 761441941.
- Trần Hữu Lục (1987). Dưới ánh đèn sân khấu. Tây Ninh: Sở Văn hóa Thông tin Tây Ninh. OCLC 23541018.
- Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994). Diễn viên điện ảnh Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. OCLC 33133770.
- Xuân Trường (1971). Vì một nền văn nghệ mới Việt Nam: tiểu luận phê bình. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. OCLC 1078366928.